> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Ô nhiễm chồng lên ô nhiễm
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nguyên nhân khiến hồ Tuyền Lâm ô nhiễm là do tảo lam (tên khoa học là cyanophyta) xuất hiện ở phía thượng nguồn thác Bảo Đại chảy vào hồ Tuyền Lâm (chiếm 30% lượng nước hồ); và đồng thời, tảo lam cũng xuất hiện cục bộ tại khu vực suối Tía và phía gần khu dân cư thuộc P.3 (TP.Đà Lạt).
“Phía thượng nguồn, nguồn rác thải ở các khu dân cư không qua xử lý đã khiến cho các dòng suối bị ô nhiễm trước khi chảy vào hồ Tuyền Lâm; hoặc ở những khu vực hồ giáp với khu dân cư thì nguồn rác thải của dân cũng không được xử lý và đã thải thẳng vào hồ làm cho nước trong hồ Tuyền Lâm xuất hiện tảo lam, bốc mùi hôi thối” - ông Thành cho biết.
Vấn đề kinh doanh ở khu du lịch mang tầm quốc gia này trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu hồ Tuyền Lâm bị ô nhiễm.
Ở Đà Lạt, tình trạng ô nhiễm hồ Xuân Hương và cả thác Cam Ly - hai thắng cảnh du lịch nổi tiếng trong cả nước - trong nhiều năm qua là một bài học để các cơ quan chức năng Lâm Đồng cần đưa ra giải pháp xử lý ngay nạn ô nhiễm đang bắt đầu ở hồ Tuyền Lâm trước khi quá muộn.
Cũng theo BQL khu du lịch hồ Tuyền Lâm, để khắc phục nạn tảo lam đang “nở” trên hồ, cần phải có 60 tỉ đồng để thi công khoảng 25km đường ống thu gom nước thải của các dự án du lịch quanh hồ dẫn sang nơi khác, không cho chảy trực tiếp vào hồ Tuyền Lâm. Cùng đó, cần có một hồ sinh học “hứng” nguồn nước thải từ các khu dân cư để xử lý qua hệ thống lọc trước khi nước đi vào hồ và việc nuôi cá ngay trong lòng hồ như hiện tại cũng cần xem xét cho tạm dừng để loại bỏ nguồn ô nhiễm này.
Đau đầu hai thắng cảnh bị ô nhiễm
Với hồ Xuân Hương - một hồ nước nhân tạo là thắng cảnh du lịch nằm ngay trung tâm TP.Đà Lạt - từ nhiều năm qua làm đau đầu nhiều nhà quản lý và nhà khoa học bởi nạn tảo lam “nở hoa” khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, cá trong hồ chết trắng. Đã có nhiều giải pháp xử lý nạn tảo lam “nở hoa” trên hồ Xuân Hương được đưa ra và thực hiện, nhưng kết quả không mấy khả quan.
Gần đây, công nghệ xử lý của Trung tâm Ứng dụng KH CN thuộc Sở KHCN Lâm Đồng là “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu gom tảo trên hồ Xuân Hương” đã được Hội đồng Khoa học tỉnh xem xét, chọn để triển khai thực hiện nhưng theo Sở KHCN, để triển khai công nghệ này vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện các công đoạn.
Còn với thác Cam Ly, hầu như điểm du lịch này đã bị đóng cửa trong rất nhiều năm qua bởi cả con suối và dòng thác bị ô nhiễm. Về vấn đề xử lý, trong một văn bản gần đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở TNMT “chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan... rà soát tổng thể các nguồn nước tụ về khu du lịch thác Cam Ly, đánh giá nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, đề xuất UBND tỉnh phương pháp xử lý, nguồn vốn; tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND TP.Đà Lạt làm chủ đầu tư hạng mục xử lý ô nhiễm nước nêu trên”.
Trong khi thắng cảnh hồ Xuân Hương và thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng, nhưng chưa tìm được giải pháp khắc phục thì nay, cũng trên địa bàn TP.Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm lại bị ô nhiễm thì quả là điều rất đáng lo ngại. Và cũng vì vậy, nỗi lo về sự ô nhiễm nguồn nước ở Đà Lạt cũng đang lớn dần.
Theo Lao động