Vài năm trở lại đây, khi các loại thuốc BVTV được bày bán tràn lan với giá rẻ và cho hiệu quả thấy rõ đối với cây trồng, đồng bào Vân Kiều và Pa Cô ở miền núi tỉnh Quảng Trị đua nhau mua về sử dụng. Theo chị Hồ Thị Tương, ở xã Thuận (Hướng Hóa): Ngày trước, để phát sạch cỏ trên diện tích 1 ha nương rẫy phải mất từ 15 đến 20 ngày công lao động, nay sử dụng một gói thuốc diệt cỏ có giá khoảng 70.000 đồng, một người bơm phun trong khoảng một giờ sẽ làm sạch các loại cỏ trên diện tích tương tự. Nhanh và giảm bớt công sức, đó là lợi ích trước mắt nhưng ít người ở địa bàn miền núi này biết rằng, việc dùng thuốc diệt cỏ để canh tác một cách tràn lan đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước.
Thuốc diệt cỏ sau khi đưa vào sử dụng, một phần thẩm thấu qua đất, phần lớn theo mưa trôi xuống các con sông, suối và ao, hồ, làm ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của người dân... Ðiều đáng lo ngại là hiện nay, phần lớn người dân miền núi đang dùng loại thuốc diệt cỏ Paraquat có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho động vật và con người. Bộ NN&PTNN đã có văn bản đưa loại thuốc này vào danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam.
Ði dọc theo các khe, suối trên địa bàn các xã vùng Lìa (Hướng Hóa), chúng tôi thấy người dân vứt vỏ, chai thuốc BVTV rất nhiều, trong khi hầu hết nguồn nước sinh hoạt của bà con ở đây được lấy từ nước suối. Suối Pa Ráp, ở xã Pa Tầng (Hướng Hóa) là nơi đầu nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân các bản làng ở thung lũng phía dưới. Suối chảy từ một ngọn núi cao vòng quanh các quả đồi đổ về xuôi, chung quanh đồi là các rẫy sắn của người dân địa phương. Nước ở con suối này gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân quanh vùng bởi sự ô nhiễm của nó, nhưng họ vẫn phải sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này cho thấy một số người dân còn thiếu hiểu biết và thiếu ý thức về hậu quả nghiêm trọng của việc bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV bị vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Anh Hồ Văn Hơ, ở xã A Túc (Hướng Hóa) cho biết: "Mỗi vụ sắn, tôi bơm thuốc hai lần để diệt cỏ, vào lúc mới trồng và lúc cây sắn cao khoảng 0,5m. Ngoài ra, lúc nào cây có dấu hiệu sâu bệnh thì phun thuốc trừ sâu, phun xong thì ra suối rửa bình cho sạch sẽ. Ở đây ai cũng làm vậy cả”. Anh Hơ hoàn toàn không biết thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu bệnh đó có hại cho sức khỏe con người, bởi con suối đó cũng là nơi gia đình anh lấy nước về để dùng hằng ngày.
Anh Hồ Văn Ðình, ở thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp (Ða Krông) lại lo lắng cho biết: "Công trình nước sạch trên địa bàn bị hỏng cho nên hơn 5 năm nay, người dân ở thôn Xa Vi phải dùng nguồn nước từ các khe, suối. Biết là nguồn nước bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ do người dân phun tại các nương sắn bên suối và súc rửa bình bơm nhưng chúng tôi vẫn phải lấy để tắm rửa, sinh hoạt chứ cũng không biết lấy nước ở đâu ra nữa".
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 190 cơ sở bán các loại thuốc BVTV, nhưng mới chỉ có 90 cơ sở được cấp phép. Hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc diệt cỏ, trừ sâu không có giấy phép đều không bảo đảm các tiêu chuẩn về kinh doanh thuốc BVTV. Việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trái quy định cũng rất khó khăn, vì một số điểm kinh doanh thuốc không được bày bán công khai. Khi có cơ quan chức năng kiểm tra, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đã giấu hết các loại thuốc không có nhãn mác rõ ràng...
Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết: Người dân ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông, sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ. Việc lạm dụng các loại thuốc BVTV sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng lẫn người sinh sống chung quanh, tồn dư các loại thuốc BVTV sẽ tích lũy trong cơ thể người và gây nên một số loại bệnh. Việc quản lý, thu gom bao bì thuốc BVTV của người dân cũng chưa được quan tâm; vỏ bao, chai đựng thuốc vứt bừa bãi trên nương rẫy, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Qua tìm hiểu, tại các xã vùng Lìa (Hướng Hóa) có nhiều trường hợp phụ nữ sinh non do thường xuyên tiếp xúc, sinh sống ở vùng đất sử dụng thuốc diệt cỏ. Nhiều y sĩ, bác sĩ làm việc tại các trạm y tế ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông cũng cho biết, thời gian gần đây, một số người dân đến khám bệnh cho biết, họ bị choáng sau khi bơm thuốc diệt cỏ, sử dụng các loại thuốc BVTV mà không mang đồ bảo hộ…
Từ thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Trị cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân miền núi về tác dụng và tác hại của thuốc BVTV. Khuyến cáo người dân không nên lạm dụng thuốc BVTV mà tích cực sử dụng biện pháp sinh học, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những người buôn bán các loại thuốc cực độc có chứa hoạt chất 2.4D và thuốc diệt cỏ Paraquat.
Các cơ quan chức năng và địa phương cần đầu tư xây các bể xử lý vỏ thuốc BVTV tập trung ở nương rẫy để thu gom, xử lý vỏ thuốc, qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân sử dụng đúng thuốc BVTV, không chỉ bảo vệ tốt mùa màng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Theo Nguyễn Văn Hai (Báo Nhân dân)