> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng
Mới đến đầu xã Thái Phương, đã nghe tiếng máy dệt sầm sập, mùi hóa chất bốc lên sặc sụa. Nước ở các mương máng, hồ ao sủi bọt và đục ngầu vì thuốc tẩy nhuộm xả ra.
Bà Đỗ Thị Điện (54 tuổi, thôn Trác Dương) có một phần ruộng gần khu công nghiệp tẩy nhuộm vải ở cùng thôn, cho biết mỗi vụ bà chỉ thu được vài chục cân thóc, nước nhuộm đổ ra làm lúa tốt nhưng không có hạt.
Ruộng của ông Trần Bá Ngạn, 55 tuổi, cũng ở thôn Trác Dương thì nhiều năm nay phải bỏ hoang, thành ao thả bèo.
Lúa quanh khu công nghiệp tẩy nhuộm mỗi năm chỉ cho 40-60 kg thóc/sào
Khoảng 12 ha đất canh tác của 4 thôn Phương La 2, Phương La 3, Xuân La, Trác Dương bị ảnh hưởng bởi nước thải ngành dệt đều trong tình trạng gần như mất trắng, trung bình chỉ được 40-60 kg thóc mỗi sào, khiến nhiều hộ không muốn cấy.
Năm 2011, Thái Phương được tỉnh công nhận là xã nghề với hơn 90% số hộ theo nghề dệt, nhiều hộ thu nhập tiền tỉ.
Ăn theo nghề dệt, nghề tẩy nhuộm vải nở rộ từ hơn chục năm gần đây và gây ô nhiễm môi trường vì không có hệ thống xử lý.
Năm 2007, nước thải tẩy nhuộm đổ ra sông Tân Việt, tràn vào ruộng ở các thôn Phương La, Trác Dương khiến người dân phải đắp đập ngăn sông.
Hiện nay, chỉ còn 5 hộ và 2 doanh nghiệp là CBA và Nam Thành làm nghề tẩy nhuộm ở xã Thái Phương nhưng lượng nước thải không giảm.
Phó chủ tịch UBND xã Thái Phương, ông Trần Bá Cao cho biết mỗi hộ xả 50-100 m3 nước thải/ngày, mỗi công ty xả trên 1.000 m3/ngày. Mùa cạn, nước thải còn nhiều hơn vì đây là mùa của hàng dệt nhuộm.
Sau vụ người dân đắp đập ngăn sông, xã Thái Phương đã xây trạm bơm nước mới cách cụm công nghiệp khoảng 800 m, lấy nước ở nơi khác để phục vụ sản xuất.
Sở Tài nguyên - Môi trường Thái Bình từng đề nghị cắt điện các cơ sở dệt nhuộm, nhưng đề xuất này không khả thi vì ảnh hưởng đến các hộ dân khác.
UBND H.Hưng Hà cũng nhiều lần xử phạt hành chính, cưỡng chế bằng cách khóa máy, chuyển địa bàn hoạt động của các cơ sở nhuộm, tẩy. Song một thời gian sau, các doanh nghiệp lại hoạt động trở lại. Nhiều hộ di dời cơ sở tẩy nhuộm tới cụm công nghiệp ở TP.Thái Bình nhưng rồi lại chuyển về xã.
Ông Trần Văn Tuấn, một chủ xưởng bày tỏ: “Nhiều hộ khác vẫn tẩy nhuộm trong xã bình thường nên tôi cũng chuyển cơ sở về chỗ cũ”.
Cưỡng chế không thành, UBND huyện yêu cầu các doanh nghiệp xây hệ thống xử lý nước thải.
Năm 2009, hai doanh nghiệp CBA và Nam Thành đã hoàn tất hệ thống này.
Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Cao, phó chủ tịch UBND xã Thái Phương, nước thải của những hộ đã xử lý và những hộ chưa xử lý là như nhau.
Hai đơn vị kể trên vẫn chưa có đường ống xả thải theo yêu cầu của tỉnh; việc xả thải chỉ loanh quanh trong diện tích của mình và để thẩm thấu sang khu vực liền kề.
“Các đơn vị xây hệ thống nhưng gần như không đưa vào hoạt động mà chỉ vận hành cho các cơ quan quản lý kiểm định, sau đó lại thôi”, ông Cao nói.
Theo các doanh nghiệp, chi phí cho hệ thống xử lý để đảm bảo nước thải “sạch” như quy định thì doanh nghiệp không còn lãi.
Chủ xưởng Trần Văn Tuấn kể trên cho biết chi phí này có thể chiếm tới 17% giá trị sản xuất.
Theo ông Trần Bá Cao, việc tẩy nhuộm vải chỉ làm giàu cho chủ cơ sở sản xuất và không nhiều người dân được hưởng lợi. So với những rủi ro về sức khỏe và môi trường, lợi ích kinh tế là không đáng kể. Được biết, năm 2011, UBND xã Thái Phương đã đề xuất biện pháp đình chỉ vĩnh viễn hoạt động tẩy nhuộm ở địa phương nhưng UBND tỉnh Thái Bình chưa có ý kiến.
Theo Thanh niên