Tôi có hai người bạn, cùng đồng hương xứ Quảng, đều có duyên hội ngộ nhau ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. Người Quảng ở Sài Gòn thì rất nhiều, thậm chí có nơi người Quảng chiếm số đông trong cơ cấu dân số của một quận, hay phường nào đó. Nhưng ở Hà Nội, người Quảng ít hẳn. Vậy nên, việc ba anh em đồng hương gặp nhau tại Hà Nội là một niềm vui khó diễn tả.
Ngọc là thành viên nhỏ nhất trong đội ba người, tôi quen Ngọc trên nhóm Hội đồng hương Quảng Ngãi tại Hà Nội. Thấy Ngọc đăng thông tin trên nhóm, tôi chủ động làm quen, bởi tôi là người ở Hà Nội sớm hơn. Ngọc ra Hà Nội vì một dự án xây dựng, vì công việc mà ra, không phải vì mưu cầu lập nghiệp.
Lần đầu gặp nhau, tôi thấy ở anh toát lên tố chất của một người trẻ đầy năng động, nhiệt huyết, có ý chí vươn lên.
Hùng nhắn tin lên muộn một tí, vì đang kẹt xe. Những buổi tối ở Hà Nội, thi thoảng có ngày kẹt xe thê thảm, trên tuyến đường nào đó. Tôi và Ngọc chọn chỗ ngồi hợp lý, bên bờ Hồ Hoàng Cầu.
Những buổi tối, bờ Hồ Hoàng Cầu thường có những quán hàng mở bán cho giới bình dân nhậu. Tiết trời oi oi nóng của những ngày hè, tạo cảm giác khát thèm những cốc Bia Hơi Hà Nội. Chúng tôi ngồi vào bàn, gọi bia, và gọi đĩa lạc luộc.
Ngọc kể với tôi về quá trình vươn lên đầy nghị lực của mình, từ một chàng trai có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, trở thành một người quản lý dự án cho một tập đoàn xây dựng nước ngoài. Chi phí đi lại, ăn ở, công ty lo rất chu đáo. Ngọc ở khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, nơi tổng thống Donald Trump từng ở (khi ông sang Việt Nam).
Đối với tôi, cả đời ước mơ cũng không dám vào những nơi sang trọng như vậy. Bên cạnh đó, mỗi tháng Ngọc còn được hỗ trợ đi lại hơn 15 triệu đồng. Mỗi tháng phải dùng hết số tiền đó, không thì trả lại cho công ty.
Anh em mới gặp nhau, biết sơ qua vậy. Ở quê, nhà Ngọc cách nhà tôi vài cây số (trong làng cả mà). Biết nhau cả, nên tôi rất nể phục sự vươn lên của Ngọc.
Chúng tôi ngồi được một lúc thì Hùng đến. Niềm vui của những người cùng làng cùng xóm gặp nhau nơi đất khách quê người thật đặc biệt. Đó là một dư vị ấm áp kỳ lạ, điều mà nếu đặt cuộc gặp gỡ của chúng tôi trong một khung cảnh khác thì rất khó để có được cảm xúc đó.
Mặt nước Hồ Hoàng Cầu về tối lung linh, phía xa, nơi có quán Lake View Coffee Đảo phảng chiếu đèn điện xuống hồ những dòng lấp lánh.
Hùng ngồi vào bàn, chúng tôi nâng ly để mừng sự kiện hội ngộ. Tôi và Hùng cũng là lần đầu tiên gặp nhau, mặt dù cả hai ở Hà Nội từ lâu. Mỗi người mỗi việc, những cuộc hẹn cà phê cứ lần lừa sau vài tuần kết nối (mặt dù ra Hà Nội cũng đã bốn năm rồi, nhưng tôi mới biết Hùng sống và làm việc ngoài này). Gió thổi một ít hơi nước của Hồ lên, xoa đi một phần cái nóng.
Hùng làm bên Marketing, chúc vụ trưởng nhóm. Mặc dù là cùng quê, nhưng bởi chúng tôi là những người học các khóa khác nhau, nên chưa có sự kết nối từ trước. Hùng nhỏ hơn tôi một khóa, và cũng có biết tên nhau. Chính vì vậy nên hôm đó tôi mới biết câu chuyện về Hùng.
Ngày xưa, Hùng học giỏi, so với tôi và Ngọc thì nhà Hùng có điều kiện hơn. Xong cấp ba, Hùng vào học ở Sài Gòn. Ra trường, làm được một thời gian, thì Hùng muốn ra Hà Nội để khám phá đời sống ngoài Bắc.
Hùng thích Hà Nội. Hùng làm thu nhập cao không thua gì Ngọc, chính vì lẽ đó nên Hùng mới chọn sống ở Hà Nội. Có điều, Hùng mất mẹ hơn sáu năm rồi, ba ở nhà một mình hay đau yếu, anh trai lập nghiệp ở Sài Gòn, còn chị gái ở gần đó nhưng ở nhà riêng, vì đã lập gia đình. Nhà lại là nhà thờ tổ tiên nên Hùng rơi vào tình huống rất khó xử, không biết nên về hay ở lại Hà Nội.
Về quê, chắc chắn Hùng không thể tìm được việc làm tương tự, với mức lương tương tự. Và thậm chí, mức lương giảm đi hơn một nửa, cũng không có!...
Trong ba người, Ngọc nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, và đã có con. Vợ Ngọc quê ở Tây Nguyên, hữu duyên quen nhau trong Sài Gòn, trở thành vợ chồng, và về làm dâu xứ Quảng. Còn tôi và Hùng thì vẫn độc thân, dù tuổi tác cũng đã lớn.
Là một người đam mê văn chương và nghệ thuật, ngày quyết lòng ra Hà Nội, tôi đã xác định là lập nghiệp ở Hà Nội. Bởi Hà Nội là trung tâm văn chương, trung tâm văn hóa cả nước. Ước mơ tôi theo đuổi, nghề tôi chọn lựa, chỉ có Hà Nội mới có cơ hội. Vậy nên, năm 31 tuổi, tôi một lòng ra Hà Nội ôn thi lại và học đại học. Dù muộn, nhưng khát vọng tri thức trong tôi là rất lớn, nên không gì có thể ngăn cản được tôi cả.
Mỗi người mỗi câu chuyện khác nhau, chúng tôi càng thêm hiểu nhau. Tôi luôn nghĩ, Ngọc là người có triển vọng vươn lên nhất. Vì công việc anh đang làm là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Một tháng sau, chúng tôi lại gặp nhau. Vì những ngày cuối tuần trước đó mỗi người có những lịch trình bận bịu của riêng mình. Và một bất ngờ đã xảy ra với tôi. Ngọc bảo: Hôm nay, gặp mấy anh là để nói lời chia tay.
Tôi và Hùng chưa hiểu lắm. Ngọc bảo: Em quyết định về quê. Quê mình khu kinh tế đang phát triển, em cũng có hỏi thăm công việc rồi, chắc chắn có cơ hội. Tôi bảo: Công việc ở đây ngon thế, sao bỏ được. Ngọc nói muốn về bên vợ và gia đình, vừa đi làm công ty vừa làm nông, vì đất đai rộng. Ừ! Thì đó là quyết định của Ngọc, tôi tôn trọng. Còn tôi thì bảo: Chắc chắn sẽ ở lại Hà Nội.
Nhưng rồi, hôm nay, sau hai năm Ngọc rời Hà Nội, tôi đã quyết định về quê. Nhà tôi không còn đất đai nữa, vì trúng dự án đền bù hết rồi. Quê tôi đầy những doanh nghiệp, nhưng không có nơi nào sử dụng tấm bằng mà tôi được học (ngành Sáng tác văn học). Nghề của tôi, chỉ đắc dụng ở thành phố lớn!
Tôi may mắn được ba mẹ cho lô đất (mặt đường), nếu bán đi cũng được 4 tỷ, đủ điều kiện để tôi thực hiện ước mơ của mình. Ở Hà Nội và sống với đúng đam mê văn chương nghệ thuật, điều mà tôi khao khát cả đời. Tôi đang trên con đường hoàn thiện ước mơ đó, theo đúng ý muốn.
Mọi thứ diễn ra khá thành công. Nhưng người anh của tôi đã mất, từ thời đại dịch Covid 19, để lại một lổ hỗng quá lớn trong tôi. Anh là người có thể chăm nom mẹ già ở quê, cũng như lo chuyện thờ phụng ông bà tổ tiên (câu chuyện này của tôi, lại hơi giống với Hùng). Lúc anh còn sống, mọi kế hoạch và dự định của tôi, đều đâu vào đó. Nhưng đúng như câu: Người tính không bằng trời tính. Chuyện xảy đến với tôi, xem như là định mệnh!...
Tôi quyết định quay về với gia đình, sau khi học xong đại học. Tôi có chọn lựa khác, có thể đưa mẹ ra Hà Nội, hoặc mẹ ở nhà đều có anh chị lo (nhà tôi có bốn anh chị em nhà sát bên cạnh nhà mẹ), nhưng nhà thờ tổ tiên sáu đời, thì không thể!...
Ngày tôi gặp lại Hùng, trước khi tôi về quê hẳn, Hùng bảo: Em chưa biết tính sao?...