Thời hạn đăng kiểm đối với các loại xe ô tô
Tùy theo loại phương tiện sử dụng, tùy theo số chỗ ngồi được quy định, tùy theo chủ xe sử dụng xe với mục đích gì mà xe sẽ có một mốc thời gian kiểm định riêng.
Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi và không kinh doanh vận tải
Đối với những loại xe ô tô chở người có số chỗ ngồi đến 9 chỗ và không kinh doanh vận tải có thời hạn đăng kiểm lần thứ nhất là 30 tháng, sau khi đăng kiểm lần thứ nhất các mốc đăng kiểm tiếp theo sẽ được quy định cụ thể theo năm sản xuất của từng chiếc xe cụ thể như sau:
- Đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải và đã sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 18 tháng.
- Đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải và đã sản xuất trên 7 năm đến 12 năm thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 12 tháng.
- Đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải và đã sản xuất trên 12 năm thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi và có kinh doanh vận tải hoặc ô tô chở người các loại trên 9 chỗ ngồi
Đối với ô tô chở người các loại dưới 9 chỗ ngồi trở lên và có kinh doanh vận tải thì sẽ được chia ra làm 2 nhóm cụ thể như sau:
- Xe không cải tạo: đối với các phương tiện chưa qua cải tạo, thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành cơ giới của xe cơ giới thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 18 tháng, sau lần đầu đăng kiểm thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng một lần.
- Xe đã qua cải tạo: đối với các phương tiện đã qua cải tạo, thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành cơ giới của xe cơ giới thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và chu kỳ đăng kiểm tiếp theo là 6 tháng.
Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc
Đối với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất đến 7 năm thì thời hạn đăng kiểm lần đầu được quy định là 24 tháng, sau khi đăng kiểm lần đầu thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ của xe là 12 tháng.
Đối với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất trên 7 năm thì thời hạn đăng kiểm lần đầu được quy định là 24 tháng, sau khi đăng kiểm lần đầu thì mỗi 06 tháng bạn phải mang xe đi đăng kiểm định kỳ.
Đối với rơ moóc, sơmi rơ moóc đã sản xuất đến 12 năm thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 24 tháng và chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 12 tháng.
Đối với rơ moóc, sơmi rơ moóc đã sản xuất trên 12 năm thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 24 tháng và chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
Đối với các loại ô tô tải, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơmi rơ moóc đã qua cải tạo, thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành cơ giới của xe cơ giới thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ ngồi đã sản xuất từ 15 năm trở lên
Đối với các loại ô tô chở người trên 9 chỗ ngồi và đã sản xuất từ 15 năm trở lên thì chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 3 tháng 1 lần.
Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên
Đối với ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên thì chu kỳ đăng kiểm được quy định là 3 tháng 1 lần.
Lưu ý, thời hạn đăng kiểm định lần đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm sản xuất, tính từ năm sản xuất.
Số chỗ ngồi trên ô tô bao gồm cả ghế người lái. Trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ không tính là xe đã cải tạo.
Ô tô quá hạn đăng kiểm bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hai mức phạt cho tài xế và chủ xe giao ôtô cho người khác điều khiển tùy thuộc vào thời gian quá hạn đăng kiểm của ôtô dưới 1 tháng hay từ 1 tháng trở lên.
Thời gian quá hạn đăng kiểm | Mức phạt đối với lái xe | Mức phạt với chủ xe |
Dưới 1 tháng |
Từ 2 đến 3 triệu đồng Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng |
Từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân. Từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức. |
Trên 1 tháng |
Từ 4 đến 6 triệu đồng Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng |
Từ 6 đến 8 triệu đồng đối với cá nhân. Từ 12 đến 16 triệu đồng đối với tổ chức. |
Trường hợp chủ ôtô cũng là người điều khiển ôtô (tài xế) lưu thông trên đường có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới hoặc từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), mức phạt áp dụng là mức dành cho chủ xe.
Đây là mức phạt mà tài xế, người sở hữu xe phải chịu nếu bị CSGT phát hiện. Khi đi làm thủ tục đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm không có trách nhiệm thu những khoản này.
Việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe là hình thức xử phạt chung cho tài xế lẫn chủ xe giao ôtô quá hạn đăng kiểm cho người khác điều khiển. Ôtô bị áp dụng các hình thức xử phạt bao gồm cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc hoặc các loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện).
Bị truy thu phí sử dụng đường bộ
Hiện nay, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành (có Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), bao gồm: Xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (gọi chung là ô tô) là các đối tượng phải chịu phí sử dụng đường bộ.
Mặc dù xe quá hạn đăng kiểm có thể “may mắn” không gặp phải Cảnh sát giao thông trên đường đưa xe đi đăng kiểm và không bị xử phạt nhưng chủ xe vẫn bị truy thu phí sử dụng đường bộ đối với thời gian chưa nộp.
Theo Thông tư 293/2016/TT-BTC, các Đơn vị đăng kiểm có thẩm quyền thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng).
Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ đăng kiểm trước theo thời hạn quy định, thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước.
Xe ô tô chỉ không phải nộp phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp sau:
- Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai.
- Bị tịch thu hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
- Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.
- Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.
- Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.
- Xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên.
- Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.
Hoàng Mai