Đang là mùa thi.
Từ thi vào lớp 10 (trường công), tới thi tốt nghiệp THPT, rồi thi đại học.
Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, mấy đời rồi vẫn thế.
Thời cụ Tú đã nổi tiếng vì thi tới 3 lần không đậu, rồi đậu, rồi thêm mấy lần nữa vẫn không đậu, thống kê cụ thi tới tất cả... 8 lần. Nhưng dẫu thi tới 8 lần chỉ đậu một lần thì cụ vẫn là... cụ Tú Xương, một người cực kỳ nổi tiếng về văn chương, về cuộc đời, và cái sự thi 8 lần kia nó chỉ là gia vị thêm cho sự nổi tiếng. Câu thơ của cụ: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” chẳng đã từng làm hàng triệu người thảng thốt.
Cũng các cụ xưa từng có câu “học tài thi phận”.
Thời thế hệ tôi đi học rồi thi, cũng căng thẳng gay go lắm, nhưng chưa tới mức cả xã hội đi thi như hiện nay.
Giờ, mỗi lần thi là mỗi lần xã hội xao xác. Nhưng cái sự xao xác nó thay đổi khá xa với trước.
Giờ, thi tốt nghiệp THPT gần như một trăm phần trăm đậu, nên nó là xao xác... vui.
Tới vào đại học, thì chưa thi tốt nghiệp THPT xong đã có giấy mời nhập học của các trường đại học, thì bèn nhại một câu thơ “có những này vui sao cả nước... vào trường”.
Còn cuộc thi căng thẳng nhất, máu lửa nhất, gian nan khổ ải nhất là cuộc thi vào lớp 10 trường công ở các thành phố lớn.
Nơi ấy số học sinh có thể vào trường so với số thí sinh dự thi chênh lệch khá lớn, nên nó là cuộc thi thực sự, nhiều gia đình mất ăn mất ngủ.
Có mấy tiêu chuẩn để việc vào trường công được chọn, một là... rẻ. Vào trường công ít tốn kém nhất về lý thuyết, nói thế bởi bên cạnh hệ thống nhà trường thì còn hệ thống hội phụ huynh song hành. Cái hội phụ huynh này vừa rất được việc, nhưng thi thoảng vài nơi vài chỗ nó thành hội... thu tiền. Hai là thuận tiện đường xá. Đa phần trường công phân bổ theo địa bàn dân cư nên học sinh ở địa bàn ấy đi học khá tiện, nhất là bây giờ, chả hiểu sao bố mẹ rất lo cho sự an toàn của con, nên đa phần là làm tài xế chở con đi học. Mà học bây giờ cũng khác xưa, ngoài chính khóa còn... phụ khóa, học thêm học nếm đủ cả.
Giao xe cho các con thì cũng đúng là không an tâm thật, khi tuổi ấy, chỉ một tích tắc cao hứng chúng vù từ 30km/h lên gấp đôi ngay. Chưa kể còn tụ tập đi chơi. Còn xe trường đưa đón thì một là tốn tiền, và hai, sau mấy vụ tai nạn từ xe chở học sinh, phụ huynh cũng ớn, nên bèn... tự chở.
Vào trung học phổ thông còn một cuộc thi nữa, cũng “khét lẹt” là thi vào hệ thống trường chuyên mà hiện tỉnh nào cũng đang có.
Với hệ thống trường chuyên lớp chọn này, cũng đang có nhiều ý kiến, là nên giữ hay bỏ.
Và trong khi xã hội đang cãi nhau thì trường chuyên cũng vẫn là mơ ước, của cả học sinh và... giáo viên.
Rất nhiều trường chuyên nổi tiếng vì đào tạo được nhiều học sinh giỏi và sau này ra trường cũng giỏi như chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, chuyên Phan Bội Châu Nghệ An, chuyên Hùng Vương Phú Thọ, chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, Lê Hồng Phong TP.HCM, Amsterdam Hà Nội vân vân...
Nhưng lại có một thực tế nữa là, không hẳn những người giỏi ngoài xã hội là từng học trường chuyên.
Trở lại chuyện thi vào trường công.
Rõ ràng là hiện nay hệ thống trường công rất ít so với nhu cầu. Một thống kê cho thấy, ở Hà Nội năm nay, gần 106.500 học sinh đăng ký thi lớp 10 công lập, nhiều hơn năm ngoái khoảng 2.000, tỷ lệ chọi cao nhất là 1/3,11. Trong khi đó, ở TP HCM, THPT Nguyễn Hữu Huân là trường có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất với 1/3,54, tiếp theo là trường THPT Nguyễn Thượng Hiền với vị trí thứ hai với tỷ lệ chọi 1/3,16, tiếp theo là trường Hồ Thị Bi 1/3,06.
Với tỉ lệ này thì đất cho các trường tư, trường ngoài công lập khá rộng.
Và nữa, sự phân luồng học sinh từ trung học cơ sở cũng là một xu hướng đúng, các cháu sẽ đi học nghề, rồi sau đấy vừa đi làm vừa học thêm nếu có nhu cầu. Bởi hiện tại, chúng ta cố gắng các cháu để tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi không cần cố gắng lắm, miễn bố mẹ có tiền, có bằng cách gì không biết, các cháu vào học đại học. Rồi, như những câu chuyện hài hước vẫn kể, ra trường, các cháu nhập vào đội quân... thất nghiệp, hoặc chạy grab, hoặc shipper...
Nó cứ như cái vòng luẩn quẩn.
Giờ về quê, rất nhiều thanh niên ngồi quán cà phê nghe nhạc. Hỏi thì các cháu đều đã tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm. Trước khi đi học đại học thì làm ruộng được, nhưng giờ là cử nhân rồi, thì không làm ruộng được nữa. Ở phố không xin được việc. Đang sinh viên còn có thể làm thêm như chạy bàn, grab... chứ giờ ai lại làm thế, thế là về quê. Quê càng không có việc, thế là cứ vật vờ thế. Và thi thoảng bị... lừa. Có kẻ nào đấy, về khoe là có thể xin được “việc nhẹ lương cao” nhưng cần “đầu tư”. Bố mẹ bán bò, heo, gà... đầu tư. Rồi hoặc là bị lừa mất tiền, hoặc không mất tiền nhưng được đưa sang nước ngoài quay lại lừa đồng bào mình, bị theo dõi kìm kẹp như nô lệ. Biết sự thật thì quá muộn, muốn về lại phải đóng tiền chuộc.
À thế nên thấy cái cảnh rất khổ sở chen vào học trường công, từ mẫu giáo trở lên (nhớ năm nào nửa đêm bà con đi xếp hàng nộp hồ sơ vào mẫu giáo chen đổ cả cổng) nên nhiều người cứ ước, giá như chúng ta bớt đi những phù phiếm, lãng phí, bớt đi tham nhũng, xài hoang, bớt đi thực dụng chen chúc nhà cao tầng như những cái hộp đựng người để xây những công trình văn hóa, công viên, và đặc biệt là trường học.
Chưa kể, năm nào thi cũng có trúc trắc về đề. Năm nay tỉnh Gia Lai thi vào trường chuyên thì đề thi văn, thay vì "Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng..." thì người ta bắt các cháu chứng minh là “Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng...", biến gạo trắng thành vàng trắng. Sai thì phục thiện, thì sửa, nhưng lại có ông nhà báo trẻ nhảy bổ lên bênh rằng là: “Nhưng việc sai ngữ liệu này có ảnh hưởng gì tới việc làm bài thi không, tôi chắc chắn là không. Bởi lẽ lúa vàng gạo trắng hay lúa gạo vàng trắng trong trường hợp này đều dùng để chỉ vật chất trong sự đối lập với "giấc mơ", chỉ thế giới tinh thần. Sẽ không có em học sinh nào vì lý do sai ngữ liệu mà dẫn đến sai lệch cách hiểu trong khi nghị luận văn học".
Và quan trọng là, cái ông nhảy ra viết những dòng này để bênh cũng đã từng phải đi thi, tới mấy cuộc thi để có bằng đại học Văn và làm nhà báo.
Mới nhất, khi tôi chấm hết bài báo nhỏ này thì có tin, dẫu có thể không liên quan nhưng lại vẫn liên quan, tới thi: “Nữ sinh ở An Giang mất tích sau khi thi tuyển sinh vào lớp 10”, và tới lúc này, chiều ngày 9/6, cháu đã mất tích được 5 ngày. Gia đình và các cơ quan chức năng đang dốc hết sức tìm kiếm cháu.
Nó oái oăm đến thế, chuyện thi ở nước ta.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả