Vụ án xảy ra tại Bắc Giang 10 năm trước với ông Nguyễn Thanh Chấn được dư luận chú ý trong những ngày qua. Báo chí đã nói nhiều đến sự đau khổ, thậm chí tuyệt vọng của ông và những người thân trong 10 năm ông Chấn ngồi tù oan.
Ông Chấn trở về sau 10 năm tù oan.
Không thể phủ nhận rằng đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc, một bài học đau xót, đắt giá cho các cơ quan tiến hành tố tụng, mà có lẽ không có khoản bồi thường nào có thể bù đắp được hoàn toàn. Song một vụ việc tưởng như đã rơi vào quên lãng được xem xét lại, một con người được minh oan sau chừng ấy thời gian, điều đó cũng cho thấy khả năng sửa sai trong hệ thống tố tụng.
Liên quan đến vụ án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đều đã trả lời báo chí, khẳng định sẽ điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân, trả lại công bằng cho người dân.
Không phải “bỗng dưng” mà đối tượng Lý Nguyên Chung ra đầu thú, khai nhận đã thực hiện hành vi giết người cướp của, như một số lầm tưởng.
Sự lầm tưởng này sẽ dẫn đến một hệ quả, đó là cho rằng hệ thống tố tụng hoàn toàn không có vai trò gì trong việc ông Chấn được minh oan. Trên thực tế, đối tượng này chỉ ra đầu thú sau khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra xác minh, kết hợp với kiên trì vận động thuyết phục, sau khi đối tượng tìm mọi cách lẩn trốn dùng đến gần 100 sim điện thoại, lần vào phía Nam, Tây Nguyên, ra Lạng Sơn, thậm chí sang Trung Quốc.
Dĩ nhiên, đó là nhiệm vụ, là việc mà các cơ quan này phải làm, nhưng nói như vậy để thấy rằng không nên phủ nhận toàn bộ vai trò của họ. Nói cách khác, không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì cũng sẽ không có vụ “minh oan” này.
Trong quá trình tố tụng, không ai muốn oan sai xảy ra và cũng không có hệ thống tố tụng nào tuyệt đối tránh được sai lầm, nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể nhận ra, nhìn thẳng vào những oan sai, sai lầm đó và xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa hậu quả mà những oan sai, sai lầm gây ra, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ một chiều kích khác là vụ kiện hành chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã chính thức thụ lý vụ kiện và yêu cầu Bộ trưởng cung cấp tài liệu liên quan. Ông Nguyễn An Bằng, Chánh Thanh tra Bộ nói rằng công dân nào cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm thì đều có quyền khởi kiện cơ quan, cá nhân mà họ cho là xâm phạm đến quyền lợi của họ ra tòa án dân sự. Ông cho biết với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chuẩn bị các tài liệu liên quan đến vụ kiện theo thủ tục như Tòa án yêu cầu.
Đúng như quan điểm của ông Nguyễn An Bằng, vụ kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là chuyện hoàn toàn bình thường trong một Nhà nước pháp quyền. Tòa sẽ phán xử nhưng dù ai đúng ai sai, thì điều quan trọng là, cả hai bên đều đã tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Đó là cách hành xử thực sự văn minh.
Tối 8/11, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được long trọng công bố trong một buổi lễ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Lần đầu tiên Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm thượng tôn pháp luật , tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là xu thế không thể đảo ngược. Quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã rất rõ ràng, và 2 vụ việc nói trên cho thấy tinh thần tôn trọng luật pháp ngày càng được củng cố và thể hiện cụ thể trong thực tế hoạt động của các cơ quan công quyền. Đó cũng chính là nguồn cổ vũ hiệu quả nhất để người dân sống mọi ngày theo tinh thần của một ngày - Ngày Pháp luật.
Theo chinhphu.vn