“Ông Obama đang lao đầu vào cuộc chiến ở Syria tương tự như ông Bush đâm đầu vào cuộc chiến ở Iraq. Giống như Iraq, cuộc chiến Syria sẽ là một cuộc chiến phi pháp và Obama sẽ trở thành bản sao của ông Bush”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Alexei Pushkov, một nhà làm luật - người đứng đầu Ủy ban Quốc tế của Hạ viện Nga, viết trên mạng xã hội Twitter ngày 25.8.
Ông Pushkov đưa ra nhận định trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 25.8 cho hay quân đội nước này đang điều chuyển binh sĩ, tàu chiến, chiến đấu cơ đến gần Syria, sẵn sàng hành động chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nếu ông Obama ra lệnh.
Hãng tin AP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 25.8 kêu gọi Mỹ và các nước đồng minh chờ kết quả điều tra vũ khí hóa học của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tránh đưa ra “những kết luận vội vã” dẫn đến mắc phải “sai lầm bi thảm” như cuộc chiến Iraq.
Các phe phái liên quan liên tục "đổ tội" cho nhau trong vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học hôm 21.8 ở ngoại ô thủ đô Damascus (Syria) làm ít nhất 1.300 người chết.
Ông Obama là "bản sao" của cựu Tổng thống Bush ? - Ảnh: Reuters
Chính phủ Syria hôm 25.8 tuyên bố đồng ý cho phép LHQ tiến hành điều tra tại khu vực bị nghi là đã hứng chịu một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở vùng ngoại ô thủ đô Damacus.
Syria - một Iraq thứ hai?
Theo AFP, các nhà quan sát nhận định rằng Mỹ và các nước phương Tây có thể dùng “cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học” để có cớ can thiệp quân sự vào Syria, lập lại kịch bản chiến tranh Iraq (2003-2011).
Mười năm về trước, liên quân do Mỹ, Anh cầm đầu đã tấn công Iraq, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, “mượn cớ” cáo buộc chính quyền ông Hussein sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học.
Nhưng sau khi lật đổ được ông Hussein, Mỹ và đồng minh cũng không thể nào tìm được bằng chứng khẳng định có vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq.
Đến khi sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, ông Bush hồi năm 2008 đã thú nhận quyết định phát động chiến tranh Iraq, lật đổ ông Hussein đã dựa trên những thông tin tình báo sai, thừa nhận đây là điều hối tiếc lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Mỹ và các nước phương Tây khó lòng mà thực hiện lại kịch bản Iraq tại Syria với hai lý do.
Một là, cuộc tra điều tra của LHQ là một thỏa thuận giữa chính quyền ông Assad và LHQ, chỉ nhằm vào mục đích xác định có vũ khí hóa học ở Syria hay không, chứ không nhằm phân định phe nào đã sử dụng vũ khí hóa học. Cho nên, Mỹ và các nước phương Tây không dễ gì khẳng định cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Hai là, Nga là đồng minh lâu năm của Syria, Damascus cũng là “bạn hàng” mua vũ khí của Nga và Moscow có một căn cứ hải quân bên ngoài lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ duy nhất tại cảng Tartus của Syria. Lâu nay, Nga luôn lên tiếng bác bỏ các cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học và liên tục phản đối nước ngoài can thiệp quân sự vào Syria.
Một đồng minh khác của Syria là Iran ngày 25.8 đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với “những hậu quả khốc liệt” nếu can thiệp quân sự vào Syria, khẳng định không có điều luật quốc tế nào cho phép nước ngoài can thiệp quân sự vào Syria.
Bộ trưởng Thông tin Syria, ông Omran al-Zoubi, cũng cảnh báo rằng việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria sẽ biến Trung Đông thành chảo lửa.
“Một đám cháy lớn sẽ thiêu đốt Trung Đông”, ông Omran al-Zoubi nói, đồng thời khẳng định Mỹ chỉ “phí thời gian” khi làm áp lực đối với Syria và Washington cũng sẽ không thể ngăn Damacus ngừng cuộc chiến “chống khủng bố” (khủng bố là từ mà chính quyền ông Assad dùng để gọi phe nổi dậy).
Nội chiến Syria kéo dài từ tháng 3.2011 đến nay đã khiến trên 100.000 người thiệt mạng, theo LHQ.
Theo Thanh niên