Cũng phải mất tương đối thời gian, những ảo tưởng của thế giới này với Barack Obama mới tan vỡ. Châu Âu từng là trung tâm của cơn sùng bái toàn cầu mang tên Obama nên nay đó cũng là nơi vỡ mộng cay đắng nhất.
Báo chí tràn ngập những câu nói độc địa về sự “tráo trở” của nước Mỹ dưới quyền Obama.
Der Spiegel, tờ tạp chí Đức từng cáo buộc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) gài máy nghe trộm vào văn phòng Liên minh Châu Âu (EU), giận dữ viết “tham vọng chuyên chế của NSA … nhắm tới tất cả chúng ta … Một quốc gia lập hiến không thể chấp nhận điều này. Không ai có thể chấp nhận điều này.”
Tổng thống Pháp Francois Hollande yêu cầu dừng hoạt động gián điệp ngay lập tức. Tờ Le Monde của Pháp còn gợi ý EU nên cân nhắc cho Edward Snowden tỵ nạn chính trị.
Nhưng nếu những người tự do (liberals) có muốn lên một danh sách những hành vi “tráo trở” của chính quyền Obama thì vụ gài “bọ” vào máy fax của EU vẫn chưa thấm vào đâu.
Nên nhớ lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo vẫn chưa thành hiện thực và trên hết là việc tăng cường hoạt động tìm diệt nghi phạm khủng bố bằng máy bay không người lái ở Pakistan, Yemen và nhiều nước khác.
Hội hâm mộ TT Obama dần nhận ra rằng vị “cựu” anh hùng đang dùng những biện pháp mà ngay cả một TT da trắng thuộc phe Cộng hòa cũng cực lực lên án. Học giả Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Altinay nói: “Obama hùng biện cứ như Chủ tịch Liên đoàn tự do dân sự nhưng làm việc chẳng khác gì Dick Cheney.”
“Obama hùng biện cứ như Chủ tịch Liên đoàn tự do dân sự nhưng làm việc chẳng khác gì Dick Cheney.”
Dù vậy ai nghĩ thế giới đã bị lừa thì người đó đã nhầm. Trước khi tự làm mù mắt mình vì giận dữ và thất vọng, những người chỉ trích Obama nên cân nhắc một số điểm sau.
Đầu tiên, một số quyết định của Obama khiến người ta ghét ông chính là hệ quả của những quyết định khiến người ta yêu mến ông.
Thế giới hoan nghênh quyết định giảm quân Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Nhưng nếu không săn đuổi kẻ thù trên chiến trường thì phải săn đuổi bằng những cách khác. Thực ra, Obama mở rộng chương trình tìm-diệt bằng máy bay không người lái chính là vì ông không muốn điều binh lính ra chiến trường.
Tương tự, người ta khen Obama khi ông ra lệnh chấm dứt tra tấn nghi phạm khủng bố. Nhưng dù sao thì vẫn phải lấy thông tin về các mối đe dọa khủng bố, thế là tình báo phải quay sang dùng hệ thống giám sát điện tử.
Người Châu Âu có thể nói cài “bọ” vào văn phòng Washington của EU chẳng liên quan gì tới “cuộc chiến chống khủng bố.” Đúng là thế thật, nhưng có nên bất ngờ khi đồng minh cũng có lúc thám thính nhau?
Người Anh vẫn thường tranh cãi xem có nên cài gián điệp vào Mỹ hay không. Họ chỉ không làm thế vì biết kiểu gì cũng bị bắt và làm tổn hại nghiêm trọng tới “mối quan hệ đặc biệt”.
Người ta bảo Pháp vẫn cài gián điệp thương mại vào Mỹ. Và gián điệp Israel tại Mỹ Jonathan Pollard vừa mới bị kết án xong.
Những người có tư tưởng tự do toàn cầu dồn hết ảo tưởng của họ vào Obama, đó không hoàn toàn là lỗi ở ông. Đương nhiên, giống như mọi chính trị gia khác, ông cũng góp phần đẩy kỳ vọng lên cao để tranh cử.
Nhưng khi cơn “cuồng Obama” dâng cao năm 2008, nó như vượt ra ngoài khuôn khổ lý trí.
Ứng cử viên Obama biết nói gì với 200.000 người Berlin đổ ra đường chào đón ông năm đó đây? Chẳng nhẽ lại nói “Về đi, điên à”? Khi tân Tổng thống Obama được trao giải Nobel Hòa bình (dù chưa làm được gì), tất cả những gì ông có thể làm là vui vẻ chấp nhận.
Nếu nói TT Obama nên kiên quyết công khai những hoạt động bí mật có từ trước khi ông nhậm chức thì cũng không có gì sai.
Nhưng nên nhớ Tổng thống Mỹ vẫn phải chống chịu với rất nhiều áp lực, từ những mối đe dọa khủng bố hiện hữu tới quyền năng to lớn của các cơ quan tình báo.
Ông đang sống trong thế giới thực, với đầy những lựa chọn khó khăn. Chính những người lớn tiếng chỉ trích ông mới đang gà gật trong thế giới tưởng tượng.
Theo Hoàng Hải (Tri thức trẻ)