Mở đầu phần thẩm vấn sáng ngày 9/9 vụ đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Dương OceanBank, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thị Nga – nguyên Trưởng ban Tài chính kế hoạch liên quan đến nguồn tiền chi lãi ngoài hợp đồng được tạm ứng từ 3 tài khoản của OceanBank, trong đó có tài khoản số 801.
Theo bị cáo Nga, bị cáo giữ chức vụ Trưởng ban đến tháng 8/2012, giai đoạn sau bị cáo chuyển sang đảm nhận vị trí công tác khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại gộp số tiền truy tố bị cáo trong cả 2 giai đoạn là không thỏa đáng. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2011-2012, việc tạm ứng và hoàn ứng (trả lại tiền vào tài khoản) có giấy tờ hợp lệ. Giai đoạn sau không có chứng từ.
Luật sư đặt câu hỏi, tổng các khoản chi đối với tài khoản 801 căn cứ vào Thông tư 02 của ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất, tổng chi đó có quá 14%/năm không?. Bị cáo Nga cho biết có một phần vượt trần lãi suất 14%/năm.
Hỏi về số tiền chi lãi ngoài, cùng với các “thuộc cấp”, cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm khẳng định lại một lần nữa không thể coi đây là gây thiệt hại cho OceanBank.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi với ông Đỗ Anh Quân – đại diện cho đoàn Giám định của ngân hàng Nhà nước: “Tại sao trong phiên chất vấn ngày 5/9, ông lại trả lời tổ giám định của ngân hàng Nhà nước không có chức năng và trách nhiệm xác định thiệt hại của vụ án này?”.
Ông Quân trả lời, toàn bộ nội dung đã được quy định rõ trong quyết định ban hành. Con số thiệt hại đã được cơ quan điều tra xác định, do vậy chúng tôi không cần xác định nữa.
Luật sư chuyển sang hỏi đại diện của ngân hàng Đại Dương mới (ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương). Liên quan đến khoản tiền 1576 tỉ đồng chi lãi ngoài mà theo như ngân hàng Đại Dương mới cho rằng, đây là thiệt hại của các bị cáo gây ra, cần phải bồi hoàn lại số tiền này cho ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương.
Căn cứ mà vị đại diện của ngân hàng Đại Dương đưa ra là ngoài những hoạt động tiến hành kiểm tra, có nghĩa vụ chứng minh, xác định con số thiệt hại và dựa trên nguyên tắc xác định thiệt hại là tiền từ tài khoản của ngân hàng chi phí ra không thu hồi được thì xác định là thiệt hại.
Không đồng tình với câu trả lời của vị đại diện cho ngân hàng Đại Dương, bị cáo Nguyễn Thị Nga, hiện đang là chuyên viên khối Nguồn vốn tại ngân hàng này cho rằng: "Bức tranh đã được thể hiện khá rõ nét, nếu chỉ xét đến chi phí để xác định mức độ thiệt hại thì không ai có thể chấp nhận được. Ngân hàng Đại Dương là một đơn vị kinh doanh, tách hẳn cáo trạng của viện Kiểm sát và kết luận của cơ quan điều tra vì 2 cơ quan này không phải là tổ chức kinh tế, nhưng với OceanBank là một doanh nghiệp đi vay.
Nếu người đại diện của ngân hàng nói rằng chỉ xét đến khoản chi để gây thiệt hại, thì bị cáo mong rằng đại diện của ngân hàng Đại Dương hiện nay hãy về xem xét lại tất cả chứng cứ lợi nhuận thu được của Ngân hàng Đại Dương có nguồn gốc từ đâu và tại sao lại đưa ra kết luận xét về thiệt hại mà chỉ xem đến chi phí. Bản thân bị cáo thực sự không thấy thỏa mãn một chút nào".
Bị cáo Nga nói thêm: "Nếu xét về bản chất, hoạt động cho vay và huy động vốn là hai hoạt động không thể tách rời nhau; cùng một lời nhắn nhủ nữa đến đại diện ngân hàng Đại Dương, ngân hàng Đại Dương hãy về xem xét lại con số 1.576 tỷ và hãy cho các bị cáo biết những nguồn thu từ lợi nhuận. Đặc biệt, sau khi ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng".
“Ngân hàng Đại Dương là "xương máu", là "thịt" của tất cả cán bộ nhân viên, bây giờ mua 0 đồng rồi thu hồi nợ 1 đồng để hạch toán vào lợi nhuận và đạt doanh thu rất nhiều, vậy thì có thỏa đáng với những gì họ đã làm được không, với những con người như bị cáo đã cố gắng bao nhiêu thời gian để xây dựng một ngân hàng như vậy”, bị cáo Nga ấm ức nói.
Cựu kế toán của OceanBank cho biết, sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng, lợi nhuận thu về sau 1 năm là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến bây giờ con số thu hồi nợ có thể đã hơn 5.000 tỷ đồng.
Thúy An