Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn Bắc Ninh, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Trong mấy năm trở lại đây, làng nghề Phù Lãng có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm mà còn góp phần chắp cánh cho thương hiệu gốm Phù Lãng vươn xa.
Phù Lãng – tinh hoa làng gốm truyền thống, gốm mỹ nghệ
Làng Phù Lãng (Thuộc xã Phù Lãng, Thị xã Quế Võ Tỉnh Bắc Ninh), cách Thành phố Bắc Ninh khoảng 10km và cách sông Lục đầu khoảng 4km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu, địa danh Phù Lãng có thể có từ cuối thời Trần đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn. Phù Lãng được trong và ngoài nước biết đến với nghề gốm truyền thống. Hơn 800 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề gốm sứ có lúc thịnh lúc suy, song các thế hệ người dân nơi đây vẫn một lòng chuyên tâm với nghề, với nghiệp của ông cha để lại, vẫn ngày đêm đỏ lửa cho ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm hồn phù Lãng.
Phù Lãng là một trong số những làng gốm cổ nổi tiếng của miền Bắc, có khoảng 2.576 hộ, có trên 8.500 nhân khẩu; trong đó có nhiều hộ chuyên sản xuất kinh doanh Gốm truyền thống- gốm mỹ nghệ. Sớm nhận thức được lợi thế của địa phương, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm truyền thống, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm được truyền thụ qua bao thế kỷ đã sáng tạo ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo. Cái sắc nâu “vàng óng da lươn” của gốm Phù Lãng mấy trăm năm vẫn phảng phất cái chất quê, hồn quê mộc mạc, bình dị đến nao lòng.
Nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là đất sét có mầu hồng nhạt ở làng thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống). Qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công. Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng xưa là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu sành...Ngày nay với những bàn tay tài hoa và nhiệt huyết nghề gốm, muốn khôi phục và gìn giữ nghề truyền thống của làng các nghệ nhân thế hệ mới đã và đang thổi hồn vào cho đất, sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm với nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn,... các nghệ nhân đã tạo ra được nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như Tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm gốp tường, lư hương... đã và đang được khách, doanh nhân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, đón nhận. Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn mầu da lươn trong thanh nhã và bền đẹp (Nay mầu sắc trang trí đã được tạo mẫu phong phú như mầu trắng, mầu đỏ, mầu đen... được chế từ chất liệu tự nhiên) trong vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
Phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giời người thợ tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết dạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát. Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành " bạc hàng (chuyển mầu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm dược tráng một lớp men lên, tạo mầu sắc.
Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc) hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù xa trắng. Bốn chất liệ này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định, rồi chế thành một chất lỏng. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có mầu trắng đục. Sản xuất men là cả bí quyết kỹ thuật người thợ thủ công ngày xưa giữ kín. Sau khi được tráng men và tạo mầu, phơi khô, sản phẩm được xếp thành từng chồng và đưa vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò.
OCOP chắp cánh thương hiệu gốm phù Lãng
Những năm qua, nhờ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của Trung ương và địa phương mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng gốm Phù Lãng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, làng gốm Phù Lãng có khoảng 200 hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm cho 850 lao động. Trong đó 50 lò nung đốt gốm truyền thống, 15 lò nung đốt gốm bằng khí gas. Mỗi năm sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại như: Chậu hoa, chum vại, lọ, tranh gốm... Ngoài những sản phẩm mang tính truyền thống, làng gồm Phù Lãng còn sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng gốm mộc mạc, thô phác, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc.
Để nâng cao giá trị cũng như thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề, xã Phù Lãng chú trọng vận động các gia đình đăng ký tham gia sản phẩm OCOP để tạo sản phẩm đặc trưng; tuyên truyền, vận động người dân tham tích cực vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Vận dụng và khai thác tối đa các chính sách của nhà nước để đầu tư hạ tầng làng nghề nông thôn; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận và triển khai hiệu quả dự án bảo tồn và phát triển nghề làm gốm tại Phù Lãng do tổ chức JICA Nhật Bản viện trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, làng nghề được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 6 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Gốm Ngọc là một trong những cơ sở đã thắp lửa cho nghề gốm Phù Lãng, có lịch sử phát triển lâu đời, hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha. Cơ sở Gốm Ngọc do anh Nguyễn Minh Ngọc thành lập năm 2007, với hy vọng phát triển và tiếp nối nghề gốm quê hương. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Phù Lãng nổi danh nghề làm gốm, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc không ngừng học hỏi để lưu giữ những nét tinh hoa, văn hoá truyền thống của gốm Phù Lãng.
Sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, với kiến thức qua trường lớp và qua các sản phẩm hằng ngày, anh Nguyễn Minh Ngọc đã tham gia các cuộc triển lãm, hội mỹ thuật trung ương nhằm mục đích giao lưu học hỏi. Anh đã không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng, mẫu mã trong từng sản phẩm gốm mỹ nghệ, để giúp cơ sở Gốm Ngọc thành công, góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề gốm truyền thống của quê hương. Vậy nên, anh và cơ sở Gốm Ngọc đã đạt được nhiều thành tích: Sản phẩm “Đèn Gốm Trang Trí” là sản phẩm “Tự Hào Trí Tuệ Lao Động Việt Nam”, Sản phẩm “Tranh bố cục cá 3” đạt “Sản phẩm tiêu biểu”, Cơ sở Gốm Ngọc – Đơn vị có sản phẩm tiêu biểu giai đoạn 1997-2017 và được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2020. Đặc biệt, anh Nguyễn Minh Ngọc đã xuất sắc nhận được bằng khen Nghệ nhân ưu tú của tỉnh do TW trao tặng năm 2017.
Cơ sở Gốm Ngọc chuyên thi công thiết kế các sản phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ phục vụ không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort… phù hợp với thị hiếu thị trường. Hiện, bình quân mỗi tháng, cơ sở Gốm Ngọc sản xuất ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm gốm trang trí các loại.
Nét riêng làm nên thành công của cơ sở Gốm Ngọc là sử dụng màu men tự nhiên truyền thống, kết hợp nguyên liệu gốm với các nguyên liệu khác. Nguyên liệu tự nhiên đảm bảo sức khỏe con người, thân thiện với môi trường đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ khách quan của sản phẩm. Các sản phẩm Gốm Ngọc được đun hoạt đông 2 lò song song gồm hàng gas và hàng củi. Sản phẩm khi được đun bằng củi sẽ mang được sắc thái riêng, vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc. Đồng thời, sản phẩm sẽ được nung bằng gas giúp giữ được màu men, chất liệu sản phẩm, tạo giá trị cao khi đưa ra thị trường xuất khẩu, đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Hiện nay sản phẩm Gốm Ngọc đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan
Nghệ nhân Nguyên Minh Ngọc chủ thể OCop Gốm Ngọc cho biết: OCOP giờ đây trở thành nền tảng để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm Phù Lãng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn ra thị trường ngoài nước. Thông qua chương trình OCOP, Phù Lãng hướng tới một làng nghề truyền thống gìn giữ nét cổ xưa của người kinh Bắc với cả nước, đồng thời thu hút du khách đến tham quan, du lịch để chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế tác, sản xuất đồ gốm truyền thống- gốm mỹ nghệ… việc công nhận sản phẩm OCOP sẽ giúp làng nghề xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm Phù Lãng vững chắc hơn, đồng thời, giúp bảo vệ sản phẩm gốm Phù Lãng không bị làm giả.
Với mong muốn tạo nên những sản phẩm từ gốm hoàn hảo, ngoài mang giá trị thẩm mỹ, chúng tôi còn muốn gửi gắm những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ đó, trong mỗi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đều lựa chọn những họa tiết, hoa văn đặc sắc để gửi gắm những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, truyền thống và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng để người tiêu dùng, thị trường biết và trân trọng sản phẩm hơn.
Để tăng cường quảng bá sản phẩm, cơ sở Gốm Ngọc còn thiết kế khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và khu trải nghiệm làm gốm để phục vụ nhu cầu của khách tham quan…Bên cạnh đó, Gốm Ngọc luôn tìm tòi, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những kết quả bước đầu, tới đây, cơ sở Gốm Ngọc sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, tuyển chọn, đào tạo lao động là con em địa phương trở thành những thợ lành nghề cũng như tìm tòi, phát triển thêm những chất liệu mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập…
Những năm vừa qua, nhằm bảo vệ và phát triển làng nghề, nhà nước và địa phương đã tổ chức làng Phù Lãng là một trong tuyến du lịch làng nghề do cộng đồng Pháp ngữ vương quốc Bỉ tài trợ với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT), qua đây đã quảng bá tuyên truyền cho khách thập phương về một vùng đất, một làng quê đã biết kế thừa di sản văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
Thời gian tới, nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nhân dân tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông; đồng thời có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện người dân vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh. xây dựng khu trưng bày làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng; qua đó tạo điều kiện quảng bá, phát huy giá trị làng nghề gốm cổ Phù Lãng./.
Hà Tâm