"Treo đầu dê, bán thịt chó”
Theo báo cáo tổng kết năm 2012 của chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, số tiền từ việc xử phạt những vụ vi phạm kinh doanh qua truyền hình lên đến hàng tỉ đồng. Những vụ việc này chủ yếu là do người tiêu dùng tố cáo bởi mua phải sản phẩm mà chất lượng không đúng như những lời quảng cáo hoa mỹ của nhà đài. Trước thực trạng quảng cáo chiếm đa số doanh thu của các đài truyền hình như hiện nay, e rằng con số hàng tỷ đồng tiền phạt kia chẳng thấm tháp vào đâu.
Mới đây, chị Phan Thị Kim Anh (số 7A1, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi xem quảng cáo về sản phẩm Iphone 5 của một công ty có tên là Gangnam Style trên một loạt các kênh truyền hình VTC11, VTC10, VTC14, ITV... quá hấp dẫn đã không ngại rút hầu bao để mua chiếc điện thoại hiện đại này về nhà. Nhưng vừa mới sử dụng được ít lâu, chị đã tá hoả vì chất lượng của chiếc điện thoại quá kém, không hề có một tính năng nào tốt như trong quảng cáo. Gọi điện đến số điện thoại lúc mua hàng để phản ánh, bên bán hàng yêu cầu chị Kim Anh gửi sản phẩm đến để bảo hành.
Tuy nhiên, điều lạ là sau tám ngày trở về từ trung tâm bảo hành của công ty kia, chiếc Iphone 5 của chị vẫn nguyên vẹn các chức năng... mù tịt như cũ. Vì quá bức xúc, chị Kim Anh đã gửi đơn khiếu nại đến hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tố cáo với mong muốn được bảo vệ quyền lợi.
Bàn về vấn đề này, ông Vương Ngọc Tuấn, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Thời gian gần đây, Văn phòng tư vấn khiếu nại hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận được khá nhiều các khiếu nại của người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chủ yếu là hàng Trung Quốc, nhưng lại được quảng cáo bán hàng thông qua các kênh truyền hình khác nhau trên toàn quốc. Quảng cáo chất lượng với các tính năng cao cấp, đánh lừa người tiêu dùng, bán hàng thì thông qua một số điện thoại, không có địa chỉ người bán.
Khi bán thì không giấy tờ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nếu có thì cũng không rõ ràng, lại sơ sài. Việc giao hàng cũng là thông qua tổ chức chuyển phát, hoặc trực tiếp cho người mua đưa tới. Do đó, người mua hàng chỉ được tận mắt thấy sản phẩm khi đã thanh toán. Và do đã đồng ý không trả lại hàng sau khi thanh toán nên khi sản phẩm không đúng mẫu mã, chất lượng như quảng cáo thì cũng chỉ còn biết… kêu trời. Vì hình thức thanh toán trong những giao dịch này thường là chuyển tiền vào tài khoản của người bán hoặc thông qua người chuyển phát nên không hề có hóa đơn, chứng từ mua bán. Chính vì vậy, để các cơ quan chức năng vào cuộc cũng rất khó khăn”.
Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng với những lời quảng cáo sản phẩm hoa mỹ trên các kênh truyền hình (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Những sản phẩm chất lượng không rõ ràng, không được kiểm định ngày ngày được quảng cáo tràn lan trên các kênh truyền hình không phải là chuyện mới, nhưng việc đáng quan tâm là tình trạng này không có xu hướng giảm mà ngày càng gia tăng. Nguồn thu từ quảng cáo vốn là nguồn thu chính của các nhà đài nên nhiều kênh đã nhắm mắt cho qua tất cả những sản phẩm mà bên đơn vị kinh doanh yêu cầu.
Cuối cùng, nạn nhân của những nội dung quảng cáo khác xa quá mức thực tế này chính là những người dân vô tội. Nhiều người trót bỏ cả đống tiền vào thứ hàng rởm mà không biết cầu cứu ai. Giải pháp gửi đơn thư khiếu nại đến hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dường như là cách cuối cùng của người tiêu dùng sau những nỗ lực đòi lại quyền lợi không thành từ các công ty bán hàng.
Ông Tuấn cho biết thêm, để tránh bị "sập bẫy" những công ty "treo đầu dê, bán thịt chó" thì trước hết người tiêu dùng phải tự trang bị cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng tôi luôn đưa ra những khuyến cáo người tiêu dùng hãy thận trọng khi tìm mua hàng hóa và dịch vụ.
Nhà đài vô can?
Trả lời PV về việc xử lý các đơn vị kinh doanh lừa người tiêu dùng, ông Nguyễn Đắc Lộc, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Nếu như người tiêu dùng mua phải hàng rởm, hàng giả có hoá đơn, chứng từ chứng minh được đúng nơi mình mua thì cứ làm đơn chuyển về đội quản lý thị trường địa bàn, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đi xác minh, làm rõ và xử lý. Người tiêu dùng thường có tâm lý cam chịu nên để cơ quan chức năng mạnh tay trong vấn đề này cũng rất khó".
Theo luật sư Trần Nam (văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự) từ trước tới nay chưa từng xảy ra vụ việc người tiêu dùng kiện nhà đài. Anh cho biết: "Luật về quảng cáo có quy định về trách nhiệm của các bên tham gia. Trong đó, nhà đài không phải là cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm. Nếu các sản phẩm quảng cáo trên truyền hình có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về cơ quan kiểm định chất lượng. Việc các kênh truyền hình không có đủ giấy tờ kiểm định của cơ quan chức năng về sản phẩm mà vẫn đưa lên quảng cáo là một việc thiếu sót; cũng có thể vì chạy theo lợi nhuận và chỉ tiêu trong kế hoạch thu nhập mà những người làm trực tiếp nhắm mắt làm ngơ. Nhà đài đưa tin sai sự thật thì xem xét mức độ thiệt hại đến đâu, xử phạt đến đó”.
Chưa có tiền lệ kiện nhà đài Luật sư Trần Nam cho biết: “Trong luật, người tiêu dùng chỉ có quyền kiện doanh nghiệp quảng cáo; việc kiện nhà đài chưa có tiền lệ và luật quy định về vấn đề này cũng chưa rõ ràng. Có một vài trường hợp, các kênh truyền hình bị phát hiện chưa có đầy đủ thông tin kiểm chứng về sản phẩm đã phát quảng cáo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng cũng chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt hành chính mà thôi”. |
Loan Thanh - Đinh Nhung