Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể “tổn thương” triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng thời đẩy giá cả lên cao hơn, các cơ quan xếp hạng Fitch Ratings và Moody’s đưa ra nhận định sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể này có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Biến thể Omicron có thể gây ra các rủi ro cho tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đặc biệt là khi nó xuất hiện trong thời kỳ chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, lạm phát gia tăng và thị trường lao động thiếu hụt”, Elena Duggar, Phó Giám đốc Điều hành tại Moody’s, nói với Reuters trong các bình luận qua email.
Biến thể này cũng có khả năng tác động đến nhu cầu trong mùa du lịch và chi tiêu nghỉ lễ đang cận kề, theo Duggar.
“Nếu biến thể mới làm tăng thêm rủi ro cho thị trường toàn cầu, nó sẽ gây thêm căng thẳng tài chính cho các tổ chức phát hành nợ có nhu cầu tài chính lớn. Ví dụ, các quốc gia thị trường mới nổi dựa vào vay nợ trên thị trường quốc tế có thể phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn ngày càng cao”, bà cho biết.
Chưa đến lúc đánh giá tác hại của Omicron
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng còn quá sớm để họ đưa tác động của biến thể Omicron vào các dự báo tăng trưởng kinh tế của mình, cho đến khi biết nhiều hơn về khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của nó.
“Chúng tôi hiện tin rằng một cuộc suy thoái toàn cầu lớn, đồng bộ khác, chẳng hạn như đã thấy trong nửa đầu năm 2020, rất khó xảy ra, nhưng sự gia tăng lạm phát sẽ làm phức tạp các phản ứng kinh tế vĩ mô nếu biến thể mới thực sự như những gì người ta đang lo ngại”, Fitch cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, trong bài bình luận có tiêu đề “Much to Learn About Omicron - Fast” (Còn nhiều điều cần tìm hiểu về biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng), Moody’s Analytics cho biết, mặc dù Omicron dường như đang lây lan "nhanh chóng đáng kể", nhưng sẽ phải mất ít nhất 2 tuần nữa trước khi có nhiều thông tin hơn về biến thể mới này.
"Biến thể Omicron của Covid-19 có thể gây thêm những bất ổn mới cho triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng còn quá sớm để định lượng đầy đủ rủi ro đó. Tình hình phần lớn sẽ phụ thuộc vào tốc độ lây lan, độc lực, tỉ lệ nhập viện và tử vong mà biến thể này gây ra cũng như hiệu quả của vắc-xin đối với nó”, Nhà Kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Moody's Analytics, Steve Cochrane, cho biết.
Nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới từ hôm 29/11, phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vốn đã kéo dài 2 năm nay.
Các hãng hàng không lớn đã hành động nhanh chóng để bảo vệ các trung tâm của họ bằng cách hạn chế du khách đến từ miền Nam châu Phi, lo ngại rằng sự lây lan của biến thể mới sẽ gây ra các hạn chế từ các điểm đến khác ngoài các khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người Mỹ không nên hoảng sợ, và cho biết Mỹ đang làm việc với các công ty dược phẩm để đưa ra các kế hoạch dự phòng nếu cần có vắc-xin mới.
Ông Biden cho biết, sẽ không có phong tỏa ở Mỹ trong mùa đông này, nhưng kêu gọi người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tiêm mũi nhắc lại và đeo khẩu trang.
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Nam Phi, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên xác định biến thể Omicron, cho biết còn quá sớm để nói liệu biến thể này có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó hay không, nhưng nó có vẻ dễ lây lan hơn.
Kinh nghiệm với các biến thể trước đây cho thấy rằng, ngay cả khi có một số hạn chế đối với việc đi lại quốc tế, sự lây lan của biến thể Omicron có thể khó ngăn chặn, Duggar nói với Reuters.
“Nếu biến thể mới dẫn đến một làn sóng lây nhiễm Covid-19 gia tăng khác, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những nền kinh tế có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào du lịch và khả năng cung cấp hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ thấp hơn để bù đắp tác động tăng trưởng của làn sóng lây nhiễm mới”.
Lưu ý cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Trong bài bình luận có tiêu đề “Much to Learn About Omicron - Fast”, Moody’s Analytics lưu ý rằng, đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có những yếu tố cụ thể cần theo dõi trong những tuần tới, đặc biệt khi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Australia.
Moody’s Analytics đặt ra câu hỏi rằng liệu các nhà hoạch định chính sách trong khu vực có phản ứng bằng cách đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng không, đặc biệt đối với các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng dưới 65% đối với dân số ở độ tuổi từ 12 trở lên, như Myanmar, Lào, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines,...
"Biến thể mới Omicron phản ánh rủi ro hiện tại đối với nền kinh tế toàn cầu từ các khu vực hoặc quốc gia riêng lẻ có tỉ lệ tiêm chủng thấp, cụ thể là toàn bộ khu vực châu Phi cận Sahara, nơi tỉ lệ tiêm chủng vẫn dưới 50% ,và khi còn tới 60 quốc gia trên toàn cầu có tỉ lệ tiêm chủng dưới 20%”, Moody’s Analytics cho biết.
Omicron - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19, có tiềm năng lây lan nhanh hơn - lần đầu tiên được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ Nam Phi vào ngày 24/11.
Kể từ đó, nó đã được xác định có mặt ở nhiều nơi khác khác trên thế giới bao gồm Botswana, Bỉ, Hồng Kông (Trung Quốc), Israel, Anh, Đức, Ý, Australia, Canada...
Hôm 26/11, WHO gọi đây là một “biến thể đáng lo ngại” (VOC) và đặt tên cho nó là Omicron.
Minh Đức (Theo Reuters, PTI, Asia Financial)