Việc các Ngân hàng Trung ương lớn chọn các hướng đi khác nhau nhấn mạnh những bất ổn sâu sắc mà biến thể Omicron gây ra cho nền kinh tế toàn cầu và phản ánh các quan điểm khác nhau về sự gia tăng lạm phát ở các phần khác nhau của thế giới.
"Tình huống tiến thoái lưỡng nan" của BoE
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 16/12 đã trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo lạm phát có khả năng chạm mức 6% trong tháng 4/2022, tức là gấp 3 lần mức mục tiêu.
Trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư, BoE tuyên bố họ phải hành động ngay bây giờ, ngay cả khi biến thể mới Omicron đang càn quét nước Anh, vì họ nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo về áp lực lạm phát tiềm ẩn.
Với kết quả biểu quyết 8-1, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE (MPC) gồm 9 thành viên đã nhất trí tăng lãi suất từ 0,1% lên thành 0,25%.
Bên cạnh đó, với kết quả biểu quyết 9-0, toàn bộ các thành viên của MPC nhất trí giữ nguyên quy mô của chương trình mua trái phiếu chính phủ ở mức 875 tỷ Bảng Anh (1,16 nghìn tỷ USD).
Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, Omicron đã gây tổn hại cho các nhà bán lẻ và ngành dịch vụ ăn uống, nhưng BoE cho rằng nhất thiết phải ngăn không cho đà tăng giá gần đây trở thành một vấn đề dài hạn.
"Chúng tôi lo ngại về lạm phát trong trung hạn. Và chúng tôi đang thấy có những thứ hiện có thể đe dọa điều đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải hành động", Bailey cho biết.
Không rõ liệu Omicron sẽ giảm bớt hay gây thêm áp lực lạm phát "và đó là một yếu tố rất quan trọng đối với chúng tôi", ông cho biết thêm.
Theo Hussain Mehdi, chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management, kết quả biểu quyết 8-1 để tăng lãi suất là "khá bất ngờ" trong bối cảnh sự hoành hành của biến thể Omicron và những bất định mà nó gây ra cho tăng trưởng ngắn hạn.
“Tuy nhiên, có những lý do vững chắc để hành động ngay lập tức. Thị trường lao động đang bị thắt chặt và Omicron có khả năng làm trầm trọng thêm những hạn chế từ phía nguồn cung đối với hàng hóa và lao động”, Mehdi nói, ám chỉ rằng áp lực lạm phát đang tiếp tục.
“Rủi ro lạm phát tăng liên tục có khả năng thúc đẩy MPC phải hành động thêm vào năm 2022”.
Đồng tình với quan điểm trên, Hinesh Patel, Nhà quản lý Danh mục Đầu tư tại Quilter Investors, cho biết, với tình trạng lạm phát cao và đang gia tăng, một phần là kết quả của những bước đi sai lầm đã tạo ra chính sách đồng Bảng Anh yếu hơn trên thực tế, rõ ràng là BoE không thể tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ” bất chấp những rủi ro hiện đang tồn tại trong nền kinh tế.
Theo Matteo Cominetta, chuyên gia kinh tế tại Viện Đầu tư Barings, BoE đang rơi vào một "tình huống cực kỳ tiến thoái lưỡng nan, trong đó họ sẽ bị chỉ trích vì làm tổn hại đến sự phục hồi nếu tăng lãi suất, đồng thời cũng sẽ bị lên án vì để lạm phát thả nổi nếu không tăng lãi suất”.
BoE “đã chọn con đường khó khăn nhất”, Cominetta nhận định.
ECB nhấn mạnh tính linh hoạt chính sách
Sau cuộc họp chính sách, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 16/12 tuyên bố, họ sẽ kết thúc việc mua tài sản ròng theo Chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) vào cuối tháng 3/2022, đồng thời đẩy mạnh việc mua tài sản hàng tháng theo chương trình được thực hiện trước đó (APP) nhằm siết chặt chính sách.
Đồng thời, ECB nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ nguyên mức độ linh hoạt chính sách nhất định khi đối mặt với những rủi ro, bất định, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Điều đó có nghĩa là ECB để ngỏ khả năng sẽ khôi phục việc mua tài sản ròng theo PEPP nếu cần thiết và không ấn định thời điểm kết thúc cho tất cả các giao dịch mua trái phiếu, để chống lại những cú sốc tiêu cực liên quan đến đại dịch.
Vì ECB đã coi việc kết thúc việc mua tài sản ròng là điều kiện tiên quyết để tăng lãi suất, nên họ tự tạo cho mình một khoảng thời gian dài hơn trước khi bắt đầu nâng lãi suất.
Trong một cuộc họp báo liền ngay sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định "rất khó" có khả năng ECB sẽ tăng lãi suất vào năm 2022.
Tuy nhiên, bà lưu ý rằng "chúng tôi sẽ luôn chú ý đến những gì dữ liệu tiết lộ. Và chúng tôi sẽ làm như vậy tại mỗi cuộc họp chính sách tiền tệ và thậm chí hơn thế nữa khi chúng tôi có được những dự báo thường xuyên".
Các dự báo mới nhất của ECB cho thấy họ không cần phải bất ngờ thay đổi chiến lược. Lạm phát hàng năm ở khu vực Eurozone được nhìn thấy ở mức 2,6% trong năm nay và 3,2% vào năm 2022. Nhưng dự báo trung hạn phù hợp hơn với chính sách cho thấy, mức trung bình là 1,8% trong cả năm 2023 và 2024, nghĩa là thấp hơn lạm phát mục tiêu 2%. Nếu theo "kịch bản ôn hòa" của ECB, lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu trong cả 2 năm.
Bản thân Lagarde thừa nhận "có thể có rủi ro tăng" đối với triển vọng lạm phát, và cho biết vẫn hoàn toàn không chắc chắn về tác động của Omicron đối với sự phát triển của giá cả.
Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của Berenberg đồng tình rằng sẽ không có một cú sốc lạm phát mới khiến lãi suất trong khu vực Eurozone phải được điều chỉnh sớm hơn dự kiến.
Hiện tại, ECB đang tiếp tục tập trung vào việc nâng đỡ nền kinh tế khu vực.
Để làm suôn sẻ quá trình chuyển đổi sau khi PEPP kết thúc và tránh gián đoạn trong quá trình tăng trưởng, ECB sẽ tăng quy mô chương trình mua tài sản trước đó (APP) từ 20 tỷ Euro lên 40 tỷ Euro trong quý II/2022 trước khi giảm xuống còn 30 tỷ Euro trong quý III/2022.
Từ tháng 10/2022 trở đi, ECB sẽ duy trì APP với quy mô hàng tháng là 20 tỷ Euro "miễn là chương trình còn cần thiết cho việc thích ứng với lãi suất chính sách của họ".
Động thái của một số Ngân hàng Trung ương khác
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 17/12 đã quyết định rút lại các khoản mua nợ doanh nghiệp về mức trước đại dịch và thu hẹp quy mô một số chương trình tài trợ khẩn cấp cho đến thời hạn tháng 3/2022.
Như dự đoán rộng rãi, BOJ duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.
Năm ngoái, BOJ đã tăng cường mua vào trái phiếu và nợ doanh nghiệp với tốc độ làm tăng số dư tài sản mà ngân hàng nắm giữ lên tới 20 nghìn tỷ Yên (175 tỷ USD) cho đến tháng 3/2022. BOJ cũng đưa ra chương trình vay riêng nhằm chuyển vốn cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các tổ chức tài chính.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra tín hiệu về siết chặt chính sách tiền tệ thông qua tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu thời đại dịch vào tháng 3/2022 và đưa ra một thời gian biểu đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và toàn dụng lao động vào năm 2022, và Fed cần coi lạm phát là rủi ro cấp bách hơn.
Ngân hàng Trung ương Na Uy, vốn đã tăng lãi suất trong tháng 9 trên nền tảng kinh tế phục hồi, đã tiếp tục tăng thêm lãi suất như dự kiến và cho biết nhiều đợt tăng lãi suất nữa có khả năng sẽ theo sau.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) giữ nguyên lập trường cực kỳ lỏng lẻo với chính sách lãi suất được chốt ở mức -0,75%. Lạm phát của Thụy Sĩ – mặc dù tăng - vẫn thấp hơn nhiều so với các nơi khác, chỉ 1% trong năm tới, và giảm xuống 0,6% vào năm 2023.
"SNB đang duy trì chính sách tiền tệ mở rộng của mình", Ngân hàng Trung Ương Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố. "Điều này giúp đảm bảo ổn định giá cả và hỗ trợ nền kinh tế Thụy Sĩ phục hồi sau tác động của đại dịch coronavirus".
Minh Đức (Theo Reuters, CNBC, Politico)