Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học 2018 đang cận kề. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi này về cơ bản đã được hoàn tất, đề thi cũng đã được in sao xong và đang được chuyển về cho các địa phương.
Trao đổi với PV, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngay từ đầu năm nhà trường đã tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và giáo viên trong công tác chuẩn bị.
“Chúng tôi lưu ý với học sinh về lỗi hay mắc phải là tô nhầm mã đề và số báo danh, tổ chức thực hiện và tập huấn cho các em từng buổi kiểm tra. Hiện những lỗi không đáng có này chắc chắn sẽ không xảy ra”, thầy Dỵ nói.
“Công tác ôn tập là một việc hết sức quan trọng. Sau khi kết thúc chương trình học chính khóa, tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng ôn từ ngày 25/5.
Khi đăng ký phân ra 4 đối tượng để ôn tập. Cụ thể, đối tượng thứ 1 là đối tượng phấn đấu 27 điểm trở lên.
Đối tượng 2, là lớp ôn tập cho các em có nguyện vọng đại học TOP trên.
Thứ 3 là đối tượng có nguyện vọng đỗ đại học. Cuối cùng là nhóm thí sinh chỉ có nguyện vọng ôn thi tốt nghiệp. Mỗi nhóm lớp có 1 cách ôn tập riêng cho phù hợp.
Qua cách làm này, chúng tôi thấy hiệu quả được nâng lên, sau những lần ôn này chúng tôi cũng kết hợp sát hạch học sinh, dùng kết quả này để đánh giá giáo viên”, thầy Dỵ chia sẻ về cách ôn thi cho học sinh.
Đặc biệt, thầy Dỵ cho biết, nhờ cách phân chia nhóm đối tượng học sinh để ôn tập như vậy, nên việc dạy cũng khác nhau, đặc biệt là đối với lớp trên có nguyện vọng đạt trên 27 điểm: “Trong quá trình ôn thi nhiều học sinh còn giải nhanh hơn thầy, nhiều phương pháp mới. Mặc dù như vậy chúng tôi phải chọn giáo viên giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất để dạy lớp này. Đối với đối tượng học sinh này, việc dạy không phải là việc truyền kiến thức cơ bản nữa, mà là cùng học sinh tìm tòi những cách làm bài hay”.
Công tác coi thi của các giám thị cũng là việc thu hút sự quan tâm nhiều của dư luận, khi mà mới đây tại TP.Hà Nội xảy ra tình trạng giám thị làm lọt đề ra ngoài.
Trước băn khoăn này, thầy Dỵ cho hay: “Đối với giám thị, cán bộ chuẩn bị coi thi trong suốt năm học vừa rồi chúng tôi đã tiến hành chỉ đạo, tập huấn, đồng thời mỗi kỳ thi chúng tôi đều tổ chức giống thi THPT Quốc gia để có kinh nghiệm.
Chúng tôi xác định khi cán bộ đi coi thi không được vi phạm các quy định trong quy chế. Rất nhiều năm gần đây, trường thi tổ chức tham gia coi thi, chấm thi chưa có ai vi phạm quy chế thi”.
Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, nhiều thí sinh ở xa, vậy nên vấn đề về nhà ở cho thí sinh và phụ huynh cũng được các điểm thi rất quan tâm. Ông Lê Văn Dỵ cho biết: “Thí sinh và phụ huynh, cán bộ coi thi ở xa đến chúng tôi đều đăng ký nhà nghỉ và mượn nhờ nhà dân. Bố trí nơi ăn chốn ở đầy đủ".
Công tác bảo vệ cho kỳ thi cũng là một việc rất quan trọng, chia sẻ với phóng viên, đại diện sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay hiện, Sở đã làm việc với công an, quân đội, y tế để triển khai lên kế hoạch, đặc biệt từ khi đề thi được chuyển về.
Tại tỉnh Thanh Hóa, năm nay, bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chủ trì phối hợp với 5 trường đại học: đại học sư phạm Hà Nội, đại học Thủy Lợi, đại học Điện lực, đại học Hồng Đức và đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức cụm thi số 27 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho thí sinh tỉnh Thanh Hóa, để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018.
Cụm thi số 27 có 35.306 thí sinh dự thi, trong đó, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp trung học phổ thông là 13.750; số thí sinh xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng là 19.981; số thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 1.575.
Số điểm thi đặt tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa là: 68; số phòng thi là: 1.545. Số nhân lực huy động cho cụm thi 27 là 5.200 người, trong đó cán bộ của các trường đại học khoảng 1.900 người.
Để đảm bảo khách quan, sở GD&ĐT Thanh Hóa bố trí mỗi điểm thi có 1 Phó Trưởng điểm là cán bộ của 1 trường đại học; mỗi phòng thi có ít nhất 1 cán bộ của các trường đại học;
Tại một điểm thi, cán bộ coi thi bao gồm cán bộ của trường đại học trung ương, đại học địa phương và giáo viên trung học phổ thông không phải của trường đặt địa điểm thi.