Tổng thống Bashar Assad đã giành chiến thắng trong xung đột ở Syria. Nhưng khi bước vào năm thứ 9, đất nước của ông bị tàn phá, thiếu tài chính và là "con mồi" cho cả bạn bè và kẻ thù.
Cuộc chiến ở Syria vừa kết thúc năm thứ 8 trong tháng này với các con số thương vong, thiệt hại nặng nề. Hơn 360.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và tổn thất 400 tỷ USD, theo AFP.
Khi chiến tranh kết thúc, người Syria ở các khu vực do chính quyền kiểm soát có thể không còn phải lo lắng về việc bắn phá, nhưng họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, cắt điện thường xuyên, thất nghiệp và nghèo đói tràn lan.
Tổng thống Syria có thể đã đảo ngược thành công mục đích chia rẽ ban đầu của phe đối lập vũ trang và khủng bố, nhưng các cường quốc nước ngoài giờ đây lại đang bước vào sân chơi của ông.
Nicholas Heras, một nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết, xung đột Syria phức tạp hơn bởi vì hiện nay có các nhân tố nước ngoài hùng mạnh kiểm soát các khu vực rộng lớn bên trong Syria. “Và những nhân tố nước ngoài này sẽ không sớm rời khỏi Syria”, ông nói.
Được hỗ trợ bởi Nga và Iran, lực lượng của chính quyền Assad hiện kiểm soát gần 2/3 đất nước. Nhưng các khu vực quan trọng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông, bao gồm cả một vùng đông bắc giàu dầu mỏ do các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn chiếm đóng.
Vùng Idlib phía tây bắc lại nằm trong tay của nhóm khủng bố có liên kết với al-Qaeda nắm giữ, được bảo vệ bởi một thỏa thuận ngừng bắn và sự triển khai của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn lại, một số nhóm phiến quân Syria được Ankara hậu thuẫn cũng nắm giữ một số thành phố phía Bắc gần biên giới.
Joshua Landis, học giả từ đại học Oklahoma, đã nói về bối cảnh hiện tại của quốc gia Trung Đông như một bức tranh ảm đạm. “Bản đồ Syria là một thứ chia rẽ và tuyệt vọng”, ông nói. Hơn 30% lãnh thổ đất nước bị chiếm đóng bởi các Chính phủ nước ngoài, những người đã xây dựng và tài trợ cho quân đội địa phương.
Hoàn lại vốn đầu tư
Nhiều cường quốc nước ngoài đang cạnh tranh để gặt hái lợi nhuận sau nhiều năm đầu tư quân sự, hoặc bảo vệ lợi ích của họ ở Syria. Nga đã ủng hộ chính quyền Assad bằng quân đội và các cuộc không kích từ năm 2015, trong khi Iran đã phái các cố vấn cũng như các chiến binh Shiite từ Lebanon và Iraq.
“Nga muốn ổn định Assad để giữ một đối tác ổn định cho việc bảo vệ các căn cứ đang mở rộng của nước này ở Syria và dự án quyền lực trên toàn khu vực”, chuyên gia Heras nói.
Về phần mình, Iran muốn có chỗ đứng ở Syria, trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa đồng minh Hezbollah ở Lebanon và Israel ở phía tây nam. Cả hai đồng minh hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết và đã ký các thỏa thuận bao gồm các dự án điện, dầu và cơ sở hạ tầng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, những quốc gia có truyền thống ủng hộ các chủ thể phi nhà nước, lại có những lợi ích khác. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn tách người Kurd ra khỏi vòng tay ôm chặt của Mỹ và áp đặt ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc và miền Đông Syria.
Washington hậu thuẫn các nhóm chiến binh do người Kurd lãnh đạo, những người đang kiểm soát một vùng đông bắc rộng lớn và giàu dầu mỏ, và quân đội Mỹ ở Syria được coi là một phần của cuộc chiến chống IS đe dọa biên giới Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ xem các chiến binh người Kurd là những kẻ khủng bố và từ lâu đã đe dọa sẽ tấn công người Kurd ở phía Nam biên giới. Trong khi Washington sẽ từ bỏ sự hiện diện của mình sau khi cho rằng đã thắng trong cuộc chiến chống IS và chỉ để lại một lực lượng nhỏ tại đây.
Bên cạnh lá chắn ngăn chặn người Kurd từ Thổ Nhĩ Kỳ, sự hiện diện của Mỹ đã gây áp lực lên chính quyền Assad. “Assad cần nước và lúa mì mà Mỹ kiểm soát ở miền Đông Syria”, Heras nói.
Nhưng chính sách của Mỹ lại là cách ly các tài nguyên này khỏi nhà lãnh đạo Syria và buộc nền kinh tế của Tổng thống Assad sụp đổ xung quanh ông ấy, nhà phân tích giải thích thêm.
Làm 3 công việc để đủ sống
Cùng với Liên minh châu Âu, Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty Syria, bao gồm cả việc tìm cách ngăn chặn các chuyến hàng chở dầu đến nước này.
Học giả Landis cho biết, những biện pháp này càng gây khó khăn khi kết hợp với những thách thức sau chiến tranh, mà quan trọng nhất trong đó là tái khởi động một nền kinh tế bị tàn phá.
“Mỹ đang áp đặt một trong những chế độ trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Syria, điều này sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm sự khốn khổ của người dân”, Landis cho hay.
“Cộng với đó là những vấn đề tồi tệ nhất nảy sinh trong khoảng thời gian chiến tranh: tham nhũng, bạo lực và sự thiếu vắng luật pháp”, ông nói.
Shadi Abbas, 40 tuổi, một công dân Syria đang vật lộn để trở lại cuộc sống bình thường sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự thông thường kéo dài cả 8 năm. “Tôi thấy mình phải làm đến 3 công việc để kiếm tiền”, anh cho biết. “Ngay cả khi tôi kiếm được chút tiền và công việc, ai sẽ trả lại cho tôi tuổi trẻ”, người đàn ông bày tỏ.
Sau nhiều năm chiến tranh, chính quyền Assad đã bảo đảm được nguồn lực của mình, giành lại quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng và bắt đầu một sự trở lại rụt rè trên thị trường Ả Rập.
Thất vọng vì phe đối lập suy yếu và chia rẽ, một số quốc gia Ả Rập đối đầu với chính quyền Assad giờ đây đã kêu gọi Syria tái hòa nhập vào Liên đoàn Ả Rập. Các phiến quân còn lại và các chiến binh thánh chiến phần lớn bị giam hãm ở Idlib sau khi bị đánh đuổi ra khỏi các vùng lãnh thổ do chính quyền giải phóng.
Phe đối lập chính trị nằm rải rác ở nước ngoài và đã thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình có lợi. Dù thử thách là gì, “cuộc cách mạng đang bùng cháy và đó là một chiến thắng của Assad”, chuyên gia Heras nói.