Việc làm của họ xuất phát từ tình thương, hoặc rất nhiều lý do được coi là chính đáng khác. Tiếc là pháp luật lại giới hạn quyền của họ.
Đi tìm quyền nuôi cháu
Số trời run rủi thế nào mà hai gia đình ông bà Lai và ông bà May (Hà Nội) lại ở cạnh nhau trên cùng con phố. Và, họ cùng rủ nhau tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương một ngày. Tuy nhiên, câu chuyện mỗi nhà một khác.
Hình chỉ mang tính minh họa |
Ông bà Lai chỉ có duy nhất một cô con gái. Ngày con đi lấy chồng, bà Lai chính thức sang tên cho con và cháu ngoại tương lại sạp vải cùng vốn liếng ở khi chợ đầu mối đầu thành phố. Con rể ông bà cũng làm trong ban quản lý chính cái chợ ấy.
Rồi con gái ông bà không may phận bạc, ung thư cổ tử cung mất sớm để lại đứa cháu ngoại mới 2 tuổi. Lo xong tang vợ, anh con rể cho cô em gái ruột của mình bán hàng. Những bạn hàng cũ của bà Lai cho biết, cô em chồng đang âm thầm bán tống bán tháo để rút vốn cất làm của riêng.
Thêm vào đó, anh con rể, để tang vợ được đúng một năm, lại cặp kè với một cô gái làm ở quán karaoke. Anh ta hay đưa con đến đó chơi, đứa trẻ chứng kiến bao cảnh âu yếm của người lớn về kể bi bô với ông bà.
Xót cháu, giận con, ông bà Lai bàn nhau giành lại quyền nuôi cháu.
Khi còn sống, con trai ông bà May làm ăn rất phát đạt nên gia sản giàu có. Chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông, số tài sản đó tiếp tục được cô con dâu quản lý, cùng đứa con 6 tuổi.
Thời gian gần đây, con dâu ông bà May đang tính chuyện kết hôn với một Việt kiều và dự định sẽ mang con theo chồng mới sang Mỹ sống sau khi kết hôn. Nghe tin này, ông bà May không muốn con dâu mang cháu đi phần vì sợ mất cháu, phần vì lo chồng mới của con dâu sẽ chiếm đoạt hết tài sản mà con trai mình để lại cho con.
Được sự ủng hộ của chính gia đình cha mẹ đẻ con dâu, ông bà May quyết định đi hỏi tư vấn để có quyền nuôi cháu
Đừng để trẻ thiệt vì suy tính của người lớn
Tư vấn của trợ giúp pháp lý cho ông bà Lai và ông bà May biết, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con là quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ. Điều đó đã được luật định trong pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (Điều 34, 36, 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).
Pháp luật bảo vệ quyền để đảm bảo những đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của cha mẹ. Tuy nhiên, theo luật, trong một số trường hợp, cha mẹ không hội tụ đủ điều kiện để thực hiện quyền nuôi dưỡng con, đảm bảo cho đứa trẻ khôn lớn, nên người, thì pháp luật cũng tính đến việc hạn chế quyền của cha mẹ.
Đó là các trường hợp khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phát tán tài sản của con; có lối sống đồi trụỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 41 Luật HNGĐ).
Tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, ở trường hợp của ông bà Lai, vì không đồng ý con rể để cho em gái mình quản lý sạp vải và có dấu hiệu phát tán tài sản, cũng như thường xuyên đưa con đến nơi không hợp thuần phong mỹ tục, nên ông bà có thể kiện ra Tòa hoặc các cơ quan khác theo luật định như Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ… để yêu cầu tòa hạn chế quyền của làm cha của con rể.
Nếu người con rể bị tuyên hạn chế quyền chăm sóc con, trong thời gian đó, ông bà Lai có thể nuôi dưỡng cháu theo quy định của Điều 47,48 Luật HNGĐ.
Nhưng, với câu chuyện của gia đình ông bà May thì lại khác. Vì con dâu ông bà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 41 và quyền chăm sóc nuôi dưỡng con của con dâu không bị tòa tuyên hạn chế, nên ông bà May không có quyền ngăn cản việc con dâu mình đưa con theo chồng mới ra nước ngoài.
Nhưng tựu trung lại ở hai câu chuyện, theo lời khuyên của người tư vấn, cần thiết hơn cả vẫn là tình cảm gia đình, sự bàn bạc phải trái giữa những người lớn với nhau vì quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ.
Theo Linh Thụy (Pháp Luật Việt Nam)