Theo Washington Post, Tổng thống Joe Biden đã ký phê chuẩn CHIPS and Science Act (Đạo luật chip và khoa học) trị giá 280 tỉ USD để khởi động chương trình phát triển công nghiệp chất bán dẫn lớn nhất mà chính phủ liên bang từng quản lý.
Phát biểu trong buổi lễ ký phê chuẩn đạo luật tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho rằng với đạo luật mới, Mỹ đang mang việc sản xuất và công việc quay về. "Tương lai của ngành công nghiệp vi mạch xử lý sẽ là made in America", ông Biden nói.
Đạo luật trên sẽ thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn ở Mỹ, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp an toàn hơn cho các linh kiện nhỏ bé nhưng rất quan trọng đối với thiết bị điện tử hiện đại được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia.
Dự luật bao gồm khoản trợ cấp 52 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của liên bang và các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực, mà chính quyền hy vọng sẽ dẫn đến những đột phá thương mại trong các lĩnh vực mới như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài khoản nói trên, đạo luật cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip, ước tính trị giá 24 tỉ USD; khoản 200 tỉ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn. Trước đó, đạo luật được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào ngày 27/7.
Các khoản trợ cấp được đưa ra trong bối cảnh toàn cầu thiếu chip trầm trọng, buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng. Các quỹ liên bang không giải quyết được những thiếu hụt đó trong ngắn hạn nhưng sẽ khuyến khích các dự án xây dựng lớn của Intel, TSMC, Micron, Samsung, GlobalFoundries và các công ty khác nhằm xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới đắt tiền trong những năm tới.
Những người ủng hộ cho rằng cần phải có kinh phí để nâng cao lợi thế công nghệ của Mỹ và phục hồi ngành công nghiệp chip đang tụt hậu của nước này. Theo Nhà Trắng, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 10% nguồn cung chất bán dẫn của thế giới, trong khi Đông Á chiếm 75% sản lượng toàn cầu, bao gồm hầu hết các chip cấp cao nhất.
Nguồn cung chip đã thiếu hụt gần 2 năm trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt nhưng khan hiếm nhà máy trên toàn thế giới. Sự thiếu hụt đã làm suy yếu tất cả các loại hình sản xuất phụ thuộc vào chip, nổi bật nhất là sản xuất ôtô, gây ra tình trạng thiếu hụt và giá ôtô tăng vọt.
Chip không chỉ là nền tảng cho thiết bị điện tử tiêu dùng mà còn nhiều loại thiết bị quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu F-35 và tên lửa Javelin - các loại vũ khí được coi là chìa khóa cho an ninh quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Jun Zhang tại Đại học Toronto (Canada) cho rằng những diễn biến trên cũng phản ánh tình hình chung của ngành bán dẫn trong tương lai, khi cả Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều chú trọng nhiều hơn tới việc nội địa hóa sản xuất.
Ông Zhang phân tích, ngành sản xuất bán dẫn có chi phí, quy mô về vốn, nghiên cứu và phát triển... đều ở mức rất cao. Điều này khiến chuỗi sản xuất của bán dẫn không thể đa dạng như các lĩnh vực khác.
"Việt Nam chắc chắn chưa phải quốc gia hiện diện rõ trong cuộc đua thu hút sản xuất chip. Tuy nhiên, Việt Nam đã là điểm thử nghiệm và lắp ráp lớn nhất cho Intel từ năm 2006 và Intel cũng mở rộng đầu tư ở Việt Nam gần đây", ông Zhang nói.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Tuổi Trẻ Online)