Truyền thông đã gọi tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là người thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của nước Mỹ. Bất chấp những tranh cãi về mình, Tổng thống Donald Trump vẫn nhận được số phiếu bầu ở mức cao, điều không thể phủ nhận rằng một nửa nước Mỹ vẫn ủng hộ ông.
Theo thống kê, so với số phiếu bầu ông Trump nhận được năm 2016, đã có thêm hơn tám triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo này hôm 3/11 vừa qua. Họ nhìn thấy những chính sách gây chia rẽ, ảnh hưởng của dịch bệnh chưa được kiểm soát, nhưng họ vẫn muốn ông Trump lãnh đạo nước Mỹ thêm bốn năm nữa.
Tổng thống Trump không chỉ nhận được thiện cảm từ đảng Cộng hòa và cử tri da trắng, ông còn giành được nhiều phiếu bầu từ cộng đồng người da đen và gốc Tây Ban Nha hơn cuộc bầu cử trước. Không giống như năm 2016, khi không ai biết ông sẽ điều hành đất nước như thế nào, những người ủng hộ lần này không nghi ngờ gì về chương trình nghị sự và phong cách của nhà tỷ phú.
Viết trên Middle East Eye, Trita Parsi, Phó Chủ tịch viện Quincy cho rằng, không thể phủ nhận ông Joe Biden xứng đáng được ca tụng vì chiến thắng quan trọng của mình. Nhưng cũng cần phải khẳng định rằng, người dân Mỹ cảm thấy ông Biden không thể làm tốt hơn quá nhiều so với ông Trump. Dẫu cho bị chỉ trích, nhà lãnh đạo này không phải là một nhân vật “độc hại” đối với nước Mỹ. Ông là một phần của nước Mỹ và có những khu vực bầu cử vẫn ủng hộ một nhân vật như vậy.
Đường lối của ông Trump phản ánh một phần tâm lý của người Mỹ, những người tin rằng đất nước họ phải là người chiến thắng hơn tất cả - họ có quyền giành chiến thắng bằng mọi cách cần thiết. Luật lệ là dành cho những kẻ thua cuộc. Phá vỡ luật lệ không có nghĩa là sai hoặc xấu. Nó chỉ nói lên rằng bạn là người chiến thắng. Nhiều nước trên thế giới đã rất quen thuộc với khía cạnh này trong tâm hồn người Mỹ.
Sự thống trị quân sự
Trong khi người Mỹ vật lộn trong việc lựa chọn thể hiện phần tâm hồn nào của mình thì thế giới phải chấp nhận khả năng nước Mỹ sẽ còn xuất hiện thêm nhiều người như ông Trump trong tương lai.
Các cường quốc châu Âu, châu Á và Trung Đông từ lâu đã được hưởng lợi từ định hướng duy trì an ninh và ổn định trên toàn cầu của Mỹ, mặc dù kết quả của sự thống trị quân sự này đang ngày càng có nhiều vấn đề. Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia đã vui mừng bước sang một bên để Mỹ vừa cung cấp an ninh cho họ lại vừa tự gánh vác chi phí.
Ví dụ, vào năm 2018, 13% ngân sách cơ sở của bộ quốc phòng Mỹ - 81 tỷ USD - được chi cho việc bảo vệ nguồn cung dầu toàn cầu, chủ yếu ở Vùng Vịnh. Tuy nhiên, chỉ có 15% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ vùng Vịnh trong năm 2018. Phần lớn lượng dầu vùng Vịnh mà Mỹ bảo vệ đã đến châu Á: Với 40% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Trung Đông, trong khi 76% lượng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz trong năm 2017 đã đến các thị trường châu Á rộng rãi hơn.
Những người đóng thuế Mỹ đã trợ cấp một cách hiệu quả cho việc tiêu thụ dầu ở châu Á. Tình trạng tương tự cũng tồn tại ở châu Âu, nơi các nước châu Âu giàu có vẫn dựa vào sự bảo vệ của Mỹ thay vì đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ của riêng họ.
Trong khi người Mỹ từ lâu đã phàn nàn về điều này thì chỉ có ông Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên lên tiếng gọi đó là sự bất công và có hành động để thay đổi. Trước đây, các nước châu Âu và châu Á có ít áp lực để phải thay đổi vì các tổng thống Mỹ đời trước có xu hướng say mê với đế chế quân sự toàn cầu của mình, không muốn đưa ra những lời đe dọa rút quân.
Thay đổi địa chính trị
Mặc dù thực hiện một cách khá cực đoan và đôi khi không được hợp tình hợp lý, ông Trump vẫn được ghi nhận là tổng thống đặt viên gạch đầu tiên trong yêu cầu chia sẻ gánh nặng từ đồng minh và giảm nghĩa vụ an ninh của Mỹ.
Các đồng minh của Mỹ tất nhiên không muốn điều này, họ tin rằng ông Trump là một sai lầm của nước Mỹ. Họ quyết định chờ đợi. Họ lập luận rằng trong vài năm nữa, ông ấy sẽ ra đi, và đất nước sẽ trở lại “bình thường”. Tuy nhiên, dần dần họ nhận ra rằng ông Trump không phải là một hiện tượng nhất thời, cơ cấu hỗ trợ các đối tác an ninh của Mỹ giờ đây bắt đầu có sự thay đổi.
Tiếp tục “đặt tất cả trứng vào giỏ” an ninh của Mỹ và mong đợi Mỹ tiếp tục cung cấp tất cả các loại “ô dù” an ninh trên toàn cầu sẽ là một sơ suất mang tính chiến lược.
Quá nhiều quốc gia phụ thuộc vào Mỹ một cách vô vọng và thiếu những điều chỉnh cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng. Sự phụ thuộc này từ lâu đã không có ích cho Mỹ, vốn đã phải gánh quá nhiều chi phí và bảo vệ quá nhiều quốc gia.
Giờ đây, các đối tác châu Á, châu Âu và Trung Đông của Mỹ có thể nhận ra rằng việc để an ninh của họ bị ràng buộc hoàn toàn vào một quốc gia ngày càng bị chia rẽ và khó đoán có thể không phải là điều tốt.
Thay vì đợi người mới sẽ thay thế ông Trump, các đối tác chiến lược của Mỹ nên chủ động cân nhắc nghiêm túc về việc chuyển đổi sự phụ thuộc quá mức và không công bằng vào lực lượng quân sự của Mỹ.