Xã hội ngày càng văn minh, phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày càng được thừa nhận. Người phụ nữ đã có ý thức vươn lên để khẳng định bản thân. Họ cũng không thua kém gì cánh đàn ông trong mọi hoạt động. Tuy nhiên tại nhiều vùng quê tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề. Việc con gái bị xem thường, coi rẻ hơn con trai vẫn diễn ra thường xuyên. Trường hợp của gia đình ông Lý Tấn đến từ vùng nông thôn nghèo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Sau khi kết hôn, vợ chồng ông Lý sinh liền tù tì 8 cô con gái. Ban đầu, họ cũng muốn kiếm một cậu con trai nhưng sau khi con gái út ra đời thì cả hai quyết định dừng lại.
Vì đẻ con một bề lại toàn con gái nên 2 ông bà đã phải nhận không ít lời gièm pha, dị nghị của hàng xóm: “Con gái lấy chồng rồi cũng là con người ta. Sau này lấy ai nhang khói, hương hỏa tổ tiên", rồi thì “Chúng là lũ vịt giời, bé thì ăn hại, lớn rồi bay đi”.
Nghe vậy vợ chồng ông Lý không nói gì mà tự nhủ sẽ tập trung nuôi dạy các con thật tốt để sau này cả làng phải ghen tị. Họ dạy con lễ nghĩa, biết phân biệt phải trái đúng sai, kính trên nhường dưới và phấn đấu để bản thân thành công hơn. Thay vì giữ các con ở nhà, đến tuổi lấy chồng thì gả đi, ông bà cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhà không có con trai, mọi việc nặng nhọc đổ dồn lên vai ông Lý nhưng ông chưa bao giờ than trách nửa lời.
Không phụ tấm lòng cha mẹ, 8 cô con gái của ông Lý khi trưởng thành đều có công việc ổn định, rất hiếu thảo và biết yêu thương nhau. Hàng tháng, mỗi người gửi cho bố mẹ 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) tiền sinh hoạt phí. Vậy là mỗi tháng vợ chồng ông Lý không làm gì cũng có 8.000 NDT (hơn 28 triệu đồng) tiêu xài mỗi tháng.
Các cô gái còn biết bảo ban nhau chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Người phụ trách dọn dẹp nhà cửa, người mua quần áo, người mua thiết bị gia dụng, người đưa ông bà đi du lịch... Không chỉ vậy, họ còn có quỹ chung để phòng trường hợp bố mẹ ốm đau, cần tiền đột xuất. Mỗi dịp lễ Tết, ông bà Lý không phải bận tâm suy nghĩ vì đã có các con lo chu đáo, luân phiên nhau chăm sóc ông bà.
Cuộc sống hiện tại của ông bà Lý khiến nhiều người vô cùng ghen tị. Trong khi đó ông Dương, hàng xóm và cũng là người thường xuyên chê cười ông Lý, thì giờ đây phải chuyển nhà đi nơi khác vì con trai dính vào cờ bạc, tù tội.
Chia sẻ với báo chí bí quyết nuôi dạy con, ông Lý cho biết, mình không phân biệt trai gái, chỉ cần các con ngoan ngoãn, hiếu thảo. "Nhiều người trêu tôi đẻ 8 “con vịt giời”, khi lớn chúng bay đi hết. Nhưng tôi nghĩ "bay" hay "không bay" đều do cách dạy của bố mẹ”, ông Lý nói.
“Dù nghèo nhưng tôi vẫn cố cho các con ăn học đàng hoàng, không thua kém bất kỳ đứa con trai nào trong làng. Tôi dạy các con: "Con trai làm được thì con gái cũng làm được". Con gái lớn lên ngoan ngoãn, hiếu thảo thì còn gấp 10 lần con trai mà bất hiếu, ngỗ nghịch. Ngày nào tôi cũng khích lệ các con như thế", người cha của 8 cô con gái cho hay.
Nói về công ơn dưỡng dục của cha mẹ, con gái cả của ông Lý tâm sự: "Hồi nhỏ tôi thường thấy hàng xóm trêu đùa bố mẹ nhưng mỗi lần có ai trêu, bố thường bảo tôi phải cố gắng học tập, lớn lên trở thành người thành công để những người cười mình phải thay đổi suy nghĩ. Bố cũng dạy chị em tôi phải đoàn kết, đùm bọc nhau. Nhờ vậy, cả 8 chị em tôi đều lớn lên trong sự tự tin. Hiện tại, chúng tôi đã đủ sức lo cho bố mẹ cuộc sống an nhàn".
Tuy sinh ra ở vùng quê nghèo nhưng ông bà Lý khiến nhiều người nể phục vì suy nghĩ rất văn minh, đúng đắn. Con nào cũng là con, chỉ cần con cái biết yêu thương cha mẹ thì rất đáng tự hào, là phúc phần của cha mẹ. Còn bất hiếu, báo hại cha mẹ khốn khổ thì xấu hổ, nhục nhã. Vì vậy hãy bỏ thói phân biệt giới tính, đừng thấy người khác sinh con gái rồi cười chê. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam đang bị mất cân bằng giới tính, nam nhiều hơn nữ.
Minh Hoa (t/h)