Đem một Việt Nam sang Mỹ
Xin phép được quay trở lại câu chuyện về con gái nuôi của Bruce, Nguyễn Thị Hạnh Weigl, sau một hồi gián đoạn bởi nước mắm. Bruce từng là một trong số cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam rất sớm, khoảng những năm 1985. Từ đó đến nay ông đã có 13 lần về Việt Nam và một lần vào năm 1995, ông đã nhận nuôi Hạnh từ một trại trẻ mồ côi ở Hà Nam.
"Tôi yêu Việt Nam và muốn Hạnh giữ được những nét Việt khi ở đất Mỹ. Chúng tôi thường xuyên nấu những món ăn của Việt Nam để Hạnh được thưởng thức hương vị của quê hương. Tôi cố gắng hòa trộn để ngôi nhà của mình luôn có hai nét văn hóa Mỹ - Việt. Hàng ngày, tôi cũng mời giáo viên tiếng Việt đến dạy tiếng Việt cho Hạnh", Bruce kể.
Hỏi Bruce lý do nhận nuôi Hạnh, ông chần chừ một hồi rồi nói: "Câu hỏi hơi riêng tư. Nhưng tôi sẽ chia sẻ với các bạn... Tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, năm đó tôi mới 18 tuổi và chẳng có gì. Tôi đến Việt Nam để tham chiến vì nghĩa vụ nhưng trong thâm tâm tôi, tôi không hề ghét người Việt Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi trở về và bắt đầu tìm hiểu về cuộc chiến. Tôi nhận ra rằng chiến tranh là sai lầm, mọi lý do đều dối trá. Từ đó, tôi nghiên cứu nhiều hơn về Việt Nam và hậu quả mà chiến tranh đã gây ra. Chiến tranh kết thúc, tôi quay lại Hà Nội khoảng giữa những năm 80, nhìn thấy một thành phố nghèo, không quán xá, không khách sạn. Tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm làm một điều gì đó để trả nợ cho Việt Nam. Nhưng tôi chỉ là một con người bình thường, không thể làm được điều gì to tát nên tôi quyết định nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi người Việt, đem cho bé một cơ hội có cuộc sống tốt hơn. Rất nhiều trường hợp con nuôi được đổi tên và sống trong môi trường Mỹ, không nói tiếng Việt và mất đi những nét văn hóa Việt Nam. Tôi không muốn điều đó cho con gái tôi. Tôi yêu Việt Nam, yêu văn hóa Việt Nam và muốn con gái tôi giữ gìn điều đó. Và Hạnh đã làm được, con bé là niềm hạnh phúc của đời tôi, một cô con gái thông minh và tình cảm".
Bruce và cô con gái nuôi người Việt, Nguyễn Thị Hạnh Weigl.
Câu chuyện cha và con
Nghe nói trình độ tiếng Việt của Hạnh tốt lắm, tôi muốn Bruce xác nhận thông tin xem thực hư thế nào. Ông lập tức bấm điện thoại để tôi nói chuyện trực tiếp với Hạnh. Thật không ngờ, một giọng Bắc chính hiệu, không lơ lớ hay tạp âm gì. Thật khó tin khi đó là giọng nói của một cô gái rời khỏi Việt Nam năm 8 tuổi. Tôi hỏi chị đã luyện tập tiếng Việt thế nào, Hạnh nói chị vẫn nói chuyện với bạn bè người Việt, xem báo và các chương trình của Việt Nam, đặc biệt, Hạnh rất thích chương trình Giọng hát Việt.
Tuy nhiên trong quá trình nói chuyện, đường truyền tín hiệu không được tốt, tôi đã đề nghị lấy email của chị để hỏi thêm. Khoảng 12 tiếng sau, tôi nhận được thư trả lời của Hạnh. Xin trích nguyên văn:
Có thể nói, người cha nuôi đã nuôi dưỡng phần Việt Nam trong chị?
Chào bạn, cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội nói đôi lời về bố mình. Đúng thế, không những bố Bruce đã nuôi tinh thần Việt của tôi, cho đến bây giờ, bố vẫn luôn là người duy nhất dạy dỗ tôi làm người Mỹ gốc Việt đặc biệt và quan trọng đến mức nào trên đất nước Mỹ này. Bố luôn nhắc nhở tôi phải gắn bó với nguồn gốc và văn hóa Việt. Hơn nữa, bố còn luôn tạo cơ hội cho tôi giao tiếp với những người Việt giàu chất văn hóa. Bố luôn cho rằng đất nước và văn hóa Việt Nam là nhất. Có lẽ ảnh hưởng này cũng lan tràn sang tôi từ lúc nào không biết.
Kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất về bố Bruce Weigl?
Tôi có rất nhiều kỷ niệm cùng với bố, nhưng không biết bắt đầu từ đâu nhỉ. Để bạn hiểu một chút ít về tình cảm bố con tôi, tôi kể về quãng thời gian đầu bố mới bay về Việt Nam, năm 1995 nhé. Trong khi chúng tôi chờ cấp Visa tại Hà Nội, bố con tôi được trung tâm hỗ trợ HOLT giới thiệu đến một cặp bố Tây con nuôi Việt khác. Một đêm trong lúc đi dạo đô thành, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô bé người Việt kia rất vui vẻ quấn quýt với người bố nuôi mới của mình. Cô vừa đi vừa nắm tay ông Tây. Ông còn vác cô lên cổ đi dạo với một cách rất tự nhiên. Người ngoài nhìn vào chắc không ai có thể đoán rằng hai bố con nuôi này mới gặp nhau chỉ vài ngày trước. Tôi thì lại khác, trong đầu tôi có biết bao nhiêu dấu hỏi về người Tây cao to này. Tôi cảm thấy rất ngượng khi phải đi bên cạnh ông.
Đêm tối hôm đó, tôi lén ngước nhìn lên gương mặt bố. Tôi cảm thấy niềm khao khát tình yêu thương tràn ngập trên mặt bố. Tôi tự hỏi có phải mình đã làm ông thất vọng chăng? Nhưng bố chỉ nhìn xuống mỉm một nụ cười thật hiền hậu. Đến lúc đấy tôi nhận ra rằng bố rất hiểu cảm xúc của tôi lúc bấy giờ. Đi một đoạn đường dài, tôi dần dần lại gần bố. Những lo ngại vô cớ của tôi tan đi và tôi tự giác nắm lấy tay bố trong đêm hôm đấy, trên một con đường nhỏ tại Hà Nội. Ngay từ đấy, tôi an tâm tin tưởng bố Bruce vì tôi biết rằng bố luôn luôn đón nhận tình cảm của tôi. Phải nói là tiểu thuyết tình cảm bố con tôi đã bắt đầu từ đêm hôm đó.
Điều gì khiến chị tự hào nhất về người bố nuôi của mình?
Tôi tự hào nhất là trái tim nhân hậu của bố Bruce. Tôi nghĩ trái tim bố luôn luôn mở rộng cho bất cứ người nào bố gặp. Tôi muốn so trái tim bố với một cái giếng vô đáy. Bố rất dễ gần và rất vui tính. Tôi chưa hề thấy bố có một suy nghĩ xấu hay bắt gặp bố nói xấu về người khác bao giờ. Điều này tôi rất khâm phục. Một điều nữa khiến tôi tự hào là sự thành đạt của bố Bruce. Bố sinh ra và lớn lên trong một môi trường rất nghèo khó. Bố là người đầu tiên trong gia đình đã tự mình học hết trung học, lên đại học, rồi lên bậc tiến sỹ. Mọi chi phí bố đã tự lo hết. Tất cả những gì bố có ngày hôm nay là do bố đã tự làm ra. Bố không bao giờ tựa vào hoàn cảnh để lôi kéo mình lại, nhưng ngược lại bố đã vươn lên và thoát khỏi hoàn cảnh đó. Tôi rất tự hào về bố vì điều này. Bố đã tự mình vươn, thoát khỏi cảnh nghèo, và cũng đang dần dần thoát khỏi hậu quả tàn ác của chiến tranh.
Là con nuôi của người nổi tiếng thú vị chứ ?
Là người đọc, phải thú nhận rằng tôi rất thích văn thơ của bố; rất khéo, rất tinh tế, và rất dễ đọc. Nhưng, là một người con, cũng như câu trả lời vừa rồi, tôi rất tự hào về bản chất con người của bố Bruce. Tôi nghĩ người con nào cũng nghĩ rất cao về bố mẹ mình, phải không? Có lẽ bố không biết điều này, nhưng tôi là trong những fan số một của bố đấy. Tôi rất hâm mộ con người cá nhân của bố vì bố là người thầy có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi.
Chị đã về Việt Nam mấy lần?
Từ ngày tôi rời Việt Nam, là năm 1995, tôi về Việt Nam được 4 lần rồi. Hai lần đầu (lần đầu là năm 2000) tôi đi với bố về làm việc với hội Nhà văn Việt Nam. Chuyến thứ ba tôi về cùng các anh chị trước kia sống với tôi tại trại trẻ ở huyện Bình Lục cũng sang đây làm con nuôi như tôi. Lần thứ tư tôi về một mình, năm 2009 sau khi tốt nghiệp đại học và ở tại Hà Nội đến gần một năm.
Chị có thể chia sẻ ấn tượng sau mỗi lần về Việt Nam?
Lần nào cũng như lần nào, đất nước Việt Nam luôn đem lại cho tôi rất nhiều sự bất ngờ. Tôi rất tự hào về sự phát triển, về mọi mặt của đất nước nhỏ bé này. Ấn tượng nhất là năm 2009, tôi có dịp về ăn Tết dưới Nam Định ở nhà một người bạn thân. Đấy là lần đầu tiên tôi được ăn Tết ở Việt Nam kể từ ngày tôi ra đi.
Đã có lần chị quay lại để tìm bố đẻ, chuyến đi đó thế nào?
Cho phép tôi giữ lại kỷ niệm này vì tôi tôn trọng cuộc sống cá nhân của bố đẻ mình.
Khi có con, chị có dạy tiếng Việt cho con mình không?
Đương nhiên rồi. Con tôi cũng sẽ như những đứa trẻ của xã hội ngày hôm nay vì thời buổi bây giờ, chỉ biết riêng tiếng mẹ đẻ mình chưa chắc đã đủ. Điều quan trọng hơn đối với tôi là khi có con, con tôi biết yêu thương dòng máu Việt đang chảy trong người nó. Một khi điều này xảy ra, sự mong muốn của nó sẽ tự cháy và con tôi sẽ tự giác học hỏi thêm về nguồn cội mình, về nét văn hóa và xã hội Việt Nam, không chỉ tiếng Việt. Đấy là ước mơ của tôi. Cám ơn bạn đã tạo cơ hội cho tôi chia sẻ về bản thân và về gia đình mình, chúc bạn một ngày tươi đẹp.
Lời hứa ấn tượng Khi đón nhận Hạnh vào vòng tay của mình, Bruce đã quả quyết: "Hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé Việt Nam, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái Việt Nam. Tôi sẽ không biến cô ấy thành người Mỹ". Và Bruce đã làm được. Bruce kể, khi đưa Hạnh sang Mỹ, ông đã nhờ bạn bè trong làng văn Việt Nam chọn cho cô những quyển sách thiếu nhi của Việt Nam, những băng đĩa ca nhạc mà bọn trẻ Việt hay xem... để Hạnh có thể sống trong môi trường Việt Nam. |
(Còn nữa)
Thanh Xuân - Anh Đức