Ghép chữ, học tiếng Việt để làm việc thiện
Bắt đầu ngày mới bằng ly cà phê sữa đá, ông Marc De Muynck (thường gọi là Marc, 67 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), Phó Chủ tịch hiệp hội từ thiện Les Enfants du Dragon (Những đứa con của rồng-PV) lần dò bên bàn làm việc, lên kế hoạch thực hiện các dự án thiện nguyện.
Với ông, thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em, người nghèo tại Việt Nam là động lực, là niềm vui sống. Bằng chất giọng đặc trưng của người Pháp, ông nói: “Tôi luôn có ước mơ, khát khao giúp đỡ người nghèo khó. Đặc biệt là trẻ em. Mỗi khi đi du lịch, bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, tôi rất buồn. Tôi thấy mình trong những hoàn cảnh ấy và biết rằng mình phải làm gì đó để giúp đỡ, thay đổi hoàn cảnh khó khăn của họ”.
Ông cho biết, khi ổn định cuộc sống, ông đã đi nhiều nơi, tham gia nhiều tổ chức từ thiện để giúp đỡ cộng đồng. Thế nhưng, khi đến Việt Nam, ông bị đất nước này “quyến rũ”. Ông lưu lại Việt Nam và quyết định cống hiến phần đời còn lại cho sự nghiệp giúp đỡ những người nghèo.
“Năm 2002, tôi thực hiện một chuyến đi dài trong đó có Myanmar, thực hiện dự án nhân đạo giúp trẻ nghèo và trẻ em đường phố tại Rangoon và Mandalay. Nhưng, tôi gặp trở ngại trong việc xin cư trú lâu dài ở đất nước này. Dự án dang dở, tôi phải quay về Pháp. Khi đến với Việt Nam, tôi cảm thấy mình có mối quan hệ khác biệt, rất khó định nghĩa. Đó là “một chùm những cảm xúc”, khiến tôi lưu luyến, yêu mến. Sau khi trở về Pháp để chữa bệnh ung thư, năm 2007, tôi quay lại với khát vọng giúp trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và những người nghèo ở Việt Nam”, ông Marc nói.
Những ngày đầu làm thiện nguyện, một mình ông lầm lũi khắp các làng xã, địa phương có người nghèo để lên kế hoạch xây nhà tình thương, đào giếng, máy lọc nước, cấp nước sạch,…. Làm việc ở một môi trường bất đồng ngôn ngữ, ông vấp phải vô vàn khó khăn.
Bà Dương Kim Liên (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), trợ lý của ông cho biết: “Trước đây, ông là thành viên của nhà may mắn với nhiệm vụ dạy tiếng Pháp. Nhưng, ông thấy công việc của mình chưa thỏa niềm khát khao giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi. Ông tách ra, tìm hướng làm từ thiện mới. Tôi thấy ở ông niềm khát khao làm từ thiện mãnh liệt. Lúc tôi biết ông, ông chưa biết nói tiếng Việt. Để được làm từ thiện, ông cắt chữ, ráp các từ tiếng Việt lại thành câu để giao tiếp. Rồi ông bỏ tiền, bỏ thời gian đi học tiếng Việt. Sau một năm với số tiền không nhỏ và nỗ lực không ngừng, ông có vốn tiếng Việt lơ lớ nghe rất vui tai để đi làm từ thiện”.
Bà Liên chia sẻ, chính sự kiên trì, khát khao giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là trẻ em mồ côi của ông Marc đã khiến bà động lòng, theo ông tham gia Les Enfants du Dragon.
“Tôi chưa từng thấy ai có nhiệt huyết làm từ thiện đến say mê như ông. Ông có một niềm đồng cảm đặc biệt với những số phận cơ cực. Khi đến những nơi có gia đình nghèo khó, ông thường xúc động mạnh, có khi khóc tại chỗ.
Đặc biệt, ông rất yêu quý trẻ con, thấy bé nào đói khổ, không nơi nương tựa là ông phải tìm cách giúp đỡ cho bằng được. Hơn thế, ông có lối suy nghĩ khi làm từ thiện rất khác. Ông luôn băn khoăn việc phải làm sao khi giúp một lần, người được giúp từ đó sẽ có động lực để đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Đối với các bé mồ côi được ông đỡ đầu, xây mái ấm, ông luôn tâm niệm các bé phải được dạy dỗ, hoàn thiện nhân cách”, bà Liên cho biết.
Viết lại tương lai cho phận đời cơ cực
Thực hiện các dự án thiện nguyện một cách đầy tâm huyết, cầu toàn, ông liên tục vấp phải khó khăn. Có lúc, ông tưởng như các dự án chỉ còn tồn tại trên lý tưởng của riêng mình.
Ông nói: “Khi mới bắt đầu, tôi thiết lập mạng lưới quan hệ để tạo ra ê-kíp tình nguyện viên Việt - Pháp. Lúc đầu, các tình nguyện viên rất hăng say, đông đảo. Nhưng một thời gian, những người này “rơi rụng” dần.
Có nhiều người không dung hòa được công việc hàng ngày với việc làm từ thiện. Việc đi lại khó khăn và xa xôi, nhất là trong điều kiện nắng nóng, mưa dầm,… cũng khiến tình nguyện viên nản chí. Nhiều người làm từ thiện chỉ để nhận lại sư tri ân của cấp lãnh đạo hay của người được nhận sự giúp đỡ... Nhiều người còn mong việc làm từ thiện sẽ giúp họ có chỗ đứng trong xã hội. Và, từ thiện không đáp ứng cho họ những điều ấy nên họ từ bỏ…”.
Thế nhưng, những khó khăn ấy không khiến ông nản chí. Ông cho biết: “Mỗi khi gặp người có hoàn cảnh khó khăn, niềm xúc động vẫn sống dậy trong tôi như lần đầu tôi bắt gặp một gia đình không có mái nhà để ở. Tài sản quý nhất nhất của họ chỉ là một chú chó.
Và tôi biết, tôi sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Tôi còn nhớ lần tôi đến một gia đình chỉ còn lại một bà lão đang nuôi đứa cháu ngoại trong ngôi nhà được quây bằng bao nilon. Trên bàn thờ cũ nát, bà chất đầy những di ảnh của người đã khuất. Trước khi chúng tôi đến, bà vừa mất luôn đứa con gái. Bây giờ, bà còm cõi nuôi đứa cháu ngoại. Không nghề nghiệp, ruộng vườn, ai thuê gì bà làm đó nhưng bà vẫn kiên quyết cho đứa cháu đến trường. Lúc đó, tôi chỉ biết mình phải giúp bà có một mái nhà để trú mưa, giúp bà nuôi dạy đứa cháu ngoại đến lúc cháu trưởng thành”.
Bà Liên cho biết, sau những năm đầu vấp phải khó khăn trong thủ tục hành chính, đến nay, Marc cùng Les Enfants du Dragon đã thực hiện được rất nhiều dự án thiện nguyện đầy ý nghĩa. Ngoài việc luôn trợ cấp 6 tháng một lần cho các mái ấm ở TP.HCM với số tiền không nhỏ, Les Enfants du Dragon đã xây hơn 107 nhà tình thương cho những gia đình nghèo, khó khăn, đào 51 giếng nước sạch, 8 nhà máy lọc nước sạch cho những địa phương thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, ông Marc cũng thực hiện trao học bổng, tặng xe đạp, sách vở, … cho học sinh nghèo hiếu học. Đặc biệt, trong dịp tết, ông cũng tổ chức tặng quà cho người nghèo, mua đồ chơi, nhu yếu phẩm cho các bé mồ côi trong các mái ấm.
Đến nay, dù đôi chân mang tật, tuổi đã cao lại bị căn bệnh ung thư hành hạ nhưng ông Marc De Muynck vẫn chưa một phút ngơi nghỉ trên hành trình thiện nguyện của mình. Bởi ông cho rằng, hơn cả tiền bạc, danh vọng, ông đã nhận được rất nhiều từ hành trình ấy.
Ông chia sẻ: “Phần thưởng” của tôi không nằm trên mọi sự ghi công có tính vật chất. Tôi được “trả lương” bằng nụ cười của các em bé, khi đem đến cho các em dụng cụ học tập, đồ chơi, xe đạp... Tôi được “trả lương” bằng ánh mắt long lanh vui sướng của những người được nhận từ bạn thuốc men, quần áo, thức ăn, mái nhà, … Nhiều khi tôi cũng được trả “thù lao” bằng những tiếng khóc... Nhưng đó, đó là những tiếng khóc vì hạnh phúc. Đơn giản như vậy thôi, đó chính là động lực thôi thúc tôi tiến lên, tạo cho tôi khát vọng tiếp tục sứ mệnh thiện nguyện này”.
Cám ơn tình cảm cao đẹp của “Những đứa con của rồng” Mới đây, ông Marc De Muynck cùng Les Enfants du Dragon vừa hoàn thành trung tâm đa năng nuôi dạy trẻ mồ côi tại Cần Giuộc (Long An). Trung tâm có diện tích 1.400 m2 gồm tầng trệt và hai lầu với các phòng học, phòng thư viện, trưng bày nghệ thuật, giải trí vui chơi, khám bệnh ...Trẻ mồ côi tại đây sẽ được nuôi, dạy văn hóa đến 18 tuổi. Đến tuổi trưởng thành, trung tâm sẽ tiếp tục đào tạo với hy vọng các bé sẽ có được nghề trong tay để tự quyết định tương lai. Tham dự lễ khánh thành trung tâm, ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ghi nhận, cám ơn sự đóng góp của hiệp hội Les Enfants du Dragon. Ông cho biết, ông Marc và Les Enfants du Dragon đã dành rất nhiều tình cảm cao đẹp và việc làm ý nghĩa cho trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh nói riêng và nước Việt Nam nói chung. |
Hà Nguyễn