Giờ đây, chàng thanh niên 9x đang ôm mộng mang "cần câu" đến với những người cùng cảnh ngộ.
Hẩm hiu số phận
Nguyễn Đức Hoàng sinh ra ở vùng quê nghèo khó của tỉnh Khánh Hòa. Lên 2 tuổi, Hoàng bị sốt và điều trị hơn nửa tháng tại bệnh viện. Lúc này, đôi chân Hoàng trở nên teo tóp. Bác sĩ thông báo Hoàng bị bại liệt hoàn toàn. Thương con, gia đình cầm cố hết tài sản để chạy chữa khắp đông tây y nhưng đều vô vọng.
Mặc cảm đã kéo Hoàng ra khỏi thế giới đầy màu sắc của cuộc sống thường ngày. Hoàng gần như chỉ biết đến cái không gian rộng chừng 12 m2 trong căn nhà lá xập xệ của gia đình. Thế nhưng, càng lớn, Hoàng đã nhận thức được sự việc nên cũng dần chấp nhận được sự thật.
Sự mặc cảm cũng dần tan biến trong con người của Hoàng. Rồi Hoàng cũng đi học. Nhiều năm liền, Hoàng nhận được bằng khen và luôn được thầy cô đánh giá cao về tinh thần vượt khó trong học tập.
9 năm đi học là 9 năm Hoàng phải làm bạn với xe lăn. Quãng đường dài hơn 7 km nhưng Hoàng vẫn cố gắng để đến trường. Sang lớp 10, khó khăn càng thêm chồng chất khi quãng đường ngày một dài hơn (13 km) và khó đi hơn. Gia đình nghèo lại bận bộn với công việc mưu sinh nên không thể cứ đưa Hoàng đi mãi được. Hoàng xin phép bố mẹ được nghỉ học.
Gian nan đường tìm nghề
Hoàng nghĩ mình không thể sống mãi trong cảnh ăn bám gia đình. Bố mẹ Hoàng cũng không thể cứ sống mãi để lo cho anh. Rồi tương lai của Hoàng sẽ đi đâu về đâu? Rất nhiều câu hỏi cứ dồn đập trong đầu óc của Hoàng. Điều đó đã thôi thúc Hoàng phải kiếm được cái nghề để lo cho bản thân mình.
Hoàng xin phép bố mẹ được đi học nghề. Gia đình xin cho Hoàng vào học nghề ở trung tâm sửa chữa điện tử của người quen. Thành nghề, Hoàng lại về ở với bố mẹ. Thời gian rảnh rỗi, Hoàng mang đồ điện tử trong nhà ra sửa.
Thấy thế, bà con hàng xóm ngỏ lời mang ti vi, quạt máy sang nhờ Hoàng giúp. Hơn 6 tháng làm không công, Hoàng nhận thấy cuộc sống của mình thật sự có ích. Điều này càng thôi thúc Hoàng sớm tìm ra cái nghiệp để gửi gắm tương lai.
Thời gian sau, gia đình Hoàng chuyển ra Huế để mưu sinh. Hoàng nhận thấy xu hướng dùng điện thoại di động ngày một phổ biến ở các vùng quê. "Nghề này nhẹ nhàng mà không đòi hỏi di chuyển nhiều". Nghĩ thế, Hoàng quyết định đi học nghề sửa chữa điện thoại. Hoàng xin vào học nghề ở trung tâm bên thị trấn Phú Lộc.
Lần đầu đến xin, ông chủ từ chối bởi họ sợ đôi chân què quặt của Hoàng ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Điều đó càng thôi thúc Hoàng quyết tâm hơn nữa. Đến lần đầu không được, Hoàng mạnh dạn đến lần thứ hai, rồi đến lần thứ ba. Cảm thông cho hoàn cảnh và lòng quyết tâm, cuối cùng, mong muốn của Hoàng cũng được gia chủ chấp thuận.
Hoàng ý thức được thiệt thòi của mình nên tự nhủ phải cố gắng gấp bội. Lúc nào cũng thế, Hoàng phải đi sớm về khuya. Mặc dù đi bằng xe lăn với quãng đường hơn 5 km nhưng lúc nào Hoàng cũng có mặt đầu tiên ở chỗ làm. Vốn thông minh lại ham học hỏi nên Hoàng sớm thành thạo với nghề so với bạn cùng lứa.
Những năm tháng làm ở đây, Hoàng tằn tiện để mua sắm đồ nghề. Mỗi lần một ít, Hoàng tích cóp từng tí một để chờ "thời cơ chín mùi". Thấy cậu học trò có chí và quyết tâm nên gia chủ cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ Hoàng. Cứ như vậy, sau hơn 3 năm vừa học nghề vừa làm công, Hoàng đã tích cóp được nhiều thứ để mưu dựng tương lai.
Ông chủ trẻ 9x tật nguyền
Trung tâm sửa chữa điện thoại Đức Hoàng được khai trương vào năm 2009 ở xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Vốn liếng còn hạn chế nên Hoàng vừa là "ông chủ" vừa là thợ sửa chữa. Nhiều lúc công việc dồn dập khiến Hoàng không thể cáng đáng nổi. Hoàng nhận thêm học trò. Hoàng cũng mở rộng thêm công việc kinh doanh.
Hoàng tăng thêm diện tích và buôn bán thêm nhiều loại máy điện tử khác. Thu nhập mỗi lúc một tăng. Tính ra, mỗi tháng, Hoàng thu được gần 8 triệu đồng, một con số đáng mơ ước đối với người khuyết tật.
Thời gian ra làm riêng, Hoàng đã truyền lại nghề cho không ít người. Hoàng đã giúp họ có được cái "cần câu" để xây dựng tương lai. Cũng chính Hoàng là người đem lại miếng cơm manh áo cho họ. Giờ đây, Hoàng nhận thấy mình thật sự có ích trong xã hội, đó cũng chính là niềm tự hào của Hoàng.
Võ Hữu Phúc