Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, MCK:VCR) đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 506,5 tỷ đồng, cao gấp 6 lần năm 2021. Theo đó chuyển lỗ thành có lãi trước thuế 104,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến thu về hơn 84 tỷ đồng.
Phía VCR cho biết, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh năm 2021 của VCR bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng doanh thu ở mức 82 tỷ đồng, chỉ bằng 52% kế hoạch đề ra và thua lỗ tới 7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến hết năm 2021 ở mức hơn 236 tỷ đồng, do đó công ty không phân phối lợi nhuận năm 2021.
Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của VCR đạt 6.776,2 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (4.234 tỷ đồng) và tài sản dở dang dài hạn (2.451 tỷ đồng).
Nợ phải trả của VCR đến cuối năm 2021 cũng tăng gấp 2,6 lần so với đầu năm, lên đến 4.890 tỷ đồng. Số dư nợ vay và nợ thuê tài chính của công ty này là 2.308,2 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nguồn vốn.
VCR là chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina, tọa lạc tại thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp. Hải Phòng. Dự án này có quy mô hơn 172ha, được khởi công từ tháng 11/2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.941 tỷ đồng. Gần như chỉ trông chờ vào Cát bà Amatina, Vinaconex ITC đã thua lỗ triền miên trong suốt 5 năm liên tiếp đến nay khi dự án trong giai đoạn thực hiện các thủ tục xin giấy phép.
Đáng chú ý, trước đó, hồi tháng 6/2021, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG), đơn vị nắm 23,47% vốn điều lệ của VCR đã huy động thành công 2.200 tỷ đồng từ kênh trái phiếu và dành toàn bộ số tiền này để đầu tư vào "siêu dự án" Cát Bà Amatina của VCR.
Về hoạt động đầu tư, trong năm cũ VCR đã hoàn thành thủ tục cấp đổi quyết định giao đất, cơ bản hoàn thành việc xây dựng 99/99 lô biệt thự khu A1, cơ bản hoàn thành xây dựng khu văn phòng điều hành Dự án Cát bà Amatina.
Kế hoạch cho năm 2022, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng của Dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, hoàn thiện bàn giao cho khách hàng.
Bên cạnh đó, VCR sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý của Dự án; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án, bao gồm: San, nền, hệ thống đường giao thông và cầu,…; đầu tư xây dựng các công trình nhà liền kề, biệt thự song lập trong giai đoạn 1; khởi công xây dựng khối cao tầng hỗn hợp.
Trong một động thái mới nhất, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG) đã đăng ký mua thêm 57,82 triệu cổ phiếu VCR để gia tăng tỉ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận từ ngày 31/3 đến ngày 29/4. Phương thức thực hiện là mua trực tiếp của các cổ đông, không thực hiện chào mua công khai.
Hiện tại, Vinaconex đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,28 triệu cổ phiếu VCR (tỉ lệ 23,47%). Nếu giao dịch thành công, Vinaconex sẽ trở thành công ty mẹ của Vinaconex ITC với tổng lượng sở hữu 107,1 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 51%).
Trên thị trường, đi ngược với kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều năm của công ty thì cổ phiếu VCR lại giữ đà tăng tương đối ổn định khi tăng tới gần 124% trong một năm trở lại đây và hiện đang giao dịch tại vùng giá 50.800 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 30/3).
Vinaconex-ICT tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà, trực thuộc Vinaconex và được thành lập với nhiệm vụ thực hiện đầu tư dự án Cát Bà Amatina nằm tại vịnh Cái Giá, đảo Cát Bà, Tp. Hải Phòng.
Đơn vị này được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCR chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ ngày 10/5/2010 và hủy niêm yết vào ngày 5/5/2020. VCR thực hiện giao dịch tại hệ thống UPCoM từ ngày 10/5/2020 sau đó.