Tiếp bước nghề làm gạch của gia đình, có lẽ ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) vào thời điểm ban đầu cũng không thể ngờ rằng thương hiệu gạch Đồng Tâm do cha ông sáng lập lại lớn mạnh như ngày hôm nay.
Được thành lập năm 2002, Công ty CP Đồng Tâm (DTG) cho tới nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trang trí nội thất hàng đầu Việt Nam.
Kết thúc quý II/2016, tổng tài sản của DTG đạt 3.440 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương là 294 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 972 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vốn điều lệ: 681 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, DTG đạt tổng doanh thu 789 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng. Cả năm 2015, tập đoàn của doanh nhân sinh năm 1967 báo lãi sau thuế 279 tỷ đồng, tăng tới 58% so với năm 2014. Tương đương lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 4.414 đồng.
Tại Đồng Tâm, quyền lực của bầu Thắng gần như là tuyệt đối. Tính tới cuối quý II/2016, ông đang sở hữu 32,3 triệu cổ phần DTG, tương đương tỷ lệ sở hữu 47,4%, con trai ông – ông Võ Quốc Lợi nắm 4,9 triệu cổ phần (7,2%); anh ruột là ông Võ Văn Khuyến có 9,9 triệu cổ phần DTG (14,52%). Ông Khuyến cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT DTG.
Ngoài ra, một người anh ruột và chị ruột khác của ông Thắng cũng có cổ phần tại DTG (0,38 triệu cp – 0,56%). Như vậy, tổng cộng bầu Thắng và người nhà nắm 47,4 triệu cổ phần DTG, tương đương tỷ lệ sở hữu 69,66% doanh nghiệp này.
Bởi chưa niêm yết, nên không thể biết chính xác thị giá của khối lượng cổ phần trên. Song với tình hình kinh doanh khả quan của Đồng Tâm, một khi được giao dịch trên sàn chứng khoán, thị giá của số cổ phiếu mà bầu Thắng cùng người nhà đang nắm giữ hoàn toàn có thể vượt xa khoản vốn góp trị giá 474 tỷ đồng.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bầu Thắng còn được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank – KLB).
Tháng 4/2013, bầu Thắng bất ngờ được Đại hội đồng cổ đông thường niên KLB bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Phát Minh. Mặc dù ông Thắng không sở hữu cổ phần nào, song con trai ông là ông Võ Quốc Lợi đang nắm 14,05 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,68% tại nhà băng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này.
Có một điểm đáng lưu ý là thành viên HĐQT KLB ông Phạm Trần Duy Huyền, hiện đang nắm 14,2 triệu cổ phần KLB (4,72%). Ông Huyền được liệt kê là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.
Như vậy, ông Thắng và người có liên quan đang nắm 28,25 triệu cổ phiếu tại KienLongBank, đồng nghĩa với việc giữ 9,6% quyền chi phối tại nhà băng này.
Tuy nhiên không như Tập đoàn Đồng Tâm, tình hình kinh doanh của KienLongBank đi xuống đáng kể trong thời gian qua.
Quý III/2016, KLB bất ngờ báo lỗ sau thuế 8,9 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, nhà băng này chỉ lãi 15,8 tỷ đồng, bằng 1/10 cùng kỳ năm ngoái (145 tỷ đồng). Được biết kế hoạch lợi nhuận mà ông Võ Quốc Thắng cùng các cộng sự đặt ra cho cả năm nay là 300 tỷ đồng.
Cũng bởi chưa niêm yết, nên không biết chính xác thị giá hiện nay của KLB. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu KLB tính tới cuối quý III/2016 (= vốn chủ sở hữu/ số cổ phiếu lưu hành) là 10.850 đồng. Nếu theo mức giá này, bầu Thắng và những người liên quan đang nắm giữ số tài sản khoảng 300 tỷ đồng tại KienLongBank.
Ông Nguyễn Quốc Thắng được gọi là “bầu” bởi sự đam mê bóng đá và những công sức, tiền bạc ông bỏ ra cho CLB Long An (tiền thân là CLB Gạch Đồng Tâm Long An). Hiện nay mặc dù không còn giữ chức chủ tịch CLB, song ông Thắng vẫn được coi là người đứng sau và là ông chủ thực sự của đội bóng này.
Sau sự cố “cầu thủ đứng im” trong trận đấu giữa CLB TP. HCM và Long An tối ngày 19-2, bầu Thắng – người đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF (đơn vị điều hành V.League) – khẳng định hành động của Long An là không thể chấp nhận được, mặc dù rất đau xót nhưng đề nghị xứ lý nghiêm khắc sai phạm của đội bóng này trong sự cố trên.
Nghi Điền