Bị khởi tố hai tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 188 và Điều 221 Bộ luật Hình sự, bị can Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) đã bỏ trốn từ ngày 9/5/2019.
Hiện cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với bị can này. Chỗ ở bị can trước khi trốn: Phòng W2107&08, Chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trước đó, ngày 14/5, C03 ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm về hai tội danh nêu trên.
Bước đầu, Cơ quan CSĐT bộ Công an xác định Bùi Quang Huy và một số người đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia; đã lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỉ đồng doanh thu.
Trước thông tin trên, Luật sư Diệp Năng Bình – Giám đốc Công ty Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can theo đúng quy định của pháp luật, nhưng theo thông tin từ Công an thì hiện bị can Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, có hai tình huống có thể xảy ra:
Một là, khi tiến hành thi hành lệnh bắt tạm giam không có sự hiện diện của ông chủ Nhật Cường tại nơi cư trú mà ông ta đã bỏ trốn trước đó. Có thể là trước hoặc trong quá trình khám xét khẩn cấp, trước giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Như vậy cần phải truy nã bị can. Việc bỏ trốn này cần làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án, cần phải điều tra xem có việc lộ thông tin để ông này bỏ trốn hay không?
Hai là, ông chủ Nhật Cường đã bị bắt tạm giam nhưng hiện nay đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ. Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của cán bộ nơi giam giữ khi để ông chủ Nhật Cường bỏ trốn. Do đó thiết nghĩ Cơ quan điều tra cần làm rõ ông chủ Nhật Cường đã bỏ trốn trong giai đoạn nào, khoảng thời gian nào để dư luận được rõ.
Với 02 tội danh Bùi Quang Huy bị khởi tố, mức án cao nhất đều là tù có thời hạn đối với mỗi tội danh là 20 năm. Như vậy tổng hợp hình phạt đối với mức hình phạt tù cao nhất không quá 30 năm. Việc bị can bỏ trốn, gây khó khăn cho cơ quan điều tra sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng trong quá trình đưa vụ án ra xét xử.
Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.
Cụ thể, những đối tượng bị truy nã được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC như sau: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; Người bị kết án tử hình bỏ trốn; Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết thêm, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Đối với trường hợp của ông chủ Nhật Cường, Cơ quan điều tra có thể ban hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đều phù hợp với quy định của pháp luật.