Như trong bài báo Người đưa tin đăng tải kỳ trước, ngoài hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô, Trường Hải còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư và xây dựng địa ốc. Thậm chí, doanh nghiệp này còn rất lấy làm tin tưởng khi cho rằng “đây cũng chính là hướng phát triển mới của THACO, tham gia thử nghiệm kinh doanh địa ốc, từng bước thực hiện chiến lược phát triển THACO thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN”.
Ông Trần Bá Dương
Báo cáo tài chính năm 2012 của doanh nghiệp thể hiện Trường Hải đã chi “cực đậm” cho “hướng phát triển” này. Con số sơ bộ lên tới gần 3000 tỷ đồng, gồm các khoản góp vốn mua cổ phần các dự án địa ốc cũng như đầu tư mở mới hàng loạt showroom, trung tâm thương mại. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang hấp hối, giá nhà đất rơi tự do chưa biết khi nào hồi phục, động thái “bắt đáy” mạnh tay của nhà đầu tư tay ngang này khiến nhiều người khâm phục.
Có thể kể tên một số dự án của Trường Hải trong năm qua.
Đáng kể nhất có thể nói là khoản 909 tỷ đồng để sở hữu 30% Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Đại Quang Minh đang có dự án khu dân cư rộng 37,15 ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.HCM. Cuối tháng 4 vừa rồi, ngay sau khi Trường Hải thông báo quyết định từ nhiệm tổng giám đốc của ông Trần Bá Dương, nhiều phóng viên ghi nhận việc ông Dương xuất hiện tại một sự kiện ở TP.HCM với tư cách là tổng giám đốc của Đại Quang Minh.
Số tiền khác, “khủng hơn nhiều” được Trường Hải rót vào Công ty CP Đầu tư Mai Linh. Khoản mục tạm ứng mua cổ phần trong thương vụ này đã lên tới 1.102 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Mai Linh chính là chủ đầu tư dự án Golden Palace trên đường Mễ Trì, Hà Nội.
Ngoài 2.011 tỷ mua cổ phần của Đại Quang Minh và Mai Linh, Trường Hải còn cho hai doanh nghiệp này vay 336 tỷ đồng gọi là hỗ trợ vốn kinh doanh tạm thời. Như vậy, riêng hai thương vụ này đã ngốn mất của công ty ô tô hàng đầu Việt Nam 2.347 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm qua Trường Hải còn tạm ứng 100 tỷ cho ông Bùi Ngọc Thành mua đất tại dự án 145 Phan Đăng Lưu, Tp.HCM; gần 10 tỷ cho ông Phùng Bá Thanh và bà Nguyễn Thị Chắt mua đất dự án Foton Hòa Bình; tròn 20 tỷ mua đất Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú; 62 tỷ cho Công ty TNHH Thăng Long để mua dự án Thăng Long Tower – 541 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.
Ngoài các dự án bất động sản đình đám kể trên, năm qua công ty ô tô này còn tưng bừng đầu tư các showroom và trung tâm thương mại. Trong đó, riêng dự án showroom tại quận 7 – Tp.Hồ Chí Minh đã ngốn mất 136 tỷ; dự án xây dựng trung tâm thương mại tại Tây Ninh ngốn mất 90 tỷ; dự án trung tâm thương mại Cần Thơ 26 tỷ; showroom Kia Đà Nẵng 29 tỷ; dự án khu dân cư Hòa Thuận (Tam Kỳ, Quảng Nam) 24 tỷ.. Tổng cộng Trường Hải đã dốc túi thêm 365 tỷ đồng cho các dự án này.
Trở lại câu chuyện xin gia hạn 1200 tỷ thuế nhập khẩu. Trường Hải lấy lý do “khó khăn đặc biệt” để xin gia hạn. Thuật ngữ này đưa ra tại Luật Quản lý thuế, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì cho đến nay cũng chưa có một định nghĩa hay hướng dẫn rõ ràng nào. Thực sự thì từ cuối năm ngoái đến nay, tồn kho ô tô tương đối lớn, nhưng đó là “khó khăn chung” của thị trường, không riêng với công ty nào. Trong khi đó, quý I năm nay doanh thu thuần của Trường Hải còn tăng hơn 350 tỷ, đặc biệt lợi nhuận tăng gấp bốn.
Nếu “đơn xin” của Trường Hải được thông qua, có thể hiểu ngân sách đã tài trợ cho doanh nghiệp này trên 70 tỷ đồng quy đổi theo lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm ở mức xấp xỉ 6% hiện nay. Về phía Trường Hải, lãi suất vay trung bình của công ty này là 11,4%.
Nếu được gia hạn 1.200 tỷ tiền thuế từ Chính phủ, công ty coi như “lãi” thêm được gần 140 tỷ.
'Vua ô tô' rót 3.000 tỷ đồng vào địa ốc hai miền. Một số dự án địa ốc của Trường Hải trong năm qua được báo cáo minh bạch. Các dự án kể trên khá đình đám với giới truyền thông. Tính ra, trong năm 2012, 'vua ô tô' đã rót khoảng 3.000 tỷ đồng vào thị trường địa ốc, một con số gây choáng váng trong bối cảnh giá nhà đất tụt dốc thê thảm. |
Hà Hương