Người “khai sơn phá thạch” của Sacombank
Xuất thân không phải từ một gia đình kinh doanh, bố là một đông y sĩ, nhà có 6 anh em, nhưng ông Đặng Văn Thành rất đam mê kinh doanh.
Từ Chủ nhiệm HTX Tín dụng Thành Công năm 1989, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng Sacombank vào 2 năm sau đó và xây dựng ngân hàng này trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Thuộc thế hệ doanh nhân đời đầu sau thời kỳ đổi mới, ông Thành nhận ra nhiều cơ hội từ thị trường còn bỏ ngỏ.
“Hồi ấy, tôi có nhiều cơ hội kinh doanh và trở thành tiên phong trong ngành khi vận hành Sacombank, đưa Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết vào năm 2006. Khi đó, nói đến niêm yết là nhắc về một cuộc chơi đẳng cấp”, ông Thành nhớ lại như chưa bao giờ ngừng tự hào về Sacombank.
Không chỉ là ngân hàng đại chúng đầu tiên tiên phong niêm yết cổ phiếu, Sacombank, dưới thời ông Thành, còn là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.
Lúc ông nhận trách nhiệm nặng nề này, Sacombank chỉ có 200.000 USD Mỹ. Khi ông rời khỏi Sacombank, ngân sách Sacombank đã đạt hơn 7 tỷ USD, năm 2012 lãi 4.000 tỷ, dự báo 2015 lãi trên cấp số nhân, với quy mô 417 chi nhánh, 9 công ty, quy mô hoạt động trên ba quốc gia, Việt Nam, Lào, Campuchia.
Sự cố tuột Sacombank vào tay người khác đã khiến ông lao tâm khổ tứ rất nhiều, vì đây là đứa con tinh thần mà ông đã dồn vào đó tình yêu và tâm lực.
Rời nhà băng, thấy tỷ USD
Buộc phải rời Sacombank, chỉ khoảng 1-2 năm sau, giới đầu tư chứng khoán lại bắt đầu thấy lại những hoạt động kinh doanh mạnh mẽ của ông Đặng Văn Thành, sôi động như những ngày trước đây.
Không chỉ tìm đến những ngành kinh doanh đầy sức hấp dẫn như nuôi bò Kobe trên Lâm Đồng, trồng chè và làm du lịch, ông Thành còn trở lại với mảng mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công.
Trong một thời gian dài, con gái ông Thành - "công chúa mía đường" Đặng Huỳnh Ức My - liên tục mua gom cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp mía đường. TTC Group cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu. Nhà ông Thành nắm giữ cổ phần chi phối ở một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn và đã sáp nhập thành công một số doanh nghiệp vào với nhau.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã thực hiện quá trình sáp nhập các công ty mía đường trong hệ thống Thành Thành Công từ nhiều năm. Đường Ninh Hòa đã được sáp nhập vào Đường Biên Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào TTC Tây Ninh.
Sau một thời gian rất dài thâu tóm gần chục công ty mía đường lớn nhỏ, tháng 7/2017, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã chính thức sáp nhập cùng CTCP Đường Biên Hòa (BHS), qua đó sở hữu 100% cổ phần của BHS.
Sau khi sáp nhập, SBT trở thành công ty lớn nhất nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước với vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước; sản lượng mía 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước.
Bên cạnh đó, Thành Thành Công cũng rất mạnh về du lịch và nông nghiệp. Tập đoàn này sở hữu hệ thống khách sạn 2 đến 4 sao, khu du lịch, resort trải dài từ Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt.
Không những thế, ông Đặng Văn Thành còn thấy vận lớn với dòng tiền ngàn tỷ đổ về, vào các doanh nghiệp của gia đình trong lĩnh vực bất động sản và cả mía đường.
LienVietPostBank thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR), nơi mà vợ và con cũng như Tập đoàn TTC nhà ông Thành nắm giữ cổ phần chi phối và bà Huỳnh Bích Ngọc (đang là phó chủ tịch thường trực).
Hai doanh nghiệp mía đường khác nhà ông Thành cũng đã có kế hoạch phát hành cả ngàn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Trên thực tế, vì lưu luyến với đứa con tinh thần của mình mà có thời điểm, ông Thành muốn quay trở lại với Sacombank, khi ông Trầm Bê thất thế. Tuy nhiên, sau đó ông đã từ bỏ ý định và thâu tóm mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), củng cố thêm vị trí số 1 trong lĩnh vực mía đường.
“Mất tình yêu mới mất phân nửa, mất uy tín mất tất cả”
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà ông Thành luôn coi trọng là công tác gìn giữ hiền tài, tái cấu trúc liên tục.
“Nhân tài có thể thuê được, nhưng hiền tài phải tự đào tạo, xây dựng từ từ. Tái cấu trúc là công việc thường xuyên của một tổ chức trong quá trình hình thành và phát triển. Nhìn nhận để tái cấu trúc thời điểm thích hợp, đừng ngại khi cái áo đã quá chật, phải tái cấu trúc cả mô hình tổ chức, chiến lược phát triển…
Từ khởi nghiệp đang bị lạm dụng nhiều, làm quá các em sinh viên mất phương hướng, rút cục chúng ta chỉ có thầy mà không có thợ. Con đường tốt nhất cho những người trẻ theo tôi nên làm thuê để trải nghiệm, rút kinh nghiệm trong quá trình tích lũy từ thành nhân tới thành tài trước, đừng nóng vội.
Thiên thời địa lợi nhân hòa, nếu muốn mưu sinh ngay, vì chén cơm manh áo dễ manh động, thủ đoạn… Nhiều doanh nhân lỗi lạc đã từng phải trải qua bao thăng trầm để đạt được đỉnh cao đó. Đây là bài học xương máu.
Còn mưu sinh gián tiếp, hòa quyện vào doanh nghiệp đó, có trách nhiệm bảo vệ đồng hành với nó, từ từ lên trưởng phòng, tổng giám đốc… đừng vội vàng mở ra tiệm này tiệm nọ, nếu dễ dàng vậy chẳng ai đi làm thợ đâu”, ông Thành chia sẻ.
Theo vị doanh nhân này, “người có tài, có chức mà không có thời thì ngồi ngáp ruồi. Có thời không có tài chỉ như trúng số. Có cả hai mà không có đức thì không được lâu”.
Trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, ông chủ của tập đoàn Thành Thành Công đúc rút kinh nghiệm: “Tôi khuyên doanh nhân trẻ lưu ý, mất tình yêu mới mất phân nửa, mất uy tín mất tất cả… Tôi từng thấy có người xuất khẩu hột vịt bọc trái cóc, xuất khẩu tôm nhét đinh vào… làm ăn gian dối vậy chỉ có chết”.
Ông Đặng Văn Thành cũng dành riêng một phần để nói về việc rèn luyện sự tự tin, hoàn thiện bản thân: “Người lãnh đạo phải thấy mình yếu lĩnh vực nào để nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện bản thân bằng một bộ máy, một ê kíp. Đừng ngại, đừng sĩ diện, vì nhân vô thập toàn”.
“Trước tôi chơi tennis, bây giờ chạy bộ ngày 5 tiếng, mặc áo mưa chạy, cảm giác mồ hôi chảy ròng ròng, đã lắm. Chạy buổi sáng riết rồi nghiền luôn, không uống nước lạnh, uống nước nóng mới đã…
Giáo sư Võ Tòng Xuân mỗi buổi sáng uống trái chanh. Tôi cũng học theo anh, khi đi khám lại, các chỉ số tốt đến ngạc nhiên. Động tác ngồi xổm mấy chục năm nay mình không làm khiến các dây chằng của mình không hoạt động. Mỗi ngày tôi đứng lên ngồi xuống đúng 20 lần, khiến cho thân hình dẻo dai hơn…”.
Từ những kinh nghiệm trên chốn thương trường, ông Thành cũng nhắc đến cả những điều cấm kỵ trong thuật lãnh đạo: “Người có tài thường có tật, tự mãn và tự phụ. Phải luôn ý thức để tự điều chỉnh mình, tự tin nhưng không tự cao.
Người lãnh đạo đừng bao giờ có tâm lý sợ thuộc cấp giỏi hơn mình, say mê công việc nhưng không say mê quyền lực”.
“Nếu có kiếp sau vẫn muốn làm doanh nhân”
Đề cập đến điều quan trọng nhất trong điều hành doanh nghiệp là phải ý thức được vai trò, sứ mạng của một doanh nhân, ông Thành nói: "Kinh doanh là sứ mệnh, không phải là quyền lợi”
“Là bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư… chỉ cần phấn đấu trở thành một người thật giỏi về chuyên môn, nhưng là chủ doanh nghiệp, bạn không chỉ phấn đấu trở thành người giỏi, mà còn phải sử dụng cả một bộ máy để hoàn thành sứ mệnh, vai trò rất nặng nề nhưng thú vị.
Nhân viên của tôi nếu trong công việc có buồn bực điều gì bỏ lá đơn xin nghỉ, đơn giản lắm. Doanh nhân thì không có nghỉ được ngày nào đâu, nếu có nghỉ thì… vô trong kia nghỉ!
Cùng ngồi một con thuyền, cùng ăn một mâm cơm, làm việc trong một tổ chức, chén trong sóng còn khua, gia đình nhỏ còn bất đồng, tổ chức bất đồng là chuyện bình thường. Nên tìm cách xử lý và thông cảm với doanh nhân, họ vất vả lắm”.
Vậy nhưng ông Thành vẫn khẳng định: “Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân”.
“Đừng tự ti làm việc nhỏ hay lớn mà quan trọng là làm tốt hay không tốt. Nhỏ thì cứ làm thật tốt để tìm cơ hội phát triển lên. Đừng tự ti làm nhỏ rồi không làm thì mất cơ hội. Không ai lớn hay trưởng thành ngay khi vừa được đẻ ra.”
Đặng Văn Thành
Lê Lan (Tổng hợp)