Ngày 8/12, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Thời hạn đình chỉ được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).
Theo tờ Zing, ông Thăng có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra, bao gồm:
(1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);
(2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước đó, vào tháng 4/2017, trong báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên; thậm chí có những vấn đề bị đánh giá là "rất nghiêm trọng".
Theo UBKTTƯ, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm điểm trách nhiệm để tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.
Trong báo cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng và dàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí giai đoạn 2009 – 2015 trong việc góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Theo đó tập đoàn này tham gia với vai trò cổ đông chiến lược đóng góp 20% cổ phần tại Oceanbank. Nhưng với sự sụp đổ của Oceanbank cùng vụ án Hà Văn Thắm, việc góp vốn vào OceanBank đã khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mất trắng 800 tỷ đồng.
Theo tờ KTĐT, trong giai đoạn ông Thăng giữ vai trò Chủ tịch HĐTV của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn này đầu tư hàng loạt dự án với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vào năm 2011, PVN đã giao cho PVC - công ty con làm tổng thầu EPC công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn đầu tư “khủng” lên tới 34.295 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Và cũng chính việc chỉ định gói thầu này đã được UBKT TƯ chỉ ra vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi PVC “vung tiền” đầu tư kém hiệu quả, thì PVN phải xoay sở, thu xếp nguồn tài chính cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Đến tháng 8/2013, PVN ký được hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số tổ chức tín dụng khác tổng số 226 triệu USD. Đến tháng 12/2013, PVN lại vay tiếp các tổ chức tín dụng quốc tế được 795,25 triệu USD… Nhờ đó, dự án nhiệt diện Thái Bình 2 đã có nguồn tài chính để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Bên cạnh đó, dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng cũng là minh chứng rõ nhất cho những sai lầm trong điều hành, chỉ đạo, phê duyệt dự án đầu tư của ông Đinh La Thăng thời còn làm lãnh đạo tập đoàn Dầu khí. Tại dự án này, việc thua lỗ có phần trách nhiệm của Vũ Đình Duy – người tự ý đi nước ngoài vào cuối năm ngoái, đến nay vẫn chưa có thông tin.
T. Huế (tổng hợp)