Chỉ còn 8 ngày nữa (1/1/2018), Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) sẽ hết hiệu lực, đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165, BLHS năm 1999) sẽ không còn trong Bộ luật mới kể từ ngày 1/1/2018, mà được thay thế bằng 9 tội danh mới.
Trong khi mới đây, vào ngày 19/12, ông Đinh La Thăng - Nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (sau này là hội đồng thành viên) tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban Kinh tế trung ương bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165, BLHS 1999. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu ông Thăng có được thay đổi tội danh khi luật mới có hiệu lực?
Có thể được miễn truy cứu TNHS?
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Nếu trong luật mới không còn tội danh đó thì bị can sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự".
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, miễn trách nhiệm hình sự (miễn TNHS) là một chế định được quy định trong luật hình sự Việt Nam. Trước hết để hiểu rõ nội dung của miễn TNHS cần phải làm rõ nội dung TNHS.
TNHS là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. TNHS do tòa án - nhân danh Nhà nước áp dụng và được thể hiện bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật cũng như hình phạt mà tòa án áp dụng đối với người phạm tội ghi trong bản án đó. Như vậy cơ sở của TNHS phải là hành vi phạm tội của người phạm tội và TNHS chỉ có thể do tòa án - nhân danh Nhà nước, áp dụng. Thời điểm mà người phạm tội phải chịu TNHS là thời điểm bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp bản án kết tội của tòa án có tuyên hình phạt đối với người phạm tội thì TNHS mà người phạm tội phải chịu không chỉ thể hiện ở bán án kết tội mà tòa án đã tuyên mà còn thể hiện ở việc người phạm tội phải chịu sự cưỡng chế chấp hành hình phạt, nếu họ không tự nguyện chấp hành theo quy định.
Trong những trường hợp vì những lý do đáng được khoan hồng đặc biệt, mặc dù tòa án kết tội nhưng trong bản án kết tội lại tuyên miễn hình phạt đối với người phạm tội thì TNHS mà người phạm tội phải chịu chỉ giới hạn ở phạm vi bị kết tội, tức là bị sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà người đó thực hiện thông qua bản án kết tội của tòa án.
Cơ sở của miễn TNHS cũng xuất phát từ cơ sở của TNHS, tức là hành vi phạm tội của người phạm tội, song do có những điều kiện mà luật định để có thể được miễn TNHS nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn TNHS. Như vậy, miễn TNHS chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội. Không thể miễn TNHS đối với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội.
So với quy định tại Điều 25 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 29 BLHS năm 2015 đã quy định về căn cứ miễn TNHS theo hướng chi tiết hơn và cụ thể hơn rất nhiều.
Cụ thể, khoản 1, Điều 29 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong hai căn cứ sau: Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi có quyết định đại xá. Như vậy, gặp hai trường hợp này, cơ quan tố tụng bắt buộc phải miễn TNHS cho người phạm tội.
Khoản 2, Điều 29, BLHS năm 2015 quy định người phạm tội có thể được miễn TNHS (không bắt buộc) khi có một trong ba căn cứ.
Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Thứ ba là người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Như vậy, khi gặp một trong ba trường hợp này, cơ quan tố tụng có thể được miễn TNHS cho người phạm tội.
Một trường hợp khác mà cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể miễn TNHS được quy định tại khoản 3, Điều 29, BLHS năm 2015, đó là: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
"Nếu căn cứ vào Điều 29, BLHS 2015, ông Thăng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, còn với tội danh khác thì vẫn tiếp tục giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn thêm, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0h00 ngày 1/1/2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào BLHS năm 2015, để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
Nếu sau thời điểm 0h00 ngày 1/1/2018 hành vi tội phạm mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Vẫn bị xem xét TNHS theo Bộ luật cũ
Luật sư Vũ Quang Bá - công ty Luật Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định, ông Đinh La Thăng hiện đã bị khởi tố để tiến hành điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực (trước 0h00 ngày 1/1/2018) nên sẽ vẫn bị xem xét TNHS về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165, BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Luật sư Vũ Quang Bá phân tích, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã bãi bỏ Điều 165 (BLHS 1999) về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù, Nghị quyết của Quốc hội về lùi hiệu lực BLHS 2015 có quy định về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định về việc đối với hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, BLHS 1999 xảy ra trước 0h00 ngày 1/1/2018 mà sau đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử về tội này thì người phạm tội vẫn bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định BLHS 1999.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Huy Tuấn - đoàn Luật sư TP.HCM cho hay: "Trước thời điểm BLHS 2015 chính thức có hiệu lực thì Điều 165, BLHS 1999 vẫn có hiệu lực truy tố, xét xử. Vụ án của ông Thăng đã bị điều tra, truy tố trước đó thì vẫn bị xử lý theo BLHS 1999.
Nghị quyết nêu rõ là nếu trước thời điểm BLHS 2015 chính thức có hiệu lực hoặc sau thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực mới được đưa ra xét xử mà vụ án đang được điều tra, truy tố trước đó thì vẫn phải áp dụng bộ luật cũ. Tội Cố ý làm trái nhưng không gây hậu quả, không nguy hiểm, không nghiêm trọng thì mới có thể miễn trách nhiệm hình sự".
BLHS năm 2015 thay thế tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, BLHS năm 1999 bằng 9 tội danh mới bao gồm: Tội Vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội Vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).
V.Hương