Tình huống trên diễn ra vào sáng 15/2 (30 Tết), tại khu vực phố ông đồ (Hồ Văn – Văn Miếu – Hà Nội) trước sự chứng kiến của PV.
Một ông lão khoảng 70 tuổi đến ngồi vào bàn một ông đồ để xin chữ “bình an” theo thể loại chữ Nho. Sau khi hướng dẫn khách chọn giấy, ông đồ viết chữ “Bình An” rất nhanh. Bên cạnh tờ giấy ông đồ đề tiếp chữ Văn Miếu Đường cũng thể loại chữ Nho.
Tiếp sau đó vị khách già yêu cầu ông đồ đề thêm chữ “gia đình hạnh phúc bình an” theo dạng chữ Nho, kích cỡ nhỏ bên cạnh chữ lớn. Trước yêu cầu của vị khách, ông đồ tỏ ra lúng túng. Ngay sau đó, ông đồ bất ngờ lùng trong gói đồ đạc bỏ ra một quyển từ điển Hán – Việt và mở dò chữ ngay trước mặt vị khách và người xem khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Ít phút sau khi xem từ điển ông đồ tiếp tục hoàn thiện tác phẩm với những nét chữ khá nhanh gọn cùng cái gật đầu của vị khách.
Mặc dù không nói trước mặt song một số người chứng kiến cũng không khỏi bàn tán khi cho rằng ông đồ chưa thuộc hết mặt chữ mà đã đi cho chữ.
Tuy nhiên, cũng có một số người lại có cái nhìn chia sẻ hơn: Quan trọng là cái tâm của người cho chữ. Người già đôi khi bị quên, hơn nữa chữ Nho khó ai khẳng định mình biết hết tất cả các chữ.
Trong diễn biến khác, theo quan sát vào sáng 15/2 (30 Tết) không khí xin chữ tại phố ông đồ khá tấp nập. Bên cạnh những du khách đi tham quan thì nhiều người dân Thủ đô lui tới đây với mục đích xin chữ đầu xuân. Nhiều ông đồ khá đắt hàng khi khách vào ra liên tục. Tuy nhiên, cũng có một số ông đồ trong tình trạng “phơi bút” ngồi uống nước chè.
Theo khảo sát, các ông đồ cho chữ với nhiều dạng khác nhau như: Chữ Nho, chữ Quốc ngữ... nhiều ông đồ thậm chí trưng thành tích cá nhân ngay trước lều để du khách tiện đánh giá. Sự "cảm ơn" của người xin chữ đối với các ông đồ cũng khác nhau và còn tùy thuộc vào chất liệu giấy viết.
Trao đổi với PV, một ông đồ cho hay: So với mọi năm thì năm nay lượng người đến xin chữ cũng khá đông. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thời điểm các ông đồ “hoạt động hết công suất” là vào đêm giao thừa và ngày mùng 2 Tết.
Một vài hình ảnh ghi nhận của PV:
Trước đó, vào ngày 9/2, Hội chữ xuân Mậu Tuất 2018 khai mạc tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội). Năm nay, có 63 ông đồ quần tụ về đây để bắt đầu thực hiện những tác phẩm thư pháp bằng cả chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ để người dân có thể tới tham quan, xin chữ đầu năm mới. |
N. Nam