Vụ nổ kinh hoàng rúng động làng quê
"Gia đình tôi đã cạn nước mắt rồi chú ạ", ông giáo Đính bắt đầu câu chuyện về tấn bi kịch gia đình với PV bằng những lời như thế. Cái buổi sớm sương mù lành lạnh ngày 26/12/1983 ấy, đối với ông giáo nghèo Phạm Văn Đính có lẽ là một sự ám ảnh khủng khiếp. Hôm ấy, vợ ông đang lúi húi với nồi cám lợn, hai con thơ của ông tíu tít bên mẹ, còn ông rúc trong ổ rơm ấm sực ở góc nhà. Bất chợt, một quầng lửa bùng lên, ông như bị nhấc bổng sau tiếng nổ kinh hoàng. Tỉnh lại, ông chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Vợ và 2 đứa con quằn quại trong vũng máu...
Căn nhà nơi xảy ra thảm án năm xưa.
Tiếng nổ kinh hoàng ấy đã làm rúng động làng quê Toại An vốn quanh năm yên ả, bà con chòm xóm kéo đến chật kín nhà nhưng không ai có thể giúp ông được bởi khi đó, vợ ông, bà Nguyễn Thị Yên (45 tuổi), con trai Phạm Văn Lộc (SN 1972), con gái Phạm Thị Yến (SN 1976) đều đã chết.
Tin vợ con ông giáo Đính bị giết hại bằng lựu đạn nhanh chóng loan đi khắp nơi. Công an xã Đông Kỳ, công an huyện Tứ Lộc và công an tỉnh Hải Hưng khi đó đã lập tức có mặt. Các biện pháp nghiệp vụ đều đã được áp dụng. Sau đó, cơ quan điều tra xác định kẻ thủ ác là Nguyễn Văn Ước (SN 1958), hàng xóm của ông giáo. Vì ông Đính thường xuyên đi dạy học xa nhà nên Ước nhiều lần lấn chiếm đất vườn nhà ông. Ông Đính đã nhờ chính quyền can thiệp nên hành động chiếm đất của Ước bị ngăn lại. Căm tức ông giáo, Ước đã nung nấu kế hoạch sử dụng lựu đạn để giết hại cả nhà ông. Vào thời điểm đó, Ước vốn là một thanh niên ngỗ ngược, bỏ trốn từ vùng kinh tế mới ở Đồng Nai về. Khi về quê, Ước mang theo quả lựu đạn US do ăn trộm mà có.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Ước đã thừa nhận toàn bộ hành vi tội ác của mình gây ra đối với gia đình ông giáo Đính. Kẻ thủ ác đã bị bắt giam chờ ngày đưa ra xét xử.
Lệnh tha khó hiểu?!
Oái oăm thay, sau 30 tháng giam giữ, ngày 30/6/1986, Ước được tha bổng. Làng quê ngơ ngác, gia đình ông giáo Đính bàng hoàng vì trước đó Nguyễn Văn Ước đã nhận tội giết người do thù hằn cá nhân.
Trước đó, ngày 11/2/1984, VKSND tỉnh Hải Hưng ra cáo trạng số 72, truy tố Ước về tội giết người và chuyển hồ sơ sang tòa án để xét xử. Lệnh tha Nguyễn Văn Ước do ông Bùi Xuân Mẫn, Viện phó VKSND tỉnh Hải Hưng (cũ) ký, ghi rõ: "Xét không có đủ căn cứ để kết luận Nguyễn Văn Ước ném lựu đạn vào nhà ông Phạm Văn Đính ở thôn Toại An, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Lộc, Hải Hưng ngày 26/12/1983 làm chết 3 người".
Khi ấy cả làng quê sôi sục bởi kết luận này. Họ không hiểu vì sao lại có sự thay đổi bất ngờ đến vậy. Vợ con đã vĩnh viễn ra đi, hung thủ bỗng dưng được tha về, ông giáo Đính quyết tâm đi tìm công lý. Nhưng đáp lại tiếng kêu đau đớn thảm thiết của ông giáo nghèo thấp cổ bé họng là con số 0 tròn trĩnh. "Đơn thư của tôi gửi đến các cơ quan liên quan đã lên đến 60kg giấy", ông giáo nghèo chua xót nói.
Cho đến tận bây giờ, đã 30 năm trôi qua, vụ thảm án kinh hoàng nói trên vẫn chưa làm rõ được hung thủ và có nguy cơ đi vào quên lãng bởi ông giáo Đính và các nhân chứng đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Nguyễn Văn Ước đã nhận tội nhưng cơ quan công tố lại cho rằng không đủ căn cứ để buộc tội Ước. Vậy ai là hung thủ gây ra vụ thảm án này?
Em trai ông Đính, ông Phạm Đức Lâm, người đang lưu giữ hồ sơ vụ án của gia đình anh trai.
Hành trình tuyệt vọng
Tuy đã già nhưng mỗi khi nhắc lại ngày xảy ra thảm án và hành trình đi tìm công lý của mình, ông không bỏ sót một chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. 30 năm qua, nỗi đau vẫn in hằn trên gương mặt ông. Trong suốt câu chuyện với PV, ông giáo già luôn nhắc đi nhắc lại người vợ hiền thảo, được bà con hàng xóm hết mực yêu mến, hai con nhỏ trước khi chết là học sinh giỏi, riêng cháu Lộc được chọn vào đội chuyên toán của huyện. Ông đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến cái chết tức tưởi của vợ, con. Dù đau đớn nhưng ông vẫn giữ một niềm tin, tin ở công lý, ông tin kẻ thủ ác và những kẻ đã dung túng cho tội ác nhất định sẽ phải trả giá.
Mòn mỏi, miệt mài, có những ngày ông chỉ còn tiền mua đúng một chiếc bánh mỳ, ăn cầm hơi để đi bộ từ Hà Nội về quê. Trong ký ức của ông vẫn nhớ như in chỉ trong 7 năm, ông đã 52 lần đến VKS và công an tỉnh Hải Hưng, 24 lần tìm lên các cơ quan ở Trung ương. Từ sau năm 1990, số lần ông đi gửi đơn còn nhiều đến mức không thể nhớ nổi con số cụ thể.
30 năm, vụ án chưa tìm ra hung thủ. Ngần ấy thời gian ông phải ăn chực nằm chờ để chờ cơ quan chức năng hồi đáp, sống cảnh gà trống nuôi con, tằn tiện từng đồng lương còm cõi để dành cho việc đi tìm công lý. Có những giai đoạn, 3 bố con ông đói, đói đến mức không còn gì để ăn vì có bao nhiêu tiền, ông đã dồn hết vào hành trình theo kiện. Ông bảo có những thời điểm, ông chỉ còn 35kg, nhưng ông vẫn đi...
Ông giáo già Phạm Văn Đính mỏi mòn chờ công lý cho vợ và 2 con thơ...
Công lý đang ở đâu?
Chờ anh trai nói xong, ông Phạm Đức Lâm, em trai ông Đính, cũng là một cựu giáo chức tiếp lời: "Vụ án đã khiến anh trai tôi quá đau khổ. 30 năm trời đi tìm công lý, đến giờ mắt đã mờ chân đã chậm, tai đã lãng nhưng ông vẫn kiên quyết đòi đi. Đến nay, toàn bộ những văn bản, giấy tờ liên quan đến vụ án đã được chuyển cho tôi để tiếp tục hành trình đi tìm công lý. Gia đình chúng tôi tin vào Đảng, Nhà nước và sự công minh của pháp luật. Chúng tôi tin một ngày công lý sẽ được làm sáng tỏ".
30 năm qua, đã có rất nhiều tờ báo đồng loạt lên tiếng, đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa vụ án ra trước ánh sáng. Vậy mà... Nếu Nguyễn Văn Ước không phải là kẻ thủ ác ném mìn làm chết 3 mạng người như VKSND tỉnh Hải Hưng cũ kết luận thì hung thủ là ai? Tại sao từng ấy năm rồi mà cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ thảm án? Điều này không chỉ khiến gia đình nạn nhân đau đớn mà còn "giúp" kẻ phạm tội ung dung, nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận.
Ngày 14/3/2001, sau rất nhiều lần ông Đính trực tiếp đến làm việc và gửi đơn kiến nghị, VKSND tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 183/KSĐT- TA khẳng định: "Đến nay, thời gian đã lâu, vì các cơ quan pháp luật không nhận được tình tiết nào mới có liên quan, do vậy không có căn cứ để xem xét lại vụ án". Trong văn bản gửi ông Đính, VKSND Hải Dương cũng đề cập đến việc cơ quan này đã 2 lần ra cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Ước về tội giết người nhưng không nhắc đến ngày tháng ra cáo trạng.
Trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Mẫn, nguyên Viện phó VKSND tỉnh Hải Hưng cũ, người trực tiếp ký lệnh tha Nguyễn Văn Ước cho biết, sở dĩ ông ký văn bản này vì xét thấy không đủ chứng cứ buộc tội Ước. Tuy nhiên khi được hỏi về bản cáo trạng số 72 ngày 11/2/1984 thì ông Mẫn nói không nhớ (do tuổi đã cao)!
30 năm qua, ông giáo già nuôi hy vọng rồi lại đau đớn thất vọng trước những văn bản, lời hứa rồi tất cả lại chìm vào quên lãng. Trong tiếng thở gấp gáp của tuổi già, ông giáo Đính vẫn đau đáu một điều tại sao, tại sao công lý vẫn chưa được thực thi?
Ngay sau khi Nguyễn Văn Ước được tha, dư luận và nhân dân xã Đông Kỳ, huyện Tứ Lộc (nay là xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ) hết sức bất bình. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đảng ủy, chính quyền huyện và xã, ngành giáo dục (sở GD&ĐT tỉnh Hải Hưng, phòng GD&ĐT huyện Tứ Lộc cũ) đã nhiều lần có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ án nhưng không có hồi âm... Trong cuốn nhật ký đã ố vàng, ông Phạm Văn Đính có ghi chi tiết: Nguyễn Văn Ước đã thách thức ông Đính dù có bán cả sản nghiệp đi cũng không thay đổi được điều gì. Ngày Nguyễn Văn Ước được tha về, gia đình Ước đã tổ chức liên hoan tưng bừng. |
Lại Cường