17 cuộc phẫu thuật, 2 lần ghép giác mạc
Ông Nguyễn Văn Sinh (phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) đã làm được nhiều điều không chỉ cho ông và gia đình mà còn giúp hàng chục người đồng cảnh "bước ra" khỏi bóng tối.
Hai vợ chồng là giáo viên, với hai đứa con ngoan ngoãn, cuộc sống luôn ngập tràn hạnh phúc - trong mắt mọi người, gia đình ông thực sự khiến nhiều người ước mơ. Mỗi ngày, ông lại lên lớp với công việc của một giáo viên dạy thể dục. Mái ấm nhỏ bé của ông đang yên ổn, bỗng một ngày tai họa ập đến.
Những người thân trong gia đình đã đưa ông đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng cuối cùng đôi mắt ông vẫn không thể nhìn thấy gì. Với ông và gia đình nhỏ, đó là thảm kịch của cuộc đời. Ở cái tuổi mà lẽ ra ông đã bắt đầu ổn định công việc, gia đình vậy mà cuộc đời ông rẽ ngoặt theo một hướng khác. Một trang đời đen tối, chỉ toàn bóng đêm mở ra trước tương lai của ông.
Ông Sinh tâm sự: "Là thầy giáo dạy thể dục, tôi đã quen với việc vận động. Bất chợt, tôi không thể tự đi, không thể nhìn thấy các em học sinh, nhìn thấy vợ và các con. Mỗi bước đi, mỗi hành động, tôi đều phải nhờ người giúp đỡ. Tôi chỉ mong đó chỉ là giấc mơ, tỉnh dậy tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng, nhưng đó mãi chỉ là giấc mơ. Tôi rơi vào mặc cảm, tự ti rằng mình là người ăn bám. Chỉ cần nghe loáng thoáng câu chuyện về giá thực phẩm ngoài chợ đắt, tôi lại nghĩ với đồng lương ít ỏi của một người giáo viên mầm non, làm sao vợ tôi có thể trang trải cuộc sống gia đình? Tôi thấy mình là một gánh nặng cho gia đình?".
"Những ngày sống trong bóng tối, vợ con đi làm, đi học, chiếc radio là một người bạn tâm tình bên tôi. Đó là phương tiện duy nhất giúp tôi giao tiếp với thế giới bên ngoài, cũng là "người" chia sẻ mọi nỗi niềm với tôi. Đặc biệt, tôi như bừng tỉnh khi nghe câu chuyện về một người khiếm thị bước ra khỏi mặc cảm để sống. Những tấm gương của người đồng cảnh vượt qua số phận được kể trên radio khiến tôi ngập tràn hy vọng. Tôi vẫn có thể bắt đầu lại", ông Sinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sinh hướng dẫn nghề massage cho các học sinh.
Những ngày đầu cố gắng "bước ra" khỏi bóng tối với ông quả thực không đơn giản. Bởi, mọi việc từ nhỏ nhất như rót nước, tập đi..., ông Sinh đều phải học lại từ đầu trong bóng tối. Trải qua 17 cuộc phẫu thuật, hai lần ghép giác mạc, ông đã không còn sức khỏe như nhiều người cùng lứa tuổi.
Bước ra khỏi bóng tối
Mỗi ngày, ông đều nghe đài để tìm hiểu các thông tin về nghề phù hợp với người khiếm thị. Hễ nghe ở đâu có mô hình hay, ông đều cố gắng liên lạc học hỏi kinh nghiệm. Không chịu ngồi yên, chờ cơ hội đến, ông tự đi xe ô tô về Hòa Bình học nghề làm tăm tre. Sau khi trở về, ông vay 6 triệu đồng của hội Bảo trợ Người khuyết tật, làm tăm tre bán. Lãi từ làm tăm tre được 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Số tiền không nhiều, nhưng với ông, đó là những "trái ngọt" đầu tiên do mình kiếm ra từ khi đôi mắt không còn nhìn thấy.
Năm 2009, trong lúc điều trị ở bệnh viện Mắt Trung ương, ông nghe người ta nói chuyện với nhau về lớp phục hồi chức năng của hội Người mù. Một mình, ông lọ mọ đi xe ôm đến xin đăng ký học. Ở cái tuổi 42, từ một thầy giáo gần 20 năm đứng trên bục giảng, ông lại lần sờ từng trang sách làm quen với từng chữ cái nổi. "Đi học ở cái tuổi ấy, mình cũng thấy buồn cười.
Trước đây, mình là thầy giáo đi dạy học sinh, giờ lại ngồi một chỗ học đánh vần từng chữ cái. Lúc đó, học sinh trong lớp đều là các em ở tuổi đôi mươi, tôi là học sinh nhiều tuổi nhất lớp nên được bầu làm lớp trưởng", ông hài hước chia sẻ.
Mỗi ngày, ông và các học viên khiếm thị đều phải dùng tay cảm nhận các nét chữ nổi. Nhưng vì đã có tuổi, sau mỗi buổi học, những ngón tay bị tê dại, cái đầu đau như búa bổ, ông không cảm nhận được nhiều. Không nản lòng, ngoài giờ học trên lớp, ông về nhà tự ôn. Tranh thủ sau giờ học chữ, ông còn đăng ký học massage do hội Người mù dạy. Vốn là thầy giáo dạy thể dục, có sẵn kiến thức về các huyệt đạo trên cơ thể, lại nhanh nhẹn nên chẳng mấy chốc ông đã thành thạo các thao tác. Ông còn giúp các thầy hướng dẫn học viên trong lớp các động tác massage.
Sau hơn bốn tháng học nghề, ông Sinh tốt nghiệp lớp chữ nổi với tấm bằng loại khá và bằng giỏi, nghề massage. Trở về quê hương, ông mở dịch vụ massage với mong ước có việc làm và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Những ngày đầu, khách hàng chủ yếu là nam, dần dần tiếng lành đồn xa, cơ sở massage Sinh “mù” bắt đầu "hút" khách hàng. Công an, giáo viên, kể cả bác sỹ đều là khách hàng thường xuyên của cơ sở "Sinh mù".
Ông kể, có lần một ông khách đòi thử tay nghề của ông bằng cách yêu cầu massage theo các huyệt đạo mà vị khách đọc, ông Sinh liền gật đầu đồng ý. Sau khi thực hiện các yêu cầu của vị khách "khó tính", ông mới được vị đó tự giới thiệu đó là Giám đốc bệnh viện Y học Cổ truyền TP.Sơn La. Vị khách đó muốn thử tay nghề của ông Sinh “mù” xem có như lời đồn đoán?.
Cơ sở tẩm quất của người mù đầu tiên tại phố núi của ông Sinh “mù” ngày càng đông khách. Ông phải nhờ thêm năm người bạn cùng học dưới xuôi lên giúp. Từ việc nhờ một số người bạn ở dưới xuôi lên phụ giúp, ông bắt đầu nghĩ đến việc tìm lao động cùng cảnh ngộ tại chính địa phương. Ông tự mình thuê xe ôm lặn lội đến từng nhà ở trong các huyện, bản sâu trong núi để thuyết phục các bậc phụ huynh cho con cái họ theo học massage.
Ông kể, có lần ông được nghe về cô gái bị mù ở huyện Mai Sơn (Sơn La) gia đình khó khăn. Cô bé này không thể lên nương trồng ngô, cuốc đất giúp bố mẹ được nên chẳng có chàng trai nào dám tìm hiểu. Ông lặn lội đi xe ôm về tận bản Đâu Mường, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn xin phép gia đình đón cô lên thành phố để dạy nghề. Gia đình cô bé thấy ông bị mù, lại còn bảo đón con gái họ đi làm nghề massage nên không đồng ý, cho dù ông có giải thích, đem giấy tờ chứng nhận học nghề cũng không làm họ lay chuyển.
Ba lần đến thương thuyết không thành, mỗi lần ông đến thuyết phục đều bị gia đình cô bé từ chối, không mời vào nhà, còn đuổi khéo. Người ta bảo, ông mù thì còn dạy được ai, dạy cái gì.
Không từ bỏ, ông lấy những giấy khen, hình ảnh của những nhân viên tại cửa hàng đó đem về gia đình cô bé làm "bằng chứng". Thấy sự nhiệt tình cùng với các "bằng chứng" thuyết phục, gia đình cô bé bắt đầu tin tưởng. Đích thân bố cô bé lên TP.Sơn La "thám thính" cơ sở massage của ông. Họ còn bắt ông viết giấy cam kết trước khi cho con gái họ theo học nghề này.
Đỗ Thơm - Diệp Hương