“Ông hoàng săm lốp" Casumina và thương vụ “đất vàng” đổi 20 tỷ

“Ông hoàng săm lốp" Casumina và thương vụ “đất vàng” đổi 20 tỷ

Trương Thị Thanh Hương

Trương Thị Thanh Hương

Thứ 6, 02/02/2018 15:10

Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam với thương hiệu Casumina cùng biểu tượng sư tử đỏ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, khó khăn do giá nguyên liệu cao su tăng cao cộng thêm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đã khiến kết quả kinh doanh của "ông hoàng săm lốp" này ngày càng sụt giảm.

Lợi nhuận rớt thảm nhất lịch sử niêm yết

Trái với mức tăng trưởng doanh số khá tốt trong những quý trước, quý 4/2017 đánh dấu sự sụt giảm về doanh thu của công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina, mã chứng khoán: CSM). Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới công bố, quý 4/2017 Casumina ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt gần 945 tỷ đồng, giảm 6% so với quý trước.

Đầu tư - “Ông hoàng săm lốp' Casumina và thương vụ “đất vàng” đổi 20 tỷ

Khó khăn đang bủa vây "ông hoàng săm lốp" Casumina. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, do giá vốn hầu như không thay đổi nên lãi gộp giảm tới 31% chỉ còn 121 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ mức 17,4% cùng kỳ năm trước xuống còn 12,8%. 

Quý 4, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 4,7 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tuy có giảm nhẹ nhưng trong đó, chi phí lãi vay lại tăng tới 75% lên mức 28,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ, trong đó riêng chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh tăng hơn 43 tỷ đồng do hoàn nhập quỹ khoa học công nghệ số tiền 51 tỷ đồng.

Kết thúc quý, lợi nhuận sau thuế của Casumina chỉ vỏn vẹn 4,8 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn so với mức 80,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là quý lợi nhuận CSM rớt thảm nhất kể từ ngày doanh nghiệp này lên sàn năm 2009.

Lũy kế năm 2017, CSM vẫn có mức tăng doanh số 7%, ghi nhận mức 3.517 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản giảm trừ doanh thu tăng hơn 240% lên 127,6 tỷ đồng và giá vốn hàng bán tăng 18% lên hơn 3.084 tỷ đồng.

Cùng với đó, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của Casumina chỉ còn 55 tỷ đồng, giảm tới 79% so với năm trước. So với kế hoạch doanh thu 3.304 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng đã đặt ra trước đó, năm 2017 công ty dù vượt 6% kế hoạch doanh thu nhưng mới chỉ thực hiện được 21% kế hoạch lợi nhuận.

Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam được chuyển từ công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam theo quyết định năm 2005 của bộ Công nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2017, vốn điều lệ của công ty là 1.036 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 52,9 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ.

Thực tế, kết quả kinh doanh của "ông hoàng săm lốp" Casumina đã có dấu hiệu sụt giảm từ nhiều năm trước. Từ mức 360 tỷ đồng của năm 2013, lợi nhuận sau thuế giảm dần qua các năm sau đó. Đến năm 2016, lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ còn 261 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất lốp xe các loại nên giá vốn hàng bán của Casumina phụ thuộc nhiều vào biến động giá nguyên liệu cao su đầu vào. Tuy nhiên, 5 năm gần đây là quãng thời gian giá cao su tự nhiên trên thị trường có xu hướng giảm, đặc biệt là năm 2014 và 2015 là 2 năm giá cao su tự nhiên về mức đáy thì lợi nhuận của Casumina lại không vì thế mà được cải thiện. Thậm chí lợi nhuận của doanh nghiệp này còn tiếp tục sụt giảm.

Nguyên nhân khiến tình hình của CSM đi xuống không chỉ đến hoàn toàn từ giá nguyên liệu cao su tự nhiên. Tháng 4/2014, doanh nghiệp này bắt đầu hoàn thành giai đoạn 1 dự án nhà máy sản xuất lốp radial – một loại lốp dành cho xe ô tô.

Theo đánh giá, đây là một trong những nhà máy quy mô lớn, có trình độ công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà máy đi vào hoạt động đồng nghĩa với việc Casumina phải hạch toán chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cho khoản đầu tư. Việc hạch toán này ngay lập tức ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Năm 2016, Casumina đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất lốp radial bán thép với công suất 500 nghìn chiếc/năm. Một lần nữa, chi phí khấu hao và lãi vay lại trở thành gánh nặng cho Casumina. Thêm nữa, nhà máy lốp radial đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2014 nhưng cho đến nay, sản lượng bán ra vẫn ở mức thấp, công suất hoạt động mới chỉ đạt khoảng 35% và đang hoạt động dưới công suất hòa vốn.

Thương vụ đất vàng đổi 20 tỷ

Nhắc đến "lùm xùm" của Casumina, người ta khó có thể quên được khu đất 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP.HCM) từng nằm trong danh sách 60 dự án “đất vàng” có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Đầu tư - “Ông hoàng săm lốp' Casumina và thương vụ “đất vàng” đổi 20 tỷ (Hình 2).

Khu đất 504 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP HCM. (ảnh: Tuổi trẻ)

Được biết, khu đất 504 Nguyễn Tất Thành có tổng diện tích 4.785m2 (chưa trừ lộ giới) và diện tích kho 2.171m2. Khu đất này sở hữu vị trí đắc địa khi có tới ba mặt tiền đường lớn của quận 4 là  Nguyễn Tất Thành - Tôn Thất Thuyết – Đoàn Văn Bơ và nằm ngay sát hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Kênh Tẻ. Trước năm 2015, khu đất trên được Nhà nước giao cho Casumina thuê để làm kho sản phẩm. Tuy nhiên, khu đất này ít sử dụng do tình trạng cấm xe ô tô vào thành phố.

Năm 2006, khi Casumina tiến hành cổ phần hoá, khu đất vàng trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp do là đất thuê dài hạn. Ngày 25/5/2011, UBND TP có quyết định về việc phê duyệt giá trị sử dụng đất tại mặt bằng số 504 Nguyễn Tất Thành theo giá thị trường là 85,67 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình tài chính khó khăn nên đến cuối năm 2014, doanh nghiệp vẫn chưa thể nộp tiền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tháng 1/2014, hội đồng quản trị Casumina (khi đó do ông Bùi Thế Chuyên – Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hoá chất Việt Nam Vinachem làm Chủ tịch) quyết định thoái vốn khỏi dự án 504 Nguyễn Tất Thành. Hai đơn vị đăng ký tham gia triển khai dự án tại khu đất có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố này là CTCP Địa ốc Việt (Vietcomreal) và CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Phúc.

Tuy nhiên, sau đó, Hồng Phúc đã xin rút khỏi dự án và Vietcomreal trở thành chủ đầu tư duy nhất tại 504 Nguyễn Tất Thành sau khi các bên hoàn tất việc thoái vốn. Đáng chú ý, cả hai pháp nhân trên đều do bà Nguyễn Thị Phước làm Tổng giám đốc.

Mức giá chuyển nhượng được đưa ra là hơn 20 tỷ đồng, trong đó Vietcomreal hỗ trợ cho Casumina 15 tỷ đồng chi phí di dời nhà kho và 5,14 tỷ đồng chi phí lợi thế thương mại. Con số 5,14 tỷ đồng được các bên thống nhất tính bằng 6% giá trị đất đã được thành phố phê duyệt (giá thị trường khu đất phê duyệt năm 2011 là 85,67 tỷ đồng). Các chi phí triển khai và thủ tục đầu tư đều do Vietcomreal chi trả.

Như vậy, chỉ với hơn 20 tỷ đồng, Địa ốc Việt đã “ẵm" ngay quyền đầu tư dự án Riva Park tại khu đất vàng từ công ty có vốn Nhà nước Casumina. Riva Park cũng từng được giới đầu tư chú ý đến khi cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ quyết định mua 20 căn hộ tầng 12 và 12A để đầu tư thành 1 căn penthouse.             

Ngôi vương lung lay

Ban lãnh đạo của Casumina từng chia sẻ với cổ đông, vị thế dẫn đầu ngành săm lốp của doanh nghiệp này có thể bị suy giảm do tính cạnh tranh mạnh từ các nhà sản xuất nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã và đang trở thành thách thức đối với việc duy trì sản lượng tại thị trường nội địa. Một khó khăn khác đối với Casumina là đầu ra nhóm sản phẩm lốp Radial toàn thép trước sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc cùng loại.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.