Ông hoàng thơ Haiku tại Việt Nam

Ông hoàng thơ Haiku tại Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Nhật Chiêu nói rằng “cái tài của nhà thơ viết Haiku không nằm ở việc vẽ rồng, phụng... mà vẽ những sự vật gần gũi, hiện thực mà phải vượt qua hiện thực”.

Cả đời nhà nghiên cứu, dịch giả, giảng viên văn học, nhà văn Nhật Chiêu chỉ muốn giới thiệu cho người đọc Việt Nam những “tuyệt tác kỳ thư” của nền văn chương thế giới. Một trong những thể loại thuộc về “kiệt tác kỳ thư” của thế giới mà ông chọn để giới thiệu đến độc giả Việt Nam chính là Haiku, thể thơ nhỏ gọn nhất thế giới.

Ngay ở lĩnh vực nghiên cứu, ông đã gây ấn tượng mạnh trong giới nghiên cứu văn học lúc bấy giờ với (những) công trình về thơ Haiku sau 1975. Có thể nói, sự kiện này đã gợi nên phong trào tìm hiểu rộng rãi của độc giả Việt về thể thơ ngắn và độc đáo nhất thế giới của người Nhật Bản này. Theo nhận định của nhiều đọc giả: Đó là thể thơ mà khi để nó lướt qua tâm hồn ta, ta có cảm giác như đang chạm vào thiên nhiên, chạm vào từng mùa... Đọc haiku là chạm vào hơi thở của mùa, là chạm vào hoa đào, đom đóm, lá phong, tuyết trắng ...

Xã hội - Ông hoàng thơ Haiku tại Việt Nam

Nhà văn Nhật Chiêu được đánh giá là "người tình của mọi thể tài văn chương"

Mê đắm thể thơ ngắn nhất thế giới

Nhà văn Nhật Chiêu sinh ngày 04/03/1951 trong một gia đình sống lâu đời tại Sài Gòn. Thủa nhỏ, ông học trung học tại trường Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký) từ lớp Đệ Thất tới lớp Đệ Nhất. Sau đó, ông theo học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và trở thành lớp sinh viên cuối cùng của trường này.

Theo ông cho biết, sở thích đọc sách và học văn có từ khi ông còn rất nhỏ. Những vần thơ tuyệt tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, hay Hồ Xuân Hương làm ông say đắm. Lớn hơn một chút, ông bắt đầu ý thức hơn về ngành văn học, ông định hướng cuộc đời mình sẽ lăn theo những trang văn chương của Việt Nam cũng như thế giới. Những năm học tại trường Petrus Ký, ông tìm đọc không biết mệt mỏi rất nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài, đặc biệt là tác phẩm văn học…

Sau khi thi đậu vào khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền văn học thế giới. Thời gian này, ông ham say nghiên cứu những tác phẩm của Kafka, Kawabata… Tốt nghiệp đại học, ông đi dạy một năm thì đất nước thống nhất. Sau đó, ông làm nhiều việc nhưng vẫn tập trung vào nghiên cứu văn học, đồng thời tham gia giảng dạy ở một số trường THPT.

Trong quá trình giảng dạy, Nhật Chiêu được Bộ mời tham gia biên soạn sách giáo khoa cải cách, rồi được mời về làm giảng viên tại trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Tại đây, ngoài giờ giảng dạy, ông chăm chú vào công việc soạn thảo giáo trình và đưa vào giảng dạy nhiều nền văn học mới (VH Ấn Độ, VH Nhật Bản, VH Trung Cận Đông, VH Hàn Quốc…) mà trước đó sinh viên theo ngành văn của nước ta chưa từng được học.

Bước đầu nghiên cứu, dịch và giảng dạy thơ Haiku, Nhật Chiêu luôn quan niệm: “Haiku đồng nghĩa với nghệ thuật và đạo. Đó là con đường tâm linh. Trong Haiku, các tác giả quan tâm đến tất cả động tĩnh quanh mình, dù rất nhỏ nhoi. Muốn làm được vậy, họ phải yêu quí từng giây phút sống và luôn hướng đến sự bình đẳng với vạn vật”.

Ông cho biết, thơ ca Nhật Bản bắt đầu bằng những vần thơ trữ tình gọi là Waka, toàn bài bao gồm 31 âm tiết. Vậy mà người Nhật vẫn chưa hài lòng với cái ngắn gọn của Waka. Họ phát minh thêm thể Haiku (hài cú) chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết và nó trở thành thể thơ ngắn nhất thế giới. Cái khó của thơ haiku không phải là số lượng âm tiết được qui định mà khó nhất vẫn là biểu đạt được sự tương quan giữa con người và thiên nhiên. Một bài thơ Haiku hay phải thể hiện được khoảnh khắc “độc sáng” của nhà thơ trong việc nắm bắt cuộc đời, quan sát tinh nhạy, biết cảm nghiệm đời sống đầy đủ.

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, thơ Haiku là loại thơ cực ngắn, chỉ có ba câu, mười bảy âm tiết (5-7-5) dài không quá mười hai, mười ba từ, không chấm câu, không đề. Nội dung thường hướng về thiên nhiên bốn mùa và nội tâm cá nhân. Nhỏ nhoi là vậy, thơ Haiku vẫn có thể chứa đựng “ba nghìn thế giới”. Như một thiền ngôn xưa, trong hạt cải nhỏ xíu bao hàm cả nhật nguyệt, trên đầu sợi lông dồn tụ cả càn khôn.

Nếu đọc thơ Haiku nhiều, người đọc dễ dàng nhận ra vạn vật bé nhỏ xung quanh mình khi thì chiếc lá, vỏ ốc… lúc thì con ếch, đom đóm… thậm chí cả con ruồi. (Ruồi trên nón ta ơi/hôm nay vào thành phố/thành dân Edo rồi – tác giả Issa. Edo tức Tokyo ngày nay).

Tác giả “Ba ngàn thế giới thơm” cho biết thêm: Thơ Haiku có lâu đời rồi nhưng đến thế kỷ 17, 18 mới lên đến đỉnh điểm bằng sự xuất hiện hai thi sĩ lừng danh là Basho và Issa. Basho chu du khắp nước Nhật và ông đã ghi lại những khoảng khắc nắm bắt được suốt cuộc hành trình. Bây giờ, hầu như đất nước nào trên thế giới cũng học và sáng tác thơ Haiku, kể cả người Hồi Giáo.

Giá trị của thơ Haiku có nhiều mặt khác nhau, như ở Mỹ, thơ Haiku được đưa vào nhà trường. Ở ta Haiku cũng bắt đầu được đưa vào chương trình THPT. Tất nhiên, người Mỹ muốn học sinh sáng tác thơ Haiku không phải vì Nhật mà có mục đích giúp học sinh diễn đạt nhiều ý nghĩa nhất với số lượng âm tiết ít nhất.

Xã hội - Ông hoàng thơ Haiku tại Việt Nam (Hình 2).

Nhà văn Nhật Chiêu muốn mang "kiệt tác kỳ thư" đến với độc giả Việt Nam

Thổi hồn Việt vào Haiku

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nhật Chiêu là người đầu tiên phổ biến thơ Haiku tại Việt Nam từ đầu những năm 1980 của thế kỷ trước. Và ngay từ những bản dịch đầu tiên ông đã cho đăng tải trên rất nhiều tờ báo lớn nhỏ ở nước ta. Sau đó, những cuốn sách ông viết về thơ Haiku như Basho và thơ haiku, Ban ngàn thế giới thơm… đã tạo nên phong trào sáng tác thơ haiku ở Việt Nam. Và hiện tại, ông cũng là cố vấn cho CLB thơ Haiku Việt Nam mà GS. Lưu Đức Trung làm chủ nhiệm, cũng như cố vấn cho các cuộc thi thơ Haiku mà Tổng Lãnh Sự Quán Nhật Bản tổ chức.

Có lẽ, cũng như tôi, rất nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã rất tri ân nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Nhật Chiêu, bởi ông đã mang đến cho học trò những "câu chuyện văn chương phương Đông" tuyệt đẹp.

Những ngày ấy, cứ đến tiết học văn học Nhật của thầy Chiêu là giảng đường luôn chật cứng sinh viên. Giữa cái nóng hầm hập của Sài Gòn đầu hè, giữa tiếng xe cộ ồn ã từ ngoài đường phố không ngớt dội vào, chúng tôi mơ màng về một nước Nhật cổ kính, có tuyết rơi, hoa đào, cành khô, chiều thu, ao cũ..., lặng đi trước ẩn dụ sâu thẳm gói ghém trong những bài thơ "nhỏ xíu":

Tâm sự về cách thưởng thức một tác phẩm văn học, nhà văn Nhật Chiêu cho hay, văn chương phải có cái nhìn “li kiến” tức là nhìn có khoảng cách để thoát li khỏi cái “ngã kiến”, để không bị chi phối bởi tính vị kỷ. Bởi cái “ngã kiến” là cái nhìn vị ngã, nhìn đâu cũng thấy mình, điều này không còn phù hợp với người yêu chuộng văn chương hiện đại. Và “Bí mật của văn chương không phải chỉ có cái “nghệ thuật bình dân” như người ta thường nói để phản ánh một tác phẩm dễ đọc, dễ hiểu lại mang nhiều yếu tố tích cực đối với xã hội.

Đối với ông, cái tuyệt diệu của văn chương phải có phần ẩn giấu trong đó mà con người không dễ phát hiện ra. . Song, cái gì ẩn giấu thì sẽ khó vì yêu cầu cao hơn, bắt người đọc phải tìm kiếm. Như vậy, nghệ thuật và cái đẹp có tính ẩn giấu mới tạo ra sự thú vị cho người đọc. Vì thế, người đọc phải là người đồng tác giả sáng tạo để khám phá, sáng tạo ra một nền văn chương bác học, thi vị hơn…Điều này giúp ta xóa đi những “lằn ranh” trong cuộc sống.

Nổi tiếng với loạt truyện ngắn

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã giới thiệu và dịch thuật rất nhiều những tác phẩm, tác giả lớn từ thời cổ đại đến hậu hiện đại như Apuleius của La Mã (Con lừa vàng), thơ ca Trung Cận Đông (Câu chuyện văn chương phương Đông), thơ ca Nhật Bản (Ba nghìn thế giới thơm, Basho và thơ Haiku), Tagore (Người tình của cuộc đời), Tanizaki (Tình trong bóng tối), Hoàng Chân Y và Hàn Long Vân của Triều Tiên, Emily Dickinson, Thiền và Hậu hiện đại…Không dừng lại ở đó, gần đây ông còn được nhiều người biết đến và đánh giá cao ở các sáng tác truyện ngắn như Người ăn gió và quả chuông bay đi – NXB Văn học (2007), Đi dưới mưa hồng (những mẩu chuyện nhỏ của thầy và học trò) – NXB Văn nghệ (2007), Mưa mặt lạ - NXB Văn nghệ TP. HCM (2008), Viết tên trên nước – NXB Thanh niên (2010) và Lời tiên tri của giọt sương– NXB Hội Nhà văn 2011

Đăng Văn - Trung Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.