Đến thôn Mỹ Thịnh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hỏi thăm vào nhà ông Trần Văn Thoại, người dân sống ở đây ai cũng lắc đầu, thở dài. “Cả cái làng này không ai khổ bằng gia đình ông ấy đâu, cơm không có mà ăn. Già đến 70 tuổi rồi mà vẫn phải gắng sức chăm sóc cho đứa cháu ngoại bị tật nguyền”, bác Mai, một người thân cùng xóm chia sẻ.
Ông Thoại thường xuyên thiếu gạo ăn
Ông Thoại (SN 1942) kết duyên với bà Lưu Thị Liên (SN 1944) sinh hạ được hai người con. Người con gái đầu, chị Trần Thị Huế (SN 1977), người con trai là anh Trần Thế Hoàng (SN 1979). Năm 1987 bà Liên mất, mình ông tần tảo nuôi con. Đến khi con cái của ông trưởng thành, anh Hoàng lại vào miền Nam làm ăn kiếm sống, rồi lập gia đình, ở luôn trong đó đến nay không về.
Chị Huế nhan sắc không mặn mà, nhỡ thì con gái, phải đi xin con, sinh ra cháu Trần Minh Phúc (SN 1999). Thế nhưng, chẳng may cháu Phúc lại bị bại liệt. Mỗi ngày chân tay em tong teo dần, không đi lại được. Mặc dù đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của em vẫn không khỏi.
Để có tiền nuôi con, 5 năm qua chị Huế phải lên Hà Nội rửa bát thuê, ruộng đồng ở nhà chị cho khoán đến ngày lễ Tết chị mới về. Thế nhưng tiền công cũng không được bao nhiêu. Số tiền còm ấy chị tích cóp gửi về cho hai ông cháu ở nhà. Cũng kể từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân của Phúc đều do đôi bàn tay gầy yếu của ông Thoại chăm sóc.
Lúc chúng tôi đến thăm, cũng là lúc Phúc đang nằm lả đi vì đói bởi cả ngày qua em chưa có hạt cơm nào bỏ bụng. Nhìn Phúc nằm cong queo, co ro trên giường, ăn vội những thìa cơm ông đang đút cho mà cảm thấy nghẹn đắng họng.
Ông Thoại vừa chăm cháu ăn, vừa tâm sự: “May quá, bác Vịnh hàng xóm cho bát cơm nguội chứ không biết lấy gì mà cho cháu ăn. Nó phải nhịn đói từ hôm qua đấy. Nhà tôi mấy hôm nay lại… hết gạo”.
Phúc nhìn ông rồi cười nhoẻn miệng, mồm tấm tép nhai thìa cơm ông bón một cách ngon lành. Vừa ăn em vừa đùa, vuốt ve chú mèo mướp. Tuổi thơ của là chiếc giường với chú mèo và lọ cây nhỏ mà ông Thoại đặt ngay bên cạnh. Mỗi khi nhìn qua ô cửa sổ đã bị long mất cánh, thấy đám bạn nô đùa, em chỉ muốn ra ngoài chơi cùng các bạn.
“Thi thoảng có bạn An hàng xóm muốn sang chơi cùng em, chỉ có bạn mèo là thường xuyên ở bên em thôi, anh ạ. Tối nào em cũng cho mèo ngủ cùng. Hình như bạn mèo cũng rất quý em”, Phúc cười, nói giọng ngọng nghịu.
Bên trong nhà ông Thoại không có gì đáng giá. Thứ tài sản duy nhất là chiếc đài FM cũ kĩ có thể nghe được tin tức thời sự trong ngày, ngoài ra mọi thứ đều không có giá trị. Ngày nóng, ánh nắng thoải mái rọi qua từng lỗ hổng trên mái ngói làm bên trong nhà ngột ngạt như hầm lò. Trời mưa to, nước lọt xuống kẽ hở chảy rả rích”.
Chỗ Phúc nằm ẩm thấp, mùi hôi hám xông lên nồng nặc, xung quanh tường vỡ ra từng mảng, bám bụi đầy chiếc giường cũ mục. Ông Thoại phải căng lên một tấm bạt cũ để che mưa, che nắng. Khổ nhất là vào mùa đông, chỉ có một tấm liếp rách che chắn ở vệ cửa, gió lạnh thổi vào khiến hai ông cháu nằm giường ôm nhau rét run.
“Tôi muốn đảo lại mái ngói cho đỡ dột, đỡ nắng nhưng vẫn chưa có tiền để sửa lại. Ước muốn của tôi bây giờ là có được căn nhà lành lặn cho thằng Phúc sống đỡ khổ, còn tôi thì già rồi sống sao cũng được” nén một tiếng thở dài, ông Thoại rưng rưng nói.
Đang dở câu chuyện với ông thì thấy bác Mận hàng xóm sang chơi, biết ông mấy bữa nay hết gạo, bác mang sang biếu ông ít gạo để ăn qua ngày. Cầm trên tay túi gạo của bác mang cho, ông Thoại nghẹn ngào.
Lúc này, chúng tôi chợt quay sang nhìn Phúc thì đã thấy cháu rơm rớm nước mắt. Hỏi cháu nhớ mẹ à? Em gật đầu nhẹ, rồi ngọng ngiụ “Cháu thương ông nhiều lắm”. “Giá em có thể làm bác sỹ để chữa bệnh đau cột sống cho ông, cho cả bệnh tình của em nữa”, Phúc Nói.
Số tiền trợ cấp của nhà nước dành cho Phúc là 270 nghìn đồng còn chị Huế gửi về 1,300 triệu đồng. Số tiền đó chỉ đủ chi trả cho tiền thuốc men của hai ông cháu hàng tháng. Được biết bản thân chị Huế giờ đây cũng đang mang bệnh đau dạ dày.
Để có được cái ăn, sáng chiều ông Thoại vẫn lặn lội ra mọi cánh đồng, nhặt nhạnh từng con ốc bươu vàng đem đi đổi cho các hộ gia đình, lấy gạo. “Nhiều người vẫn bảo tôi đem nó vào trại trẻ khuyết tật mà gửi, chứ nghèo đói thế này nuôi mãi sao được. Nhưng ai lại nỡ làm thế với đứa cháu ruột của mình. Dù có đói khổ mấy đi chăng nữa ông cháu tôi vẫn phải có nhau”, ông ngậm ngùi nói.
Bà Phạm Thị Thỏa, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Tây Đô cho biết: “Nhà ông Thoại thuộc diện khó khăn nhất của xã, tình cảnh rất thương tâm. Vào những ngày lễ Tết xã luôn quan tâm, động viên chia sẻ. Do ngân sách của xã hạn hẹp nên cũng chỉ giúp đỡ được phần nào, vẫn cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ông Trần Văn Thoại ở thôn Mỹ Thịnh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Quý vị cũng có thể gửi về tòa soạn Báo Đời sống & Pháp luật tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0462810837 (nhánh 24) hoặc số điện thoại đường dây nóng của chuyên mục Ước mơ thành sự thật: 0978080388. |
Thanh Tuyển