"Lão gàn" làm việc thiện
Người dân ở xã Hội An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thường gọi ông Nguyễn Văn Liêu là ông Hai Bình Liêu (ngụ ấp An Thái, xã Hội An). Ông Hai Bình Liêu nay bước sang tuổi 83, có dáng người gầy gò, nhỏ bé, với chòm râu và mái tóc bạc phơ. Thế nhưng, trong căn nhà tuềnh toàng, tiếng nói của ông vẫn sang sảng. Nhiều người dân ở xã Hội An cho biết, nhắc đến ông Hai Bình Liêu là nhắc đến một lão ông dành hơn nửa đời người đi làm việc thiện cho người khác. Khi nghe chúng tôi nhắc lại lời của người dân, ông Hai Bình Liêu hóm hỉnh chia sẻ: "Tôi không nhớ là mình đã bắt đầu công việc từ thiện này bao giờ. Chỉ biết ngay từ lúc gia đình còn khó khăn vô cùng, tôi vẫn dành những thời gian nông nhàn để sửa đường, xây cầu giúp dân".
Ông Hai bên chiếc xe lu tự chế
Khi chúng tôi vào đến xã Hội An, đi trên những con đường bằng phẳng, thẳng tắp ở đây đều có dấu ấn bàn tay của ông Hai Bình Liêu đóng góp. Ông Hai Bình Liêu cho biết thêm: "Lúc trước nhà tôi nghèo lắm, nhà không có, phải đi ở nhờ, ở đậu nhà người khác. Tôi có đến 11 đứa con, hai vợ chồng làm thuê làm mướn quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Sau nhiều năm tích cóp từ việc làm ruộng, tôi dần dần mới dư ra chút ít để lo thêm cho con cái, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Đến nay, 11 người con của tôi đã có gia đình riêng và được tôi chia đất đai cho ra riêng hết".
Hơn 20 năm nay, từ khi gia đình ông Hai Bình Liêu ổn định kinh tế, ông đã có điều kiện để tham gia vào công tác từ thiện hơn. Điều đặc biệt là ông chỉ làm một mình mà không cần ai hỗ trợ. Ông Hai Bình Liêu cười lớn nói: "Lúc trước, sau khi hết vụ mùa, tôi mới đi làm đường cho dân, vì còn phải nuôi con. Còn bây giờ không vướng bận gì hết, cứ hễ nghe đâu có cầu, đường sụt lún, ổ gà, ổ voi là tôi lại lên đường". Tuy nhiên, những nơi ông đến làm đường, người dân thấy vậy cũng đến góp công góp sức để cho công việc được nhanh hơn.
Hiện tại, thu nhập của ông chủ yếu là nhờ bán phân dơi cho các thương lái. Ông Hai Bình Liêu xây hai cái chuồng không có rào chắn, phía bên trên được buộc lá dừa khô rũ xuống làm chỗ trú ẩn của dơi. Dơi sau khi đi ăn thì kéo về đây ngủ, ở dưới đất ông trải những tấm bạt để hứng lấy phân dơi. Sau vài ngày chờ khô, ông lại hốt để trong kho chờ thương lái tới. Ông cho biết, nhờ vào số phân dơi này, mỗi tháng ông thu nhập từ năm đến sáu triệu đồng, ngoài chi tiêu ăn uống, ông không tốn khoản nào nữa nên ông dành tất cả đầu tư vào việc sửa đường, sửa cầu giúp dân.
Nhìn ông lão ngoài 80 tuổi, thỉnh thoảng lại đẩy chiếc xe cán đường tự chế đi khắp nơi sửa đường, nhiều người không khỏi cảm phục trước tấm lòng của một lão nông. Vẫn chiếc áo bà ba cũ mèm đi khắp khu vực trong xã và cả các xã lân cận. Ông còn sang cả bên tỉnh Đồng Tháp để sửa đường giúp dân.
Chuồng dơi, nguồn thu nhập chính của ông Hai
Chiếc xe lu "tự chế"
Nhiều năm đi sửa đường, sửa cầu cho dân ông Hai Bình Liêu rất cần một công cụ rà cán làm phẳng mặt đường. Chi phí để mua được công cụ như thế thì ông không thể. Trong lúc chờ đợi mỏi mòn từ sự hỗ trợ của địa phương, ông Hai Bình Liêu đã kịp "chế" ra một chiếc xe lu độc nhất vô nhị để làm công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc sửa đường.
Ông Hai Bình Liêu cho biết: "Tôi thấy thời điểm trước đây, đường chưa đổ nhựa, chỉ toàn đường đất thì miễn cưỡng không cần xe lu cũng được. Nhưng bây giờ đường nông thôn đổ nhựa hết rồi không có xe cán xuống cho chắc là sử dụng được một thời gian lại bị hư tiếp". Trước tình hình đó, ông Hai Bình Liêu ngày đêm suy nghĩ để tìm ra công cụ làm lán mặt đường. Ông lùng khắp mọi nơi để tìm được một công cụ thích hợp đủ lớn và đủ nặng để cán đường. Nhưng như vậy lại rất cực trong khâu di chuyển vì máy móc ông cũng không có tiền để sắm sửa. Dịp may đã đến, một lần ông Hai Bình Liêu được bên sui gia chỉ tới một gia đình ở xã lân cận có một ống bộng bằng sắt từ thời Pháp để lại, hiện không sử dụng. Ông Hai mừng như bắt được vàng, liền tìm sang xã bên để mua lại. Chiếc ống bộng trông không khác gì một ống cống cỡ lớn bây giờ, điều đặc biệt là nó bằng sắt và nặng vô cùng.
Theo ông Hai Bình Liêu, để đưa chiếc ống trên về nhà, ông phải thuê năm người đàn ông lực lưỡng phụ giúp. Vận chuyển ống bộng bằng sắt về tới nhà là một kì tích thời bấy giờ chỉ với những cây tre và sức người. Ông đã mua ống bộng này với giá 150 ngàn đồng. Thời gian đầu sử dụng, ông phải cùng thanh niên lăn nó bằng sức người để cán đường, rất vất vả mà lại chậm tiến độ. Sau hơn một năm dành dụm tiền bạc, ông sắm cho mình một chiếc máy kéo rồi thuê thợ hàn sắt làm một khung sắt bắt vào máy.
Thế là từ đó, khắp hang cùng ngõ hẻm xã Hội An, người dân lại thấy hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ, đội nón lá điều khiển chiếc xe lu tự chế đi cán đường khắp nơi. Cũng từ đó những tuyến đường làng ngày càng được nâng cấp hơn dưới bàn tay của một lão nông tâm huyết. Ông Hai Bình Liêu cười móm mém kể lại kỉ niệm đáng nhớ với chiếc xe tự chế này. Chuyện là lần ông sang xã nghèo ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để làm đường. Khi ông điều khiển chiếc xe lu của mình lên dốc cầu, lúc đó có một người đàn ông chở xe bánh mì đi bán dạo chạy ngược lại. Chiếc xe của ông kềnh càng mà chiếc cầu quá nhỏ, người đàn ông kia lại không chịu bóp kèn ra hiệu thế là chiếc xe bánh mì va quệt với xe ông làm đổ vài chiếc bánh mì xuống mặt cầu. Người đàn ông bán bánh mì lúc đó tức tối, mắng ông. Sau một hồi nói chuyện qua lại, người đàn ông buộc ông phải đền những chiếc bánh mì bị rớt.
Ông Hai Bình Liêu kể lại: "Lúc đó đâu phải lỗi của mình tôi đâu, nhưng dù sao cũng vì va chạm với chiếc xe của mình nên tôi đồng ý đền cho anh ta. Nghĩ cũng tức cười lắm, đi làm từ thiện mà cũng gặp phải cảnh này nữa". Nhưng câu chuyện đã có một kết thúc rất khác. Sau khi người đàn ông nhận tiền của ông Hai đi một đoạn, thì được người dân chặn lại trách móc bảo rằng sao nỡ lấy tiền của ông vì ông đi làm việc thiện. Người đàn ông lúc đó mới hiểu ra liền vội vã chạy theo ông để xin lỗi.
Từ lúc chiếc xe lu tự chế của ông Hai đưa vào sử dụng đến nay đã được gần 10 năm và những con đường nông thôn cũng nhờ thế được bằng phẳng dễ đi hơn. Cứ mỗi lần đưa xe đi sửa đường, tất cả chi phí từ xăng dầu cho đến vật liệu làm đường như đá, cát, nhựa đường, ông Hai Bình Liêu đều tự mình bỏ ra mà không hề mảy may suy nghĩ. Mỗi lần sửa đường như vậy, ít thì cũng gần một triệu đồng, cao hơn là vài ba triệu đồng nhưng niềm vui của ông Hai và của bà con nông dân lại đáng quý hơn gấp bội.
"Tôi sẽ ráng làm thêm vài năm nữa" "Nhìn bà con đi trên những con đường đẹp đẽ, bằng phẳng là tôi vui rồi", ông Hai Bình Liêu chia sẻ. Nhưng vì tuổi của ông đã cao, sức khỏe của ông đã không còn được như trước nữa nên thời gian gần đây ông ít đi làm đường hơn. Ông cho biết: “Tôi sẽ ráng thêm vài năm nữa rồi mới nghỉ hẳn”. Ông coi đây là một tâm nguyện của cuộc đời mình để góp phần vào công cuộc đổi mới xóm làng, quê hương. |
Hiến đất làm đường Không chỉ chuyên tâm làm công việc từ thiện, ông Hai Bình Liêu còn được người dân vô cùng cảm kích khi hiến 500m2 đất để làm đường, giúp bà con đi lại, chuyển giao nông sản được thuận tiện hơn. Dãy hàng rào của trường THCS Hội An bên cạnh cũng chính tay ông xây dựng để học sinh có nơi vui chơi an toàn. Bao nhiêu của cải dành dụm được ông chia đều cho con cái và đầu tư hết vào công việc từ thiện, còn ông và vợ chỉ sống trong căn nhà chòi tạm bợ xây dựng bên cạnh chuồng dơi. |
Nguyên Việt