Bí kíp "bắt" gà đất biết gáy
Nhà ông Chóng nằm ở thị trấn Na Sầm. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị ấy cũng chính là xưởng sản xuất đồ chơi dân gian của ông. Gọi đó là xưởng sản xuất thì hơi quá, nhưng thực chất đó là căn gác chật hẹp chừng 20m2 được ông Chóng tận dụng để bày biện la liệt nguyên vật liệu và những chú gà đất đã hoàn thành.
Tiếp chúng tôi, ông Chóng vừa nói chuyện nghề, vừa mân mê, tỉa tót và trang trí cho những chú gà trống bằng đất sặc sỡ của mình. Khi tôi cầm một chú gà đất lên xem, dùng tay bóp nhẹ thì thật bất ngờ là con gà phát ra tiếng kêu cục cục, túc túc như gà mẹ gọi con đến ăn mồi. Thổi vào ống kèn của con gà thì nó phát ra tiếng gáy ò ó o nghe giống y như thật.
Ông Chóng là nghệ nhân chế tác đồ chơi dân gian của dân tộc Tày
Thấy chúng tôi tò mò, ông Chóng đã không ngần ngại chia sẻ những bí quyết độc đáo để biến những hòn đất vô tri vô giác trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. "Để có được những chú gà đất biết gáy, chúng tôi phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ và tỷ mẩn", ông Chóng cho hay.
Theo ông Chóng, công đoạn đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Đó là loại đất rất quý và cực hiếm, ở Lạng Sơn chỉ có ở xã Hoàng Việt và Thanh Long (huyện Văn Lãng). Chính vì vậy, việc tìm đất cũng rất vất vả, người thợ "săn" đất phải đi men theo bờ vực chơi vơi bên vách núi, nơi có dòng suối chảy xuyên rừng thì may ra mới tìm được loại đất tốt. Khi tìm thấy đất, người ta đào sâu xuống vài mét mới lấy được đất dẻo nhất.
Đất dẻo được phơi qua nhiều ngày nắng, khi đất khô cong mới lấy về giã mịn. Giã xong, sàng lọc lấy những bụi đất mịn nhất đem trộn với nước lã và tiêp tục giã. Việc giã đất phải thực hiện liên tục trong khoảng thời gian dài, khi đất dẻo như bánh dày mới nặn được hình con gà. Sau đó, ông Chóng đem gà đất đi nung. Một nguyên tắc bất di bất dịch là nung phải đều lửa thì sản phẩm ra lò mới bền và không bị nứt.
Ông Chóng chia sẻ, công đoạn khó nhất khi làm gà đất phải kể đến việc chế tác kèn để nó có thể kêu và gáy được. Cũng theo nguyên tắc phát ra tiếng kêu từ lưỡi của con gà, ông phải làm sao để tạo ra được cái lưỡi giả giống hệt với lưỡi gà thật. Tiếp đó là sáng tạo ra bộ hơi để khiến chúng phát ra âm thanh. Đó là chiếc kèn được làm từ cây khâu rượt. Cho lưỡi gà vào trong chiếc kèn đã chế tạo xong và bỏ vào trong con gà đất. Việc phát ra âm thanh chuẩn hay không phụ thuộc vào đầu lưỡi gà. Nếu độ rỗng của con gà càng lớn thì phải lắp chiếc lưỡi gà bé lại. Người chế tác gà đất giỏi phải căn ke làm sao để chiếc kèn và chiếc lưỡi gà thật cân đối để luồng hơi phát ra khi kết hợp với lưỡi gà sẽ phát ra âm thanh giống con gà thật đang gáy nhất. Tiếp theo là khâu trang trí cho gà đất. Nghệ nhân dùng loại giấy A4 ngâm với nhựa cây khâu rượt. Giấy khi được ngâm qua nhựa cây này sẽä rất dẻo và dai, lúc chơi sẽ không bị rách nát. Độ sặc sỡ của của con gà cũng phụ thuộc vào việc nhuộm phẩm màu, đa số phẩm màu được chế từ nhựa cây từ cây kim bòng, cây trám...
Người phục dựng nghề dân gian của dân tộc Tày
Ông Chóng cho hay: "Nghề này đã có từ rất lâu đời, đó là nghề làm trò chơi dân gian của dân tộc Tày. Tôi là người may mắn được kế truyền những bí kíp cũng như kinh nghiệm chế tác những sản phẩm độc đáo này".
Ông Chóng kể lại, ngày còn bé, ông được mẹ dẫn đến các bản lân cận đi chơi hội. Khi đi qua nhà một ông cụ già, nhìn cụ ấy làm gà đất kêu cục tác, lại làm được cả mặt sư tử theo phong cách của người dân tộc, thấy ông rất tò mò và có vẻ thích thú, cụ gọi lại và cho mấy con gà đất. Sau đó cụ còn dạy ông cách làm cho những con gà đất kêu cục tác. "Ông cụ dặn là sau này ông về nơi chín suối, tôi phải giữ trò chơi này và truyền lại cho người khác nữa, không được để trò chơi thất truyền. Năm 1990 khi còn giữ chức Trưởng phòng Văn hóa huyện Văn Lãng, tôi đã làm thử gà đất rất nhiều lần nhưng đều thất bại, gà không gáy được, hoặc chỉ phát ra những âm thanh "lạc điệu", ông Chóng nhớá lại.
Một thời gian sau, ông Chóng phải đi bộ đội rồi làm công chức nên không có điều kiện thực hiện điều mong mỏi của thầy. Đến năm 2009, khi nghỉ hưu, ông lại bắt đầu dành toàn bộ thời gian để khôi phục lại trò chơi này. "Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này tôi "mổ" con gà trống để quan sát cơ chế tạo hơi và phát ra tiếng gáy. Sau một thời gian, tôi đã nghiệm ra khi áp dụng vào thực tế thì nó khác rất nhiều. Sau khi làm hỏng cả trăm con gà đất, tôi mới ngồi nghiên cứu kỹ lại và tìm ra mấu chốt vấn đề là tỷ lệ giữa ống kèn và chiếc lưỡi gà chưa cân đối nhau. Lần này tôi làm hết sức tỉ mẩn từng bộ phận và từng công đoạn nên tôi đã thành công. Đến nay tôi đã chế tác thành công những chú gà đất biết gáy và được nhận bằng khen của tỉnh trong việc gìn giữ nghề dân gian của dân tộc Tày", ông Chóng vui vẻ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là nghề lâu đời của người dân tộc Tày ở các tỉnh phía Bắc, có thể liệt những thứ đồ chơi truyền thống này vào loại "độc nhất vô nhị" của đồng bào dân tộc Tày ở Việt Nam. Trước đây cộng đồng người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đều thấy xuất hiện những trò chơi này. Người dân thường sử dụng những đồ chơi vào các dịp lễ tết, hội hè... Riêng gà đất dùng cho trẻ con chơi. Trò chơi này được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên những món đồ chơi này phải chế tác cực kỳ tỉ mỉ, công phu nên không phải ai cũng làm được, vì thế mà những đồ chơi này đã dần mai một cùng thời gian.
Ông Chóng là người nắm rõ nhất về nghề làm trò chơi dân gian của dân tộc Tày
Với sự trăn trở và tâm nguyện của thầy, ông Chóng đã quyết định phục dựng và lưu truyền bí kíp nặn gà đất biết nói cho những thế hệ sau. Chính vì sở hữu những bí kíp độc đáo và cái tâm với nghề truyền thống của người dân tộc nên cộng đồng người Tày nơi đây đã tôn ông là "nghệ nhân dân tộc".
Được biết, ngoài việc chế tác những chú gà đất, ông Chóng còn làm được mặt nạ sư tử mèo rất độc đáo và thú vị. Việc tạo ra mặt nạ những con sư tử mèo vừa đáng yêu, lại vừa đáng sợ, quả thật không phải dễ dàng. Điểm nhấn nằm ở đôi mắt và cái miệng. Đôi mắt của sư tử phải thật dữ tợn mới làm cho người ta cảm thấy sợ, còn cái miệng thì lại ngoác ra làm hở hàm răng trông thật đáng yêu. Để làm được điều đó, người nghệ nhân phải biết cách tạo hình và tạo màu thật công phu. "Mỗi năm tôi làm được gần 20 bộ mặt nạ sư tử mèo cung cấp cho các huyện để phục vụ lễ hội", ông Chóng cho hay.
Ông Chóng tâm sự: "Hiện tôi đã truyền dạy lại cách làm gà đất và mặt nạ sư tử mèo cho con trai và một đứa cháu. Sau này, tôi "hai năm mươi", hy vọng con trai và cháu tôi sẽ hoàn thành tâm nguyện của cha, ông. Niềm mong mỏi lớn nhất của tôi là chúng sẽ tiếp tục duy trì, phát triển trò chơi dân gian của dân tộc mình một cách rộng rãi".
Khi có trò chơi dân gian, trẻ con đã không chơi đồ chơi độc hại của Trung Quốc "Tôi làm những con gà đất để cho trẻ con chơi hoặc đem xuống thành phố bán kiếm tiền. Những chú gà đất biết gáy đã cuốn hút lũ trẻ, chỉ cần nhìn thấy là chúng mê mẩn, đòi mẹ mua bằng được. Từ khi có những đồ chơi dân gian này, trẻ con nơi đây đã ít chơi đồ Trung Quốc hơn", ông Chóng cho hay. |
Hoàng Thế Tào