Kỳ lạ thay, hơn 50 năm lưu lạc quê hương, lênh đênh sông nước thì có tới trên 20 năm ông âm thầm lặn tìm vớt hàng chục xác người và cứu sống hàng trăm sinh mạng thoát khỏi nỗi sợ hãi của Thủy thần. Ông là Ngô Văn Lại ở làng vạn Cổ Đô (xã Cổ Đô- Ba Vì - Hà Nội).
Tuổi thơ như con sóng dòng Đà giang
Chúng tôi tìm đến làng vạn chài Cổ Đô - nơi gia đình ông và hơn chục nóc nhà đang sinh sống nằm khép mình dưới gềnh con Voi dưới chân cầu Trung Hà. Đứng trên bờ, hỏi thăm nhà ông Lại, một chị ở làng vạn chài đon đả nói vọng từ phía đầu thuyền: "Các chú đến đây gặp ông Lại hả? Ông ấy có nhà đấy nhưng ở đây người ta thường quen gọi ông ấy là ông Thọ, Ngô Văn Thọ tên khai sinh đấy, hỏi mới dễ".
Cứ chiều về, ông Lại đứng mạn thuyền trông về cố hương.
Ánh hoàng hôn buông xuống. Những chiếc thuyền độc mộc in hằn lên mặt nước lóng lánh. Những người dân làng hàng vạn chài Cổ Đô trở về những căn nhà nổi cùng đám tôm cá kéo được sau một ngày làm việc mệt mỏi. Trong làn khói lam chiều bảng lảng, ông Lại chèo thuyền về, vui vẻ tiếp chúng tôi.
Gác lại những mệt mỏi của công việc sông nước, ông Lại kể cho chúng tôi câu chuyện cuộc đời mình. Những ký ức tuổi thơ của ông ùa về. Gương mặt người đàn ông rắn rỏi suốt cuộc đời gắn bó với Đà giang thoáng chút đăm chiêu, buồn buồn. Ông kể, năm ông tròn 7 tuổi, bố mẹ chia tay, ông ở với bố. Mấy tháng sau, bố ông đi bước nữa, ông theo cha từ Thủy Nguyên lên sống với mẹ kế ở TP. Hải Phòng. Cuộc sống dì ghẻ con chồng khắc nghiệt, thiếu hơi ấm của tình mẫu tử, ông tiêu cực, buồn nản bỏ nhà ra ga Hải Phòng chơi. "Thấy nhiều hành khách lên tàu chờ giờ chạy, sẵn đang chán nản, tôi trốn nhân viên soát vé nhà tàu vào kho chứa hàng xem nó thế nào. Khi tỉnh dậy, thấy mình bị lạc ở ga Hà Nội rồi", ông nhớ lại.
Thời gian trôi đi. Tuổi thơ của ông gắn chặt với những con sóng sông Đà, những hốc xoáy của con nước hung tợn và làm bạn với con tôm, con cá dòng Đà giang. Năm 1973, cùng chung cảnh lênh đênh sông nước, ông gặp bà Lê Thị Ngoan và nên vợ nên chồng. Ông bà có với nhau 5 mặt con, 2 con gái đã đi lấy chồng, 3 con trai đều kế nghiệp cha, lấy nghề chài lưới kiếm con tôm, con cá trên dòng Đà giang để mưu sinh.
"Mình không coi đó là một nghề"
Khi chúng tôi hỏi về lý do đến với nghề "cướp mồi" của hà bá, ông Lại trầm ngâm: Tôi chưa bao giờ nghĩ đây là nghề để kiếm cơm mà chỉ mong sao những oan hồn kia được siêu thoát, gom góp cái phúc cho con cháu sau này thôi. Nhiều năm tháng qua, người đàn ông này đã lặn vớt hàng trăm thi thể và cứu sống hàng trăm sinh mạng trên dòng Đà giang, nhưng ông, vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi vớt xác. Đó là mùa hè năm 1986, một thanh niên ở Tản Hồng (Ba Vì - Hà Nội) đi tắm chẳng may sa chân đuối nước, chưa tìm thấy xác. "Tôi hay tin dữ, cùng mấy anh em thông thạo sông nước ở làng vạn chài Cổ Đô lên cứu giúp. Qua người chứng kiến mô tả và kinh nghiệm sông nước bao năm, tôi nhận định cái xác chưa trôi đi được. Tôi lấy hơi lặn vo (không bình khí ô xi) vài ba lần xuống dòng nước thì mang được thi thể của người thanh niên xấu số kia lên bờ", ông tâm sự.
Chân dung người ông lão vớt xác trên dòng Đà giang.
Khi chúng tôi hỏi về những lần lặn ngụp trên sông tìm xác hay cứu người bị nạn, ông Lại hồi tưởng: Lần thứ 2 (cũng năm 1986) tại bến đò Tản Hồng có vụ đắm đò của HTX vận tải Tản Hồng chở khách qua sông. Trên đò có gần 30 người thì 7 người bị chết (4 nam 3 nữ), được tin ông vội vã đến tìm giúp và trục vớt được cả 7 xác người. Năm 1989, tại bến đò Phú Cường cũng xảy ra vụ đắm đò làm 20 người thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ đang mang thai, thì ông tìm thấy 19 xác, những xác còn lại trôi xuống xã Chu Minh.
Cũng năm 1989, tình cờ ông qua bến đò Phú Cường, thấy có tiếng kêu cứu chìm đò, trên đó có 34 người, thì 34 người thoát chết nhờ tài sông nước của ông. “Lúc đó trời mưa, nước lên nhanh xoáy dữ lắm, chiếc đò không sao vào bờ được. Nước thượng nguồn cứ đồ về dồn dập cùng sự hoảng loạn của những người trên đò nên con đò không giữ được thăng bằng và lật nghiêng hất mọi người xuống nước. Cũng may là gần bờ, tôi với mấy anh em đi vớt củi cùng một số người bơi thạo thả dây thừng, lưới vó kéo họ lên bờ an toàn”, ông nhớ lại. Hay vụ học sinh đuối nước ở xã Cao Xá (Phú Thọ) mất 5 ngày ròng mới thấy, hay vụ nhảy sông tự tử ở Hòa Bình và nhiều vụ khác ở huyện Ba Vì như: La Thượng, Cổ Đô, Phú Nhiêu, đều được ông cứu sống hoặc lặn tìm xác nếu chẳng may họ bị chết đuối.
Do gắn bó với sông Đà từ nhỏ nên dòng nào hung dữ, chỗ nào hiền hòa, nước nông sâu ông chỉ nhìn là biết. Kết hợp với những lần đi cứu hộ trên dòng Đà giang, ông đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm. Ông cho biết: "Mùa nắng nóng không quá 24 giờ, mùa đông ken thì 3, thậm chí 7 ngày xác người mới chịu nổi lên mặt nước. Người nhanh nổi do uống nhiều nước, xác trôi lơ lửng không thể câu được, ngâm lâu xác nhợt nhạt, mất dạng". Đưa mắt sang bà Ngoan (người vợ), ông thổ lộ: "Tôi chỉ mong không bao giờ mình phải đi làm cái nghề này và không phải chứng kiến những cảnh đau lòng nữa. Nhưng âu đó cũng là cái số con người ta do trời định chú ạ”.
Đau đáu nỗi nhớ cố hương
Quả thực, được nghe câu chuyện về ông - người con của quê hương đất cảng Hải Phòng sau hơn 50 năm lưu lạc gia đình và hơn 20 năm giúp đỡ những người gặp nạn, chúng tôi không khỏi khâm phục. Kỳ tích đó không phải người nào cũng làm được. Nó phải xuất phát từ cái tâm, tình yêu thương đồng loại và giống như cái duyên của nghề. Cái nghề mà ông nhắc đi nhắc lại rằng ông không coi đó là một nghề. Ông chỉ mong những phận người xấu số ấy sang thế giới bên kia, về với ông bà tổ tiên nhưng vẫn được về với phong tục truyền thống của người Việt có hồn có xác. Những việc làm của ông là điều thật đáng trân trọng.
Người đàn ông dũng mãnh trên sông nước, can trường chiến đấu với hà bá, giành giật sự sống cho mọi người bỗng như sập xuống khi nhớ về quê quán của mình. Ông cho biết, gần hết cuộc đời, ông luôn khao khát ý định được trở về Hải Phòng đoàn tụ cùng gia đình nhưng vẫn chưa thực hiện được. Do tuổi thơ ông thất học, không nhớ được địa chỉ cụ thể, chỉ nhớ hồi nhỏ ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), còn nhà dì hai ở TP. Hải Phòng. Chừng ấy thông tin chưa đủ để ông tìm được nguồn gốc gia đình. Nhưng chúng tôi tin một ngày nào đó, ông sẽ tìm được gia đình thực sự.
Bởi, chúng tôi cảm nhận được, ở cái tuổi gần lục tuần (SN 1953), nhưng ông đã có hơn nửa đời người sống cùng sông nước, phơi nắng dầm sương lo cho cuộc sống gia đình và làm việc nghĩa. Ông ước ao: "Giờ mà được gặp cha mẹ, dù chỉ một lần thì tôi chẳng còn phải ân hận gì nữa. Nhưng vì nhà khó khăn quá, mình chưa thể thực hiện được, nên vẫn chỉ là mong ước thôi". Nói rồi, ánh mắt ông buồn bã nhìn về phía xa xăm.
Hà Khê