Ngoài ông Nguyễn Thế Minh (67 tuổi), người ‘độc nhất’ vẽ bảng hiệu quảng cáo kèm theo những bài thơ bằng tay nằm một góc đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng còn có một ông lão tuổi đã ngoài 70, đầu đã bạc trắng vẫn luôn ngồi ở một góc ngã tư Đồng Đen-Phạm Phú Thứ (quận Tân Bình, TP.HCM) suốt hơn nửa thế kỷ để cầm cọ để vẽ những biển quảng cáo, vẽ tranh,…theo mọi yêu cầu của khách thuê.
Năng khiếu từ bé
Một buổi sáng gần cuối tuần, tôi tìm đến nơi góc ngã 4 Sài Gòn để tìm ông lão theo sự chỉ dẫn của những bác chạy xe ôm.
Hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp, một ông lão đã ngoài 70 tuổi, đầu bạc trắng, mặc một chiếc áo dính đầy màu đang lui cui pha màu vẽ tranh.
Tôi chào ông và cười, vì bận tay vẽ lỡ dở bức tranh của một người khách nên ông chỉ vội kéo ghế cho tôi ngồi và tiếp tục công việc hoàn thiện bức tranh.
Nhìn đôi bàn tay và ánh mắt của ông đang vẽ tranh tôi cảm nhận được ông là một người họa sĩ vô cùng yêu nghề. Những nét vẽ của ông điêu luyện và hút hồn.
Dáng người ông nhỏ nhắn, khuôn mặt đầy nếp nhăn, da ngâm đen vì ông phải ngồi ngoài trời và cách ăn mặc đơn giản, nhưng lúc nào ông cũng nở nụ cười lạc quan.
Tôi thầm nghĩ ở cái tuổi như ông tưởng chừng đã phải nghỉ hưu nhưng ông lão lại ngồi nơi góc ngã 4 Sài Gòn vẽ tranh và quảng cáo thuê để nuôi gia đình của mình, thật sự đáng khâm phục.
Được biết, ông lão tên là Phạm Thế Sơn năm nay đã 74 tuổi, quê ở Hưng Yên. Gia đình ông vào Sài Gòn để lập nghiệp từ năm 1954.
Vốn là có năng khiếu về vẽ nên khi 20 tuổi ông đã chọn nghề vẽ và cũng chính cái nghề vẽ ấy đã đi theo ông vào mảnh đất Sài Gòn đất chật người đông để mưu sinh.
Năm 1954, ông Sơn vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề vẽ tranh, lúc đó ông Sơn hay ngồi một góc ở ngay ngã 4 Bảy Hiền, quận Tân Bình (ngay gốc vỉa hè Bệnh viện Thống Nhất) để cho ai đến thuê vẽ bảng quảng cáo hay tranh.
Khi hỏi về những kỷ niệm với nghề cầm cọ với Sài Gòn, ông Sơn kể: "Hồi ấy cái góc mà tôi ngồi có đông người cũng làm nghề cầm cọ như tôi, vì thời đó là thời thịnh hành nhất mà. Và những người buôn bán thì đều dùng bảng quảng cáo vẽ bằng tay nên rất đông người đến thuê vẽ.
Sài Gòn lúc đó cũng nhộn nhịp, đông vui lắm. Còn bây giờ thì khác rồi chỗ ngã 4 Bảy Hiền có ai làm nghề này nữa đâu. Cái nghề này lúc bèo bọt lúc thì no đầy mà, nghề nào cũng có thời hết’.
Chỉ biết vẽ mà thôi
Vì Sài Gòn thay đổi nên ông Sơn cũng không còn ngồi ở góc Bảy Hiền nữa mà ông ngồi tại ngã 4 Đồng đen - Phạm Phú Thứ (quận Tân Bình. TP.HCM).
Đây cũng là một nơi của một người bạn cho ông ngồi nhờ. Nếu những ai đi qua chắc sẽ không nhìn thấy được ông Sơn mà phải hỏi những bác xe ôm gần đ. Bởi chỗ ông ngồi là một tiệm làm bảng quảng cáo bằng decal, kỹ thuật số,… phải nhìn thật kĩ thì mới thấy được những bức tranh được treo ngay bên một góc tường.
Do sống cùng gia đình cách ngã tư khoảng 2km, hàng ngày, vì ông Sơn muốn tập thể dục lúc tuổi già nên ông thường đi bộ chứ không nhờ các con để đưa đi.
Cũng vì tuổi già nên ông Sơn thường không ngủ được, cứ đúng 4 giờ sáng thì ông đã đến chỗ góc ngã 4 vừa nhâm nhi một ly cà phê để đợi khách.
Hiện, cái nghề vẽ bằng tay thủ công như ông Sơn đã dần bị mai một đi, bởi các cửa hàng đâu đâu cũng chuộng bảng quảng cáo bằng decal, kỹ thuật số cùng những ánh đèn led được trang trí vô cùng lung linh.
Mặc dù thế, ông Sơn vẫn không hề bỏ nghề vẽ bảng quảng cáo bằng tay hay chưa một lần chuyển nghề khác. Đối với ông Sơn thì cây cọ nó đã là đam mê và là người bạn đời của ông suốt hơn nửa đời của mình. Chưa kể, bỏ nghề thì ông cũng không biết làm gì cả, chỉ biết vẽ thôi.
Và cái nghề vẽ này nó đã là một phần gắn với ký ức tuổi trẻ đam mê cũng như là những năm tháng của nghề vẽ nơi Sài Gòn xa xưa. Hàng ngàn những bức tranh, những bảng quảng cáo mà ông đã vẽ trong suốt mấy chục năm nó cũng đã là một góc hồn của Sài Gòn.
Cứ thế dù trời nắng hay mưa lão già đầu bạc vẫn ngồi cầm cọ để vẽ bảng quảng cáo, vẽ tranh hay bất cứ những gì có thể vẽ được. Ông vẫn ngồi nơi góc ngã 4 Sài Gòn để chờ những người khách đến thuê vẽ.
Ngọc Nhiên