Thư viện có hơn 1 vạn cuốn sách quý
Có gặp, chúng tôi mới hiểu hơn được một điều rằng, những việc mà ông Lương Văn Tăng (76 tuổi, làng Bình Vọng, Văn Bình, Thường Tín Hà Nội) hàng ngày đang làm không đơn thuần chỉ là đi gom những cuốn sách ấy lại mà đối với ông và nhiều người khác thì đó chính là đang truyền đam mê đọc sách và quý sách cho các thế hệ tương lai.
Dù không ai trả công nhưng ông cùng các thành viên tronng Hội Người cao tuổi làng Bình Vọng vẫn miệt mài, cần mẫn đi gom nhặt từng cuốn sách để xây dựng thư viện thôn và luôn coi đó là trách nhiệm của mình. Có lẽ, ai đến đây cũng ngạc nhiên khi thư viện thôn có đến hơn 1 vạn cuốn sách quý.
Ông Tăng kể lại những ngày đầu ông cùng Hội Người cao tuổi thôn Bình Vọng đảm nhận công việc xây dựng thư viện của thôn: “Năm 1998, Hội người cao tuổi Trung ương có chỉ đạo cho các hội người cao tuổi tại thôn, làng tổ chức các hoạt động để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Khi đó, nhiều nơi thì lập các điểm tập dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ ca, cờ…. Còn chúng tôi, sau khi bàn đi tính lại thì nghĩ, làng Bình Vọng từ trước đến nay có truyền thống hiếu học nên chúng tôi quyết định thành lập thư viện sách.
Ngay ngày hôm sau, chúng tôi bắt tay vào công việc. Việc đầu tiên là đi gom sách ngay tại chính làng, xã của mình”.
Ông nói rằng, những người già tại làng Bình Vọng có hôm phải chia nhau ra, đạp xe đi quanh làng để vận động người dân. Dù mưa nắng họ cũng không quản ngại, họ chỉ mong cho những thế hệ trẻ sau này tiếp nối được truyền thống hiếu học bấy lâu nay. Để rồi, tiếng lành đồn xa, con em trong xã đi làm ăn xa quê cũng chung tay góp sức xây dựng tủ sách của làng.
Đến đây, chúng tôi mới hiểu được để có được "bồ tri thức" tại làng như thế này là không hề đơn giản. Những lĩnh vực sách chính trị - xã hội; sách văn học - nghệ thuật; sách khoa học - kỹ thuật; sách thiếu nhi; truyện tranh… được xếp gọn gàng, ngay ngắn trên các giá sách. Không những thế, thư viện làng Bình Vọng còn có riêng một giá sách để những cuốn sách do chính người trong làng viết.
Tranh thủ đi làm đồng về đọc sách
Cũng theo ông Tăng, dần dần người dân trong thôn cũng đã bắt đầu tìm đến với thư viện. Họ đi làm đồng về tranh thủ tạt vào thư viện đọc sách. Hay có những bà bán hàng nước ngay cần cổng chùa những lúc không có khách cũng vào đăng kí mượn sách ra đọc.
“Có nhiều người chỉ vào thư viện để đọc 30 phút một ngày nhưng ở đó họ hiểu hơn về nhiều điều và cập nhập thông tin kịp thời. Không chỉ có thế, các em nhỏ tại làng cũng chăm chỉ đến đọc sách. Thấy chúng giờ đây ham đọc sách chúng tôi cũng rất vui. Thư viện luôn mở cửa để chào đón người dân bất cứ lúc nào”, ông Tăng chia sẻ.
Mới ngày đầu thành lập thư viện chỉ có 10 cộng tác viên trong đó có vài người nghỉ hưu tham gia vào quản lý và xây dựng thư viện. Nhưng đến nay thì đã thu hút được 115 cộng tác viên, họ tình nguyện tham gia vào công việc tại thư viện sách của làng.
Bà Lương Thị Nga, một người dân tại làng Bình Vọng cho biết: “Bà bán hàng ngoài chợ nên lúc nào rảnh rỗi là lại vào đọc sách. Hàng ngày có rất nhiều người đến đây đọc sách. Chủ yếu là người cao tuổi, các cụ thì có thời gian hơn.
Các em nhỏ cũng đến đây để vui chơi và đọc sách nên thư viện sách lúc nào cũng nhộn nhịp. Chúng tôi nể phục việc làm của ông Tăng cũng như các thành viên trong Hội Người cao tuổi. Ông Tăng đúng là vì nhân dân phục vụ”.
Dù thư viện có sự đóng góp của nhiều người dân trong làng nhưng những đứa trẻ ở Bình Vọng vẫn quen gọi là "Thư viện ông Tăng". Ông Tăng cùng các cộng sự vẫn miệt mài ngày đêm bổ xung sách, báo, tài liệu cho "bồ sách" của làng.
Trao đổi với PV, ông Lương Khắc Hùng, trưởng thôn Bình Vọng cho biết: “Thư viện sách làng Bình Vọng hiện nay thu hút được nhiều người dân đến đọc. Không chỉ có vậy, những con em ở xa quê cũng thường xuyên gửi sách về tặng thư viện.
Người dân nơi đây ai cũng yêu quý và dành cho ông Tăng sự mến mộ. Ông Tăng cùng các thành viên trong Hội Người cao tuổi đã truyền đam mê đọc sách và quý sách cho nhiều thế hệ ở vùng quê Thường Tín”.
Mai Hằng