Sáng sớm, ông Lê Văn Thêm (60 tuổi) ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội vội vàng lót dạ bát cơm nguội, rồi tất bật mang vật dụng sửa chữa ra đường Thanh Niên hành nghề bơm, vá xe máy kiếm tiền sống qua ngày.
Rảnh rỗi ngồi đợi khách, ông mang đống nilon được bọc chặt trong túi sách ra rồi dùng ngón tay kéo sợi túi nilon đến khi chúng xoắn lại rồi dính chặt vào nhau. Ông bắt đầu tỉ mẩn ngồi đan những con vật với đủ loại hình thù đẹp mắt.
Mỗi khi vắng khách bơm, vá ông Thêm lại ngồi làm những con vật từ túi nilon.
Ngồi vuốt từng sợi nilon ông cho biết vốn là người sống độc thân, không vợ con. Hồi thanh niên ông theo học Trường Đại học Bách khoa nhưng bỏ dở giữa chừng rồi làm đủ thứ nghề từ mây tre đan… đến sửa chữa điện tử. Năm 2000 mắt kém thì ông chuyển sang nghề bơm vá xe đạp, xe máy. Hình ảnh ông lão ngồi trên đường Thanh Niên hành nghề bơm vá đã trở nên quen thuộc với nhiều người đi đường mỗi khi qua đây.
Để đan chặt được các sợi nilon phải luồn qua một sợi dây buộc vào chân.
Nói về việc “độc nhất” không giống ai của mình ông nói: “Gia đình tôi ngày xưa ở đây có nghề truyền thống là mây tre đan, từ những sợi mây đan thành những con vật, đồ dùng mỹ nghệ… nên tôi cũng được ông bà chỉ dạy vài đường cơ bản. Do thu nhập chẳng đáng là bao nên nghề mây tre đan dần dần mai một”.
Ngồi mê mẩn, tróc từng sợi, ông Thêm cho hay, ông làm công việc này đã được 4 năm. “Trong một lần đi dọn vệ sinh, nhặt nhiều túi nilon được sử dụng rồi vứt đi tự nhiên tôi thấy thật lãng phí và nhiều túi nilon sẽ gây ra nhiều rác thải. Trong đầu tôi chợt nghĩ sao không thử tìm cách làm cái gì đó từ thứ bỏ đi này, thế là tôi nghiên cứu mày mò đan những con vật từ sợi nilon”, ông Thêm nhớ lại.
Tỉ mẩn làm từng công đoạn.
Từ đó, ông bắt đầu nhặt những túi nilon về rửa sạch phơi khô rồi tỷ mỹ nghĩ cách chế chúng: “Vốn học qua nghề mây đan nên tôi cũng có chút kinh nghiệm, mày mò tìm cách chế. Thấy tôi ôm đống túi nilon về nhiều người cười nhạt, dèm pha bảo cái đồ phế thải này còn làm được gì nữa, chỉ tội rác nhà nhưng bỏ ngoài tai tất cả tôi tin tưởng mình sẽ làm được”.
Làm thử một lần, hai lần… rồi nhiều lần thất bại cuối cùng ông có bí quyết chế từ những túi nilon bỏ đi thành hình đủ loại con vật như rồng, trâu, dê, hổ, cá, … tuyệt đẹp.
Ông Thêm cho biết, trong tất cả các khâu làm được con vật từ túi nilon thì khâu tạo hình là khó nhất. “Công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, và kiên trì nên không phải ai cũng làm được. Nhiều người thấy tôi làm đẹp rồi đến xin học nghề nhưng làm được vài ngày thì họ đều bỏ đi vì không theo học kịp”, ông Thêm kể.
Theo ông Thêm để làm được những con vật từ túi nlion phải mất từ 2,3 ngày mới xong.
Để làm được một con vật từ túi nilon theo ông Thêm phải mất từ 2,3 ngày làm bằng tay và mất khoảng nửa lạng túi mới xong, mỗi con như vậy ông bán cho người đi đường với giá 150 nghìn đồng/con. Nhiều người đi đường tỏ ra thích thú trước những đồ vật ngộ nghĩnh được làm từ những thứ tưởng chừng như vứt đi.
Đôi tay chai sạn vì vuốt xoăn túi nilon.
Giơ hai bàn tay lên ông Thêm phân trần: “Do vuốt sợi nilon nhiều khiến các đầu ngón tay thay nhau bị đứt, nếu như đeo bao tay tuốt thì không thể làm được. Tôi đang nghĩ cách sắp tới chế ra máy vuốt sợi để không phải làm bằng đôi tay đau rát nữa”.
Nói về dự định ông Thêm cho biết muốn dùng nilon đan thành cây dáng bonsai thì sẽ tiêu thụ được nhiều túi nilon phế thải. Từ đó tận dụng được lượng lớn túi nilon, bảo vệ môi trường, tránh lượng nilon được thải ra ngày càng lớn như hiện nay.
Văn Định