Ông lão liên lạc cảm tử quân “khét tiếng” đất cố đô

Ông lão liên lạc cảm tử quân “khét tiếng” đất cố đô

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Để nói chuyện với ông, chúng tôi phải ghi những câu hỏi ra mảnh giấy.

Ở góc phố đường Bà Triệu (TP.Huế), hình ảnh một ông già 80 tuổi ngày ngày ngồi bên chiếc xích lô quay quắt ngóng khách đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông như một nốt nhạc trầm giữa cuộc sống xô bồ. Nhưng ít ai biết rằng, ông là một cậu bé liên lạc cảm tử quân ngày nào. Sau hơn 30 năm cầm súng, ông đã góp công giữ lại hình hài của tổ quốc hôm nay.

Ngày ấy, giữa cuộc chiến không cân sức, với tài trí lém lỉnh, ông đã khiến biết bao tên giặc phải “hồn xiêu phách lạc”. Cong bây giờ, cảnh gà trống oằn mình nuôi hai người con điên dại đã đeo bám cuộc đời ông. Người chúng tôi muốn nói đến là ông Bùi Hữu Trân (SN 1934).

Pháp luật - Ông lão liên lạc cảm tử quân “khét tiếng” đất cố đô

Ông Trân bên bức ảnh chụp cùng đồng đội nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn Trần Cao Vân 101.

Những cuộc đột nhập “quỷ khóc thần sầu”

Trở về đứng dưới gốc cây ven đường Bà Triệu đạp xích lô, ông Bùi Hữu Trân đã là một người đàn ông có tuổi, bước đạp đã có phần nặng nhọc. Lúc nào ông cũng phải kè kè chiếc máy trợ thính bên mình. Sau một hồi hỉ hả, vẫn không “lọt tai” một chữ tôi nói, ông bất giác đứng dậy: “Thôi, chúng ta làm việc bằng…mảnh giấy!”. Ông Trân cười nhạt rồi vào tủ mang ra vài tờ lịch cũ chìa vào tay tôi bảo cứ ghi vào đó rồi ông sẽ trả lời. Qua trang giấy ấy, cuộc đời ông được tái hiện lại như những thước phim quay chậm. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây cũng là ngày cậu bé Trừng (tức Trân, biệt danh của ông thời hoạt động cách mạng) gia nhập Trung đoàn Trần Cao Vân 101 (tiền thân của Chi đội Giải phóng quân Trần Cao Vân, thành lập ngày 5/9/1945). Với dáng người nhỏ nhắn, lém lỉnh, Trừng được Ban chỉ huy giao ngay nhiệm vụ đặc biệt là liên lạc cảm tử quân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trân nhớ lại cái ngày 01/01/1947. “Lúc ấy, anh Cẩn, Đại đội trưởng mặt trận B (thuộc Trung đoàn) gọi tôi lên giao nhiệm vụ đi điều tra xưởng sửa chữa ô tô của Pháp. Hai đêm liền, tôi lăn mình như khúc gỗ qua đường Hùng Vương và không bị một tên địch nào phát hiện. Đến nơi, tôi leo lên bờ tường và bò xung quanh nhà ở của chúng để tìm các lỗ châu mai mà chúng đặt hướng về phía ta. Sau đó, phải bí mật lắng nghe kế hoạch của chúng rồi quay về báo cáo”, ông Trân nhớ lại. Đêm 13/01/1947, được lệnh của chỉ huy, hai trung đội tự vệ và một trung đội tự vệ tiếp phòng đánh thẳng vào xưởng sửa chữa ô tô của Pháp. Quá bất ngờ, nhiều tên địch đã bị thương nặng. Số còn lại tóa hỏa bỏ chạy, vứt toàn bộ vũ khí và máy móc để thoát thân. Về đến chợ Cống, mọi người cùng nhau ăn mừng chiến thắng. Trong cuộc vui, các đồng chí không ngừng nhắc đến công lao dò thám tình hình địch của ông Trừng.

Tháng 2/1947, Pháp huy động một lực lượng lớn (cả Trung đoàn bộ binh, Trung đoàn thiết giáp và kiều dân tổng cộng hơn 1000 tên – ông Trừng nhớ lại) chiếm đóng Huế. Sau đó, chúng đánh rộng ra vùng ngoại ô thuộc các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang… Lúc bấy giờ, lực lượng quân ta ở mặt trận Trị – Thiên vẫn còn mỏng. Lương thực và đạn dược thiếu thốn trầm trọng. Trước sự yếu thế này, quân ta rất cẩn thận trong từng đường đi nước bước. Vì thế, hoạt động cảm tử quân thời gian này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông Trừng, một trong những liên lạc cảm tử lại tiếp tục đảm nhiệm một trọng trách hết sức cao cả. Ông nhận nhiệm vụ đột nhập vào đồn Triều Sơn Tây (nay thuộc huyện Hương Trà) để nắm tình hình địch. Bằng tài trí khôn ngoan, ba ngày sau, ông quay về mang theo nội dung báo cáo về cách bố trí các phòng ban, kho chứa vũ khí…trong đồn địch.

Tháng 5/1947, sau khi đóng quân tại đồn Cổ Bi (nay thuộc huyện Hương Trà), hằng ngày, địch chèo xuồng qua sông Bồ vào làng Lại Bằng để chặt tre về dựng đồn. Sau nhiều lần theo dõi, ông Trừng cùng đồng đội phát hiện, mỗi lần vào làng chúng hay hãm hiếp một cô gái 17 tuổi. Chờ địch đi khỏi, cậu bé tìm đến nhà “dọa” đứa em trai của cô gái này: “Chị mày ngủ với Tây là theo Tây. Mà theo Tây là bán nước. Nếu mày lấy được khẩu súng trên người nó thì chị mày sẽ không phải lấy Tây. Chị sẽ ở lại với mày”. Cậu bé nghe thế, sợ mất chị, ngay trong đêm đó nó lẻn lấy được khẩu súng Côn của tên giặc rồi bỏ xuống giếng. Gặp lại ông, cậu bé khoe: “Em cũng có khẩu súng giống như anh.”. Ông Trừng bất ngờ, hỏi lại: “Làm sao mày có khẩu súng giống như tao được!”. Thằng bé nằng nặc: “Có. Em lấy trộm của thằng Tây”.

Đến chỗ chiếc giếng, ông Trừng lặn xuống giếng lấy lên được khẩu súng Côn thật. Có thêm súng, Trừng cùng đồng đội tổ chức phục kích tóm lính hai bên bờ sông. Tóa hỏa, địch vứt lại vũ khí rồi bơi loạn xạ thoát thân. “Sau trận đó, ta lấy thêm được năm khẩu súng, còn thằng Tây hãm hiếp cô gái thì bị cấp trên của nó kỷ luật cho về nước vì tội làm mất súng”, ông Trân vừa kể vừa cười.

Pháp luật - Ông lão liên lạc cảm tử quân “khét tiếng” đất cố đô (Hình 2).

Tất bật mưu sinh giữa thời bình.

Ông già đạp xích lô nuôi hai con tâm thần

Hòa bình lập lại, ông Trân cùng vợ là Nguyễn Thị Vân (SN 1937), một người con gái Tây Hồ, Từ Liêm (Hà Nội) và ba đứa con trở về Huế. Cuộc sống nghèo khó, cô con gái út phải đi làm con nuôi cho một gia đình ở Hà Đông (Hà Nội). Vợ ông sau thời gian lâm bệnh nặng đã mất năm 2004. Bà ra đi bỏ lại ông và hai người con mắc bệnh tâm thần. Ai đến nhà ông sẽ chứng kiến cảnh cửa nhà khóa trái. Bên trong, hai con người không thôi chỉ chỏ, cười nói vô hồn.

Hằng ngày, để nuôi sống hai đứa con ngây ngây, dại dại, ông Trân phải tất tả cùng chiếc xích lô oằn mình trên những chặng đường mưu sinh. Khi chúng tôi hỏi về thu nhập, ông bùi ngùi: “Nhiều khi ba ngày chẳng được một hào. Có ngày tôi kiếm vài chục đến 100 ngàn. Mình làm theo nhu cầu, người ta kêu đâu mình đi đó”. Đợi một hồi, vẫn không thấy khách, ông lục lọi dưới nệm xích lô mang ra bài thơ “Mạ của con”, ngâm nga vài câu: “Tuổi hai mươi con đi đánh giặc/ Hai mươi chín năm rồi xa cách Huế thân thương/ Buổi tối một mùa thu 1946/ Súng nổ khắp thành phố Huế/ Con nhập vào trung đoàn Trần Cao Vân/ Chiến đấu cho Tổ Quốc non sông/ Với một tấm lòng quyết tử/ Xin mạ tha thứ cho con…".

Nói chuyện với chúng tôi, ông Trân hoài nhớ xa xăm: “Bài thơ “Mạ của con” tôi làm tháng 4/1975. Khi ấy, nhiều nơi lần lượt giải phóng nhưng tôi vẫn chưa về thăm mẹ được. Tôi phải hoàn thành nốt nhiệm vụ cấp trên giao đến ngày toàn thắng. Nhớ mẹ, tôi viết bài thơ này gửi về nhà. Đó là một trong số cả trăm bài thơ mà ông từng sáng tác trong thời chiến lẫn thời bình. Ngày trước ông viết về đồng đội, cổ vũ tinh thần đánh giặc… Bây giờ, ông viết về gia đình, cuộc đời, xã hội…Đang nói chuyện với chúng tôi thì có khách đến nhờ chở hàng. Ông thoắt tay lắp ghép giàn sắt bốn phía thật chắc trên chiếc xích lô tuềnh toàng trước khi bỏ hàng lên xe. Chuyến hàng hôm nay ông nhận là hai khung sắt cỡ lớn. Cột buộc xong xuôi, ông lại phải hỉ hả một hồi với khách mới biết chính xác địa điểm đưa hàng đến.

Trên chuyến hàng cồng kềnh, nặng nề, giữa dòng người tấp nập, ông thương binh già vẫn cố vin theo từng vòng quay nằng nặng của chiếc xích lô cũ kỹ…

Tiêu Sơn – Loan Nguyễn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.