Ông lão mù với giỏ bánh bông lan

Ông lão mù với giỏ bánh bông lan

Thứ 4, 17/04/2013 15:42

Giữa dòng xe cộ ồn ào tấp nập của chốn Sài thành có một ông lão mù hai mắt, cổ đeo một giỏ bánh bông lan luôn nở nụ cười thân thiện mời chào khách trong nhiều năm liền

Đó là ông Trần Minh Quang (64 tuổi, quê TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu lên Sài thành mưu sinh từ năm 1994. Như thường lệ, cứ 13h hàng ngày, ông lại mò mẫm trong con hẻm nhỏ ở đường Minh Phụng (Q.11, TP.HCM) ra trạm xe buýt đón xe sang Q.10 ngồi bán bánh bông lan do chính tay vợ ông làm. Cách đây 50 năm, trong một lần bị bệnh, cả hai mắt bị nổi ban đen nên cứ nhắm nghiền. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn cha mẹ không có tiền để đưa ông đến bệnh viện cứu chữa kịp thời, chỉ dùng thuốc để nhỏ mắt, lâu dần những cái mụn nước bị vỡ ra nên đôi mắt ông bị mù vĩnh viễn từ ngày đó. Đôi mắt bị mù, mọi sinh hoạt của ông Quang đều trông cậy vào đôi tai và bàn tay như biết nói. Nhìn ông Quang ôm giỏ bánh trước ngực, giọng lảnh lót mời chào khách: "Bánh bột, bánh bông lan đây", ai cũng xót thương cho số phận kém may mắn của ông.

Xã hội - Ông lão mù với giỏ bánh bông lan

Ông lão mù bán bánh bông lan ở ngã tư Nguyễn Tri Phương giao với đường 3 tháng 2. Ảnh Quyên Triệu

Nghe giọng khách hỏi mua hàng, ông Quang không nhận ra ai, nhưng miệng lúc nào cũng nở nụ cười, giọng từ tốn, kèm theo đó là động tác quen thuộc như dùng tay đo tiền và mũi ngửi mùi thơm của những đồng tiền để nhận biết khách hàng đưa cho ông đồng tiền mệnh giá bao nhiêu và ông phải trả lại cho khách số tiền còn dư. Tay ông Quang lại lần mò ở góc giỏ bánh lấy bịch ni lông nhẹ nhàng bỏ bánh vào đưa cho khách. Đường xá xe cộ qua lại rú còi inh ỏi vang vọng một góc trời, nhưng người đi đường vẫn nghe rõ mồn một sự đáp lại lòng thành của khách bằng những câu rất lịch sự: "Bánh của cô, chú đây, cảm ơn cô, chú đã ủng hộ".

Bất kể ngày nắng hay mưa, ông lão vẫn bắt xe bus từ khu nhà trọ đến chỗ ngồi quen thuộc này bán bánh đến 20h mới chịu quay trở về nhà trọ với vợ, con. Có hôm trời mưa to dầm dề, người qua đường không kịp ghé lại, giỏ bánh của ông Quang chỉ bán được một nửa, phần còn lại ông phải mang về và coi như tối hôm đó ông không có lời. Để bù vào số tiền lỗ ấy, hai vợ chồng ông phải ăn bánh thay cơm. Đứa con trai duy nhất cũng bước sang tuổi 27, song nghề nghiệp không ổn định. Tiền lương hàng tháng ít ỏi cũng chỉ đủ chi trả tiền nhà trọ và tiền thuốc thang cho cha mẹ. Không còn cách nào khác, hai ông bà tự xoay xở làm bánh đem ra đường rao bán đến tận bây giờ.

Tuổi xế chiều đang đến từng ngày, từng giờ với hai vợ chồng ông Quang, nhưng hai thân già này vẫn phải sống trong căn nhà xập xệ. Hàng ngày, ông già mù ấy vẫn chống gậy lang thang khắp các ngõ đường để mưu sinh, cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, nhưng họ vẫn lạc quan hi vọng ở ngày mai...

Quyên Triệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.