Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 9/4, trong một phiên họp được coi là đặt nền móng cho chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chuyến thăm của ông Lavrov diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đích thân tới Bắc Kinh cảnh báo về “những hậu quả đáng kể” nếu các công ty Trung Quốc cung cấp linh kiện hoặc thiết bị cho Quân đội Nga để sử dụng ở Ukraine.
Cũng trong ngày 9/4, ông Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), và cho biết 2 bên đã thảo luận về việc tăng cường quan hệ an ninh cũng như khắc phục các vấn đề phát sinh từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết, người đồng cấp Trung Quốc của ông đã đưa ra công thức để hủy bỏ hiệu lực của các lệnh trừng phạt.
“Đồng nghiệp của tôi đã nói chi tiết về những khoảng trống kinh tế cụ thể xuất hiện do chính sách trừng phạt đơn phương và chúng tôi sẽ giải quyết trong khuôn khổ BRICS và SCO”, ông Lavrov cho biết.
BRICS – trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – năm ngoái đã chứng kiến một đợt mở rộng “lịch sử”. Theo đó, kể từ đầu năm nay, 4 quốc gia nữa – Ethiopia, Iran, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – đã gia nhập nhóm, và dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia nữa gia nhập trong tương lai.
Ảnh hưởng chính trị và kinh tế của BRICS đã tăng lên đáng kể kể từ khi Mỹ, EU và các nước phương Tây khác áp đặt những hạn chế khắc nghiệt đối với Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào năm 2022. Không thành viên BRICS nào tham gia chiến dịch trừng phạt của phương Tây, mà ngược lại tiếp tục đẩy mạnh thương mại với Nga.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là khối an ninh-chính trị Á-Âu do Trung Quốc và Nga thành lập vào năm 2001 với các nước cộng hòa Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Kể từ đó khối này đã mở rộng đáng kể, hiện bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Ông Tập và ông Putin tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2/2022, vài ngày trước khi Tổng thống Nga khai màn “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau không dưới 40 lần kể từ khi ông Tập trở thành Nguyên thủ Quốc gia của Trung Quốc, tham dự các sự kiện cấp cao ở quốc gia của nhau và các diễn đàn quốc tế.
Cuộc gặp gần nhất giữa ông Putin và ông Tập là ở Bắc Kinh khi nhà lãnh đạo Nga tới dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 vào tháng 10 năm ngoái.
Tổng thống Putin dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc, có lẽ ngay trong tháng tới. Ngày tháng vẫn chưa được xác nhận, nhưng người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm 9/4 rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Bắc Kinh có thể được coi là “sự chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất”.
Minh Đức (Theo RT, NY Times)