* Thưa ông, sau khi đưa được Arsenal sang Việt Nam vào mùa hè năm nay thì người hâm mộ rất kỳ vọng trong tương lai gần Manchester United cũng sẽ tới Việt Nam?
- Ý tưởng mời M.U đã có từ nhiều năm rồi, nhưng vấn đề là giá bao nhiêu và điều kiện của họ như thế nào. Thật sự là nếu mời được M.U sang Việt Nam thì chúng tôi đã làm từ lâu. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nếu mời một đội bóng sang Việt Nam theo một tour du đấu qua hai, ba nước thì mức phí ra sân sẽ không quá cao. Chẳng hạn nếu muốn mời M.U sang Việt Nam vào năm sau thì chúng ta phải xem năm 2014 M.U có lịch du đấu ở châu Á và Đông Nam Á hay không.
Giả sử M.U có lịch trình du đấu châu Á và Đông Nam Á thật thì cũng rất khó để biết được mức phí ra sân chính xác, bởi họ luôn giấu rất kỹ thông tin ấy. Thông thường trong hợp đồng luôn có điều khoản quy định bảo mật lệ phí ra sân nên không bao giờ người ta công bố con số ấy cả.
Ông Lê Hùng Dũng (trái), người có vai trò chính trong việc đưa Arsenal tới Việt Nam
Tuy nhiên, thông qua việc tiếp xúc nói chuyện với đại diện của các liên đoàn bóng đá quốc gia trong khu vực thì mình cũng sẽ biết được con số áng chừng là bao nhiêu, điều kiện làm sao rồi mình gắn Việt Nam vào danh sách các điểm đến mà M.U sẽ ghé thăm trong tour du đấu châu Á thì mức phí sẽ giảm xuống.
Còn không nếu mời M.U bay thẳng từ Anh sang Việt Nam thi đấu giao hữu một trận rồi về luôn thì chúng ta không thể kham nổi gánh nặng kinh phí. Như tôi đã phát biểu nhiều lần, là chúng ta không thể mời một đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam bằng bất cứ giá nào rồi trút gánh nặng tài chính lên vai người hâm mộ.
* Tại sao ông lại có quan điểm nhất quán như vậy trong chuyện mời các đội bóng nước ngoài đến Việt Nam, thưa ông?
- Sở dĩ tôi nói thế là vì lúc chưa có đội bóng nào tới Việt Nam thì VFF bị chê là không có năng lực vì không mời được câu lạc bộ nào, trong khi các nước khác năm nào cũng có đội bóng châu Âu nổi tiếng ghé thăm.
Thế nhưng khi mời được và biết là mức phí ra sân rất cao thì lại phê bình giá cao như thế thì mời làm gì. Tóm lại kiểu gì thì cũng có ý kiến phê bình chỉ trích, nên tôi đã quyết định sẽ không mời các đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam bằng bất cứ giá nào.
Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể là AS Roma nhé. Cách đây chưa lâu thì công ty đại diện cho AS Roma cử người tới gặp tôi để đề nghị tôi tham gia tài trợ cho chuyến du đấu của AS Roma sang đây, nhưng sau khi họ đưa ra mức phí ra sân thì tôi từ chối luôn.
Tôi trả lời họ là tôi không thể trả số tiền lớn như vậy để đưa AS Roma sang Việt Nam, bởi mức giá ấy so với mặt bằng sinh hoạt tại Việt Nam là không hợp. Chẳng hạn nếu giá vé là 5 triệu đồng một chiếc thì liệu có mấy cổ động viên mua nổi?
Phía công ty đại diện cho AS Roma có nói rằng trước kia vé chợ đen để xem trận đội tuyển Việt Nam - Olympic Brazil năm 2008 lên tới 10 triệu đồng/cặp, tức là cũng tương đương 5 triệu đồng/vé. Tôi trả lời vé chợ đen là quyền của họ, còn đứng ở quan điểm của nhà tổ chức thì không bao giờ tôi lấy giá chợ đen để làm cơ sở tính toán giá thành vé chính thức sẽ bán cho người hâm mộ khi mời các đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam.
* Được biết Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để đưa Arsenal tới Việt Nam, vậy tại sao ban tổ chức lại quyết định cung cấp miễn phí cho người hâm mộ vé xem buổi tập của Arsenal tại sân Mỹ Đình vào chiều ngày 16/7/2013, thay vì tổ chức bán vé để thu lại một khoản kinh phí tương đối?
- Tôi đã hứa với Arsenal là sẽ mở cửa buổi tập miễn phí cho người hâm mộ. Cũng có người thắc mắc với tôi là tại sao ban tổ chức chuyến du đấu của Arsenal không bán vé xem tập, nhưng trong quá trình thương lượng với chúng tôi, Arsenal có thông báo rằng bên Malaysia, họ không bán vé xem buổi tập, và họ đề nghị chúng tôi mở cửa sân miễn phí để mọi người đến xem. Như vậy, nếu tính toán sơ bộ có 40.000 người tới xem buổi tập của Arsenal vào ngày 16/7/2013 và 40.000 người tới xem Arsenal thi đấu vào ngày 17/7/2013 thì sẽ có khoảng 80.000 người có cơ hội được nhìn thấy tận mắt những ngôi sao của Arsenal mà họ hâm mộ.
* Giá vé xem trận đấu của Arsenal tại Việt Nam bị nhìn nhận là quá cao so với mặt bằng sinh hoạt tại Việt Nam. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?
- Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi quyết định bốn mệnh giá vé chính thức, vì tôi nghĩ rằng cần phải định mức giá có thể chấp nhận được theo mặt bằng sinh hoạt tại Việt Nam. Tôi thấy một số chương trình ca nhạc của các ngôi sao Hàn Quốc ở Việt Nam cũng có giá chừng 2-3 triệu đồng rồi, mà đấy là giá bán chính thức.
Còn giá vé khi mời một câu lạc bộ tầm cỡ như Arsenal tới Việt Nam thì con số 50 USD hay 100 USD thì cũng không phải quá cao. Sau khi bàn tính tới lui thì chúng tôi quyết định bốn mệnh giá vé như mọi người đều biết (400.000, 700.000, 1 triệu và 1,5 triệu đồng).
Bí quyết mời được Arsenal là 12 biển quảng cáo Trước khi Arsenal chính thức nhận lời tới Việt Nam, ông Lê Hùng Dũng cho biết trong những năm qua VFF từng làm việc với đại diện của rất nhiều câu lạc bộ nổi tiếng ở châu Âu để tìm cách mời họ sang Việt Nam thi đấu giao hữu. Ông Dũng cho biết: “Các đội bóng nổi tiếng trước đây mà chúng tôi tiếp xúc để mời đến Việt Nam thì họ đều yêu cầu sở hữu cả 48 biển quảng cáo trên sân, nghĩa là toàn bộ thương quyền của trận đấu, nên rất khó để chúng tôi đạt được thỏa thuận với họ”. Trong khi đó, yêu cầu của Arsenal chỉ là 12 biển quảng cáo trên sân và 36 biển còn lại sẽ thuộc về ban tổ chức sở tại. Vì thế, hai bên đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết hợp đồng. |
Theo Thể thao Văn hóa