Ông Lê Như Tiến: Hậu duệ, tiền tệ, ngoại lệ... cản đường cán bộ tốt

Ông Lê Như Tiến: Hậu duệ, tiền tệ, ngoại lệ... cản đường cán bộ tốt

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 2, 13/03/2017 17:20

Ông Lê Như Tiến cho rằng, nếu còn bổ nhiệm cán bộ bằng tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ hoặc đồ đệ thì không bao giờ có được cán bộ tốt.

Tin tức về hot girl xứ Thanh - Trần Vũ Quỳnh Anh hay ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Quang Hải... luôn được tìm kiếm hàng đầu trong thời gian qua.

Tỉnh Hải Dương đã từng xuất hiện một sở 44/46 lãnh đạo (sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Trước khi về nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm sai nhiều cán bộ ở bộ Công Thương, hay ông Huỳnh Phong Tranh (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) cũng từng vi phạm “bổ nhiệm vét” trước khi về hưu.

Mới đây, thông tin về việc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ thêm một lần nữa đặt nhiều dấu hỏi nghi ngại về công tác cán bộ.

Xã hội - Ông Lê Như Tiến: Hậu duệ, tiền tệ, ngoại lệ... cản đường cán bộ tốt

Ông Lê Như Tiến đặt nhiều câu hỏi quanh việc bổ nhiệm nhiều cán bộ sai phạm trong thời gian qua. 

Vì sao có câu chuyện bổ nhiệm “ồ ạt”, “thần tốc” như vậy? Liệu có lợi ích nhóm trong câu chuyện bổ nhiệm? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII, nguyên là Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để làm rõ những nội dung này.

Thời gian qua có hiện tượng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ một cách chóng vánh khiến nhiều người giật mình sửng sốt. Ý kiến cá nhân ông trước vấn đề này?

Việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển kể trên như một sự tăng tốc rất khó hiểu. Thậm chí có những đơn vị trong thời gian rất ngắn bổ nhiệm nhiều người sai quy định.

Nếu cán bộ có tài năng kiệt xuất, cống hiến đặc biệt, thành tích xuất sắc thì được bổ nhiệm là hết sức bình thường. Điều không bình thường ở chỗ, những người được bổ nhiệm nhanh không nhận được sự tín nhiệm, đồng thuận của đồng nghiệp, bị dư luận xã hội lên án. Thậm chí, có những người được bổ nhiệm khi có khuyết điểm, nhược điểm, bộc lộ yếu kém về năng lực, phẩm chất trong quá trình công tác.

Những người như thế được đề bạt tăng tốc, vội vàng khiến dư luận xã hội cũng như bản thân các đồng nghiệp cơ quan đơn vị không thán phục.

Một cá nhân không được thừa nhận sẽ rất khó để phát triển và càng khó để làm cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo. Đó đều là những việc không bình thường.

Đã có nhiều vụ việc được thanh, kiểm tra nhưng kết luận đều “đúng quy trình”. Điều này có gì bất thường, thưa ông?

Vấn đề này tôi đã từng đề cập nhiều lần ở diễn đàn Quốc hội. Cơ quan, đơn vị nào cũng khẳng định chuyện đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình. Nhưng đôi khi, họ dùng chính quy trình để hợp thức hóa những lời giới thiệu đầu vào thiếu trung thực.

Với những người giới thiệu nhân sự có mục đích cá nhân, họ dùng những lý do nghe rất thuyết phục kiểu như: Đây là trường hợp đặc biệt, do nhu cầu... Nhưng thực tế hoàn toàn không thuyết phục. Đằng sau việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách chóng vánh là gì cần phải làm rõ.

Vậy theo ông, nguyên nhân căn bản của việc bổ nhiệm, đề bạt sai hàng loạt cán bộ như thời gian qua là do đâu?

Tôi nghĩ rằng, nếu cứ dùng tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ hoặc đồ đệ làm tiêu chí, xem thường tiêu chuẩn trí tuệ, tài năng, đạo đức để đưa cán bộ thăng tiến thì chắc chắn không bao giờ tìm được cán bộ tốt.

Một nguyên nhân nữa là do người đứng đầu. Nếu người đứng đầu công khai, minh bạch, lấy tiêu chuẩn làm đầu thì không có chuyện bổ nhiệm sai quy định nhiều người như vậy.

Chúng ta có cả một bộ máy khá đầy đủ và hoàn thiện để làm công tác cán bộ. Ngoài chính quyền còn có các cấp ủy đảng. Vậy, phải làm rõ từ việc ai đề bạt, giới thiệu, ai đồng ý bổ nhiệm...

Rõ ràng, công tác cán bộ là vô cùng quan trọng. Nhưng để tìm người tài, không tìm người nhà lại là điều không hề dễ dàng và đòi hỏi sự chỉn chu, liêm chính của cả tập thể?

Đúng như vậy. Ngoài các đơn vị được giao làm công tác cán bộ còn có bộ phận tham mưu, các cơ quan phối hợp liên ngành như đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn... đều là những tổ chức tai mắt cho công tác cán bộ.

Tôi thấy cần xem lại trách nhiệm của người đứng đầu và sự phối hợp liên ngành.

Hơn nữa, cần có thời gian để cán bộ chứng minh năng lực, phẩm chất cũng như khả năng quản lý, lãnh đạo. Hầu hết những việc bổ nhiệm bất thường thời gian qua đều nhanh đến mức chưa có thời gian để chứng minh những điều đó.

Những thử thách trong công việc, khó khăn mới bật lên người có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, khả năng ứng xử với tình huống.

Nếu không lấy hiệu quả công việc (điều vừa thể hiện năng lực, phẩm chất của cán bộ) và tìm người bằng 5 chữ “ệ” tôi nói ở trên sẽ không thể có cán bộ tốt.

Ông suy nghĩ ra sao về lợi ích nhóm trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ?

Tôi nghĩ có lợi ích nhóm, có thể là lợi ích của một người hoặc một nhóm người, họ cùng chia sẻ nhau lợi ích. Nếu anh giúp con tôi, lần sau tôi giúp đỡ người thân trong gia đình anh. Có đồng quà tấm bánh nào, chúng ta cùng hưởng... Kiểu như vậy.

Tôi thấy không phải cán bộ nào cũng có phẩm chất, năng lực, mẫn cán trong công việc và vì dân. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, không chỉ là kiểm soát trong việc ra mệnh lệnh, thực hiện quyền lực mà có cơ chế để cán bộ cùng kiểm soát lẫn nhau. Bởi suy cho cùng, mọi việc thành bại như thế nào đều là do con người.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Dương Thu (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.