Nhu cầu sụt giảm, doanh nghiệp điêu đứng
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc (chủ yếu là xe tải) trong 4 tháng đầu năm đạt 1.901 chiếc, với giá trị 72 triệu USD, bằng non nửa cùng kỳ năm ngoái (4.216 chiếc) và giảm 80% so với 4 tháng đầu năm 2015 (8.856 chiếc).
Những con số biết nói vừa nêu phản ánh nhu cầu của thị trường nội địa đối với xe tải Trung Quốc đang giảm sút với mức độ rất lớn.
Anh Hải, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu xe tải Trung Quốc tại Hưng Yên cho hay doanh số từ đầu năm tới nay rất “èo uột”, mỗi tháng chỉ bán được vài ba xe, có tháng không bán nổi cái nào. Hàng chục xe tải nằm phủ bụi ngoài bãi.
“Sau cơn sốt 2014 - 2015, nhu cầu với các dòng xe tải bất ngờ lao dốc trong năm ngoái. Năm nay thậm chí còn tệ hơn. Chúng tôi nhập về hơn trăm chiếc từ thời kỳ cao điểm tới bây giờ chưa bán được một nửa, hiện đang phải bán dưới giá vốn để cắt lỗ. Nếu thị trường không khả quan hơn chắc tôi phải bán thanh lý số còn lại trả nợ và đóng cửa công ty”, anh Hải chia sẻ, cho biết thêm không chỉ anh mà rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đều chung cảnh ngộ.
Không quá “bết bát” như doanh nghiệp của anh Hải, anh Nam – chủ một showroom phân phối xe tải Hino Truck ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết doanh số từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh, chỉ còn chừng ¼ thời kỳ cao điểm năm 2015. Trung bình mỗi tháng vẫn bán được một vài chiếc, đủ trả chi phí nhân công, mặt bằng, song nếu tính cả chi phí tài chính vào thì vẫn lỗ.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, các công ty nhập khẩu, phân phối quy mô lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng không bán được dẫn đến tồn kho tăng cao, tiền không quay vòng kịp để trả nợ ngân hàng. Quý I/2017, Công ty CP Ô tô TMT (mã chứng khoán TMT) bất ngờ báo lỗ 11,8 tỷ đồng.
Đây là quý lỗ đầu tiên trong vòng 4 năm qua của ô tô TMT. Hàng tồn kho tiếp tục tăng lên đến 1.451 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng (cả ngắn và dài hạn) 1.073 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (mã chứng khoán HTL) chỉ lãi sau thuế 1,9 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, giảm tới 93% so với cùng kỳ 2016 (24,8 tỷ đồng), hàng tồn kho tăng mạnh 17% lên 214 tỷ đồng.
Một “ông kẹ” khác trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối xe tải Trung Quốc là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (mã chứng khoán HHS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan, với lợi nhuận sau thuế trong quý I/2017 chỉ đạt 10,5 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ 2016. Tổng doanh thu giảm 39% về còn 307 tỷ đồng.
Thách thức đồng nghĩa với cơ hội
Giải thích cho thực trạng trên, ban lãnh đạo ô tô TMT cho hay sau hai năm sôi động do chính sách kiểm soát tải trọng của nhà nước, thị trường của dòng xe thương mại trở nên bão hòa trong năm 2016 và giảm trong đầu năm 2017. Cung cầu trong thị trường đã cân bằng, cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến lợi nhuận của các hãng xe giảm thấp so với các năm trước.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc tài chính Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy nhận định nhu cầu đối với xe tải nhìn chung đang diễn biến ảm đạm và khó có đột phá trong ngắn hạn, song ông Dương cho rằng xe tải Trung Quốc vẫn có lợi thế của mình: “Khác với xe Hàn Quốc hay Nhật Bản, ô tô tải Trung Quốc được thiết kế thân thiện, quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Về mặt chất lượng, nếu lựa chọn các hãng uy tín thì không thua kém nhiều so với xe Hàn hay xe Nhật, trong khi giá cả lại hợp lý hơn”.
Vị này khẳng định thị trường gặp khó cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại, hoàn thiện chiến lược kinh doanh: “Sản lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan trong nhiều năm tới, đồng nghĩa với nhu cầu xe thương mại nói chung và xe tải Trung Quốc nói riêng sẽ ấm trở lại. Chúng tôi cho rằng thị trường khó khăn thời gian qua là một thách thức lớn, song cũng đồng thời là cơ hội khi các đối thủ nhỏ, tiềm lực tài chính non kém sẽ bị đào thải. Thị phần lúc đấy chỉ dành cho những doanh nghiệp có nền tảng tốt, chiến lược kinh doanh bài bản”.
Ông Dương cho biết ngoài nhập khẩu và phân phối độc quyền nhãn hiệu xe tải DongFeng, HHS đang mở rộng hệ thống dịch vụ cung cấp phụ tùng, sửa chữa, bảo hành trên toàn quốc, trong nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời thu hút thêm khách hàng mới.
Theo thông tin công bố, ô tô TMT dự kiến tiêu thụ 12.278 xe tải các loại trong năm 2017, tăng 85% so với năm 2016, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.876 tỷ đồng và 124 tỷ đồng, tăng lần lượt 97% và 157% so với năm 2016. Hoàng Huy (HHS) có phần khiêm tốn hơn khi đặt mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 163 tỷ đồng, cao hơn 8% và 17% so với năm ngoái.
Ô tô Trường Long (HTL) là doanh nghiệp duy nhất trong ba “ông lớn” kể trên điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch trong năm nay, với doanh thu dự kiến giảm 16% về 1.020 tỷ đồng, lãi sau thuế còn 30 tỷ đồng, bằng 56% kết quả trong năm 2016.
Nghi Điền