"Ông lớn" điện tử Hanel vẫn loay hoay trong “tấm áo” rộng

"Ông lớn" điện tử Hanel vẫn loay hoay trong “tấm áo” rộng

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 7, 27/01/2018 06:59

Hai năm sau cổ phần hoá, những tưởng sẽ là bước ngoặt trong chiến lược phát triển của Hanel nhưng "ông lớn" ngành thiết bị điện tử, công nghệ thông tin này vẫn đang loay hoay trong tấm áo rộng.

Quỹ đất vàng "khủng"

Ngày 18/11/2017, Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Hanel ban hành Nghị quyết số 07 thông qua quyết định tiếp tục triển khai dự án Toà tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel tại Lô 02-E9 đường Phạm Hùng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. Diện tích lô đất là 4.188m2, diện tích xây dựng 1.674,88m2, diện tích sàn xây dựng 91.777,09m2. Quy mô xây dựng 45 tầng nổi và 4 tầng hầm.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.535 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu của Hanel chiếm 20%, tương đương 307 tỷ đồng, vốn vay 130,93 tỷ đồng (8,53%), toàn bộ 71,47% vốn còn lại, tương ứng 1.097 tỷ đồng sẽ do công ty CP Đầu tư Alphanam chi trả. Đổi lại, tập đoàn Alphanam được thuê 65% tổng diện tích  của dự án trong 45 năm.

Đầu tư - 'Ông lớn' điện tử Hanel vẫn loay hoay trong “tấm áo” rộng

"Ông lớn" điện tử Hanel tính triển khai sang cả mảng bất động sản.

Đây là diễn biến mới nhất từ doanh nghiệp hàng đầu TP.Hà Nội sau gần 2 năm cổ phần hoá. Như vậy, từ mũi nhọn chính với ngành nghề truyền thống là sản xuất, kinh doanh thiết bị điện tử truyền thống, Hanel đang tích cực chuyển hướng sang mảng bất động sản.

Vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, thương vụ cổ phần hoá Hanel thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi Hanel không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu của UBND TP.Hà Nội, có truyền thống trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn sở hữu quỹ đất hàng trăm héc-ta ở nội và ngoại thành Thủ đô. Cụ thể, tại quận Long Biên, Hanel là chủ đầu tư Khu công nghiệp Sài Đồng B rộng 24,2ha, dự án Xây dựng điểm thông quan nội địa TP.Hà Nội (ICD Cổ Bi, khởi công tháng 5/2017), dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với tổng diện tích hơn 43ha, tổng vốn đầu tư lên đến 620 triệu USD.

Tại huyện Gia Lâm, Hanel có dự án khu đô thị Khoa học, công nghệ, tài chính Hanel – Tân Tạo rộng 270ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng tại huyện Gia Lâm. Ở quận Hoàng Mai, Hanel đang hợp tác với công ty CP Đầu tư Xây dựng HUD3 triển khai dự án thương mại có vốn đầu tư 700 tỷ đồng tại 60 Nguyễn Đức Cảnh. Ngoài ra, khu đất gần 4.300m2 tại 409 Lĩnh Nam, cũng được Hanel chuyển đổi sang mục đích xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng, dịch vụ. Tuy nhiên, dự án đã dừng triển khai, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hoàn tất chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đầu tư - 'Ông lớn' điện tử Hanel vẫn loay hoay trong “tấm áo” rộng (Hình 2).

Phối cảnh toà tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel tại Lô 02-E9 đường Phạm Hùng. 

Bên cạnh đó, công ty còn đang quản lý 5.000m2 đất tại quận Hải An, TP.Hải Phòng được sử dụng góp vốn vào công ty Liên doanh và cho thuê. Bản thân Hanel và tập đoàn Alphanam còn đang hoàn tất các thủ tục để hợp tác triển khai dự án Khu đô thị Hanel - Alphanam quy mô 53,5ha, tổng vốn đầu tư 2.438 tỷ đồng tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Hai bên sẽ thành lập liên doanh phát triển dự án, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền Alphanam cho vay.

Chưa lựa chọn được cổ đông chiến lược

Dù nắm trong tay quỹ đất có tiềm năng rất lớn song Hanel vẫn chưa phát huy được hiệu quả, chủ yếu tham gia các dự án dưới dạng góp vốn bằng đất, các đối tác góp tiền đầu tư. Tỷ lệ lợi nhuận nhận được theo đó sẽ thấp hơn đáng kể. Để tối đa hoá tiềm năng của Hanel, doanh nghiệp này cần những nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Đây cũng là mục tiêu của TP. Hà Nội khi cổ phần hoá Hanel.

Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hanel sau cổ phần hoá là 1.926 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước giảm về 29%, bán cho cổ đông chiến lược 61%, bán cho người lao động 0,06% và đấu giá ra công chúng 9,94%. Hai nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là công ty CP Công nghệ Tiến Việt, mua 36% và công ty Sebrina Holdings của Singapore mua 25%. 

Ngày 20/4/2016, 19,1 triệu cổ phần (9,94% vốn) của Hanel đã được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm đúng bằng mệnh giá: 10.000 đồng. Những tưởng mức giá khá thấp cùng tiềm năng lớn sẽ biến Hanel thành hàng “hot” nhưng phiên đấu giá đã diễn ra không thành công khi chỉ 3,9 triệu cổ phần, tương đương 20,4% lượng chào bán được mua với giá bình quân 10.004 đồng/ CP.

Không chỉ vậy, Hanel cũng chưa thể hoàn tất bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hiện vẫn lên tới 98%. Trong đại hội đồng cổ đông lần đầu diễn ra vào ngày 23/6/2017, lãnh đạo Hanel thừa nhận đến thời điểm đó vẫn chưa bán được cổ phần cho đối tác chiến lược. Cụ thể, công ty Tiến Việt không kịp thu xếp nguồn tiền để đặt cọc và thanh toán nên đã rút, không tham gia nữa.

Đầu tư - 'Ông lớn' điện tử Hanel vẫn loay hoay trong “tấm áo” rộng (Hình 3).

"Vua đất vàng" Hanel dường như đang loay hoay trong tấm áo quá rộng. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, Sebrina Holdings đề xuất TP.Hà Nội mua toàn bộ cổ phần sở hữu Nhà nước để nắm quyền chi phối và xin gia hạn đến ngày 15/4/2017. Tuy nhiên do không thể kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật nên UBND TP.Hà Nội quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn để tiến hành họp đại hội đồng cổ đông lần đầu. Sebrina Holdings đã báo cáo UBND TP.Hà Nội có nguyện vọng tiếp tục theo đuổi quá trình thoái vốn Nhà nước tại Hanel.

Ban lãnh đạo Hanel nhìn nhận việc Nhà nước nắm giữ tới 98% cổ phần khiến công ty rất khó tăng trưởng, tối đa chỉ được 5-10%. Việc chia cổ tức không thể cao nếu không chuyển sang tư nhân để tạo đột phá và thu hút nguồn vốn kinh doanh. Năm 2016, doanh thu của Hanel ước đạt 800 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,48 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ  sở hữu (ROE) ở mức 2,3%. Năm 2017, Hanel đặt kế hoạch doanh thu 824 tỷ đồng, lãi 54 tỷ đồng. Đây là những chỉ tiêu mà cổ đông của Hanel khó có thể hài lòng.

Một số cổ đông Hanel tỏ ra sốt ruột, muốn công ty sớm đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM và yêu cầu Hanel trả lãi suất cho khoản tiền đã thanh toán khi mua cổ phần qua IPO theo quy định của bộ Tài chính. Về vấn đề này, lãnh đạo Hanel cho biết, công ty phải chuyển sang mô hình cổ phần mới có thể niêm yết, sau khi đại hội xong Ban lãnh đạo sẽ phối hợp cùng tư vấn để niêm yết theo quy định pháp luật.

Nếu cổ đông có nhu cầu bán lại cổ phần, công ty sẽ xem xét mua lại theo quy định tại Điều lệ công ty. Hanel cũng sẽ báo cáo UBND TP.Hà Nội xem xét trả lãi cho cổ đông dù trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phần lớn bị chậm trễ trong việc cổ phần hoá, việc trả lãi do chậm là chưa có tiền lệ.             

Tháng 5/2017, UBND TP.Hà Nội đã cử 3 người đại diện phần vốn Nhà nước tại Hanel. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Bình, sinh ngày 22/6/1959, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH một thành viên Hanel, đại diện quản lý 132.894.000 cổ phần Nhà nước, tương ứng 1.329 tỷ đồng, chiếm 69% vốn điều lệ; là người phụ trách chung quản lý vốn Nhà nước tại CTCP Hanel; giới thiệu tham gia ứng cử Thành viên Hội đồng quản trị để bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Hanel. 

Ông Nguyễn Đình Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Hanel, đại diện quản lý 34.668.000 cổ phần Nhà nước, tương ứng 346,7 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ; giới thiệu tham gia ứng cử Thành viên HĐQT để bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hanel.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Hanel, đại diện quản lý 21.052.400 cổ phần Nhà nước, tương ứng 210,5 tỷ đồng, chiếm 10,93% vốn điều lệ; giới thiệu tham gia ứng cử Thành viên HĐQT để bổ nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Hanel.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.