"Ông lớn" Licogi và những mảng tối hậu cổ phần hóa

"Ông lớn" Licogi và những mảng tối hậu cổ phần hóa

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 19/02/2019 13:00

Bộ Tài chính vừa lên tiếng cảnh báo về vấn đề bảo toàn vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp của Licogi, sau khi đánh giá tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ của “ông lớn” ngành xây lắp này.

Một vốn bốn nợ

Bộ Tài chính vừa có văn bản đánh giá tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của tổng công ty Licogi - CTCP.

Theo bộ Tài chính, năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ - tổng công ty Licogi giảm hơn 122 tỷ đồng so với 2016. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh gần 10 lần, từ con số 158 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 16,7 tỷ đồng năm 2017).

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 của Licogi âm hơn 100 tỷ đồng. 

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục giảm hơn 77,8 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2017.

Đầu tư - 'Ông lớn' Licogi và những mảng tối hậu cổ phần hóa

Ông lớn Licogi vừa bị bộ Tài chính cảnh báo về nguy cơ không bảo toàn được vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (ảnh: Hoa Liên).

Toàn tổng công ty Licogi bị giảm 200 tỷ đồng doanh thu năm 2017 so với 2016. Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 âm hơn 58,7 tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2017 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của công ty mẹ năm 2017 lần lượt là 0,83 và 0,56; hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của tổng công ty năm 2017 lần lượt là 0,79 và 0,49”, bộ Tài chính phân tích.

Tại thời điểm ngày 31/12/2017 và 30/6/2018, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Licogi là 4,48 lần. Như vậy, mỗi đồng vốn của Licogi phải gánh tới hơn 4 đồng nợ phải trả.

Kết luận thực trạng trên, bộ Tài chính cho rằng tổng công ty “chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp” và đề nghị bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm và có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Từ “con cưng” thành “cục nợ”

Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) được thành lập cuối năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới thành lập tháng 8/1960 và công ty Xây dựng số 18 thành lập tháng 5/1961.

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Licogi là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, đặc biệt về mảng thuỷ điện. Một số hợp đồng lớn Licogi đã tham gia là tổng thầu thi công gói thầu 14 - dự án Thủy điện Bản Chát trị giá 4.477 tỷ đồng, tổng thầu Thủy điện Sông Tranh 2 trị giá 2.371 tỷ đồng, xây dựng Thủy điện Sơn La (1.654 tỷ đồng), tổng thầu xây lắp Thủy điện A Vương (1.478 tỷ đồng).

Licogi đã từng là “đứa con cưng” của bộ Xây dựng, với kết quả kinh doanh giai đoạn 2011-2015 khả quan, lợi nhuận luôn ở mức dương: Năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng), năm 2015 (87 tỷ đồng).

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm 31,5 triệu cổ phần, chiếm 35% vốn điều lệ, bộ Xây dựng sở hữu 40% vốn và bán đấu giá công khai 21,27 triệu cổ phần (23,63% vốn).

Điều đáng nói là sau cổ phần hóa (tháng 4/2015 – PV), doanh thu hợp nhất năm 2016 của Licogi chỉ giảm nhẹ 6,7% so với năm 2015 và cao hơn nhiều so với thời kỳ 2012 - 2014. Tuy nhiên, các năm trước luôn duy trì lãi trước thuế 167 tỷ đồng (2011), 143 tỷ đồng (2012), 101 tỷ đồng (2013), 87 tỷ đồng (2015) bỗng chốc đảo chiều lỗ 427 tỷ đồng trong năm 2016.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin thời điểm đầu năm 2017, Phó Tổng giám đốc Licogi - bà Phan Lan Anh (người mà trước đó đã hơn một thập kỷ nắm giữ cương vị Kế toán trưởng Licogi) cho biết: "Theo báo cáo đã được kiểm toán, kết quả năm 2016 của công ty mẹ - tổng công ty Licogi lỗ 293,4 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 139 tỷ, trích lập dự phòng đầu tư tài chính 46,5 tỷ đồng, chi phí lãi vay 86 tỷ đồng...”

“Trước thời điểm cổ phần hóa, khi xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán vốn Nhà nước, Licogi không được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính, khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, DN phải trích lập theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC" – bà Phan Lan Anh nói, đồng thời cho biết Licogi có thực trạng nguồn vốn chủ sở hữu thấp nên đã mất cân đối về vốn trong thời gian dài.

Tuy nhiên, từng có nhiều ý kiến nghi ngại rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp đã giấu lỗ những năm trước đó để chờ cổ phần hóa rồi “gắp lỗ” sang cho tư nhân. Hoặc là chuyển lỗ sang giai đoạn sau cổ phần hóa nhằm giúp nhóm cổ đông tư nhân tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp cùng với “đất vàng” với giá thấp.

Nghi ngại này không phải là không có cơ sở nếu nhìn vào quá trình cổ phần hóa của Licogi, một nhóm nhà đầu tư đã thâu tóm thành công 21,27 triệu cổ phần Licogi với giá 10.006 đồng, cao hơn vẻn vẹn 6 đồng so với mệnh giá.

Trước đó, 35% vốn, tương đương 31,5 triệu cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược – công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông với mức giá theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 315 tỷ đồng, cũng chỉ bằng mệnh giá.

Sau đấu giá, bộ Xây dựng, Bất động sản Khu Đông và Đầu tư Gia Cường hiện nắm tới 97,95% vốn của Licogi, trong đó hai cổ đông tư nhân sở hữu 57,24%, chiếm tỷ lệ quá bán, có quyền chi phối doanh nghiệp này. Điều cần nhấn mạnh là cả BĐS Khu Đông và Đầu tư Gia Cường đều là “người một nhà”, cùng là công ty thành viên của một tập đoàn bất động sản mới nổi ở Việt Nam.

Và từ đây có thể lý giải tại sao Licogi bất ngờ thua lỗ nặng nề trong thời gian qua, dù trước đó kết quả kinh doanh vẫn khả quan.

Thời gian qua, có không ít doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn cổ phần hóa, mặc dù nắm trong tay khối tài sản khồng lồ, song vẫn liên tục báo lỗ. Việc lỗ hay lãi, theo chuyên gia này, các nghiệp vụ kế toán hoàn toàn có thể “mông má” được, thực tế là lãi, nhưng trên giấy tờ biến hóa thành thua lỗ thê thảm. Doanh nghiệp càng lỗ thì giá trị của phần vốn Nhà nước càng giảm sút, và bởi vậy cổ đông tư nhân dễ dàng mua lại với mức giá rất rẻ.

Trong một diễn biến “rất” liên quan, bộ Xây dựng ngày 25/3/2017 nhận được văn bản số 16/2017/CV-KĐ của công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi. Nếu được chấp thuận, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Khu Đông – Gia Cường tại Licogi sẽ lên tới 98%, và với tình trạng kinh doanh thua lỗ như hiện nay, chắc chắn sẽ đi kèm với cái giá rất thấp.

Tuy nhiên mục tiêu của nhóm cổ đông tư nhân này đã không được thực hiện khi kết luận buổi làm việc ngày 17/3/2017 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn góp của bộ Xây dựng đã xác định giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước 40,71% tại Licogi và chuyển quyền đại diện phần vốn về tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào quý I/2017.

Hậu quả còn nặng nề
Đầu tư - 'Ông lớn' Licogi và những mảng tối hậu cổ phần hóa (Hình 2).

Mặc dù có lãi nhẹ trong năm 2018 song quá trình thua lỗ của Licogi các năm trước còn để lại hậu quả nặng nề.

Kết thúc năm 2018, doanh thu bán hàng hợp nhất của Licogi đạt hơn 2.607 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.606 tỷ đồng của năm 2017. Lãi gộp cũng tăng nhẹ lên 287 tỷ đồng, so với mức 227 tỷ đồng cả năm 2017.

Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đã đảo chiều từ mức lỗ 71 tỷ của năm 2017 sang mức lãi 72 tỷ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2018 đã ghi dương 48 tỷ đồng.

Tuy nhiên do hậu quả thua lỗ trước đó nên tại thời điểm 31/12/2018, Licogi vẫn còn khoản lỗ lũy kế 511 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.